Những thương hiệu có thể nối gót BlackBerry

BlackBerry đã trở thành thương hiệu danh tiếng tiếp theo ngừng sản xuất phần cứng điện thoại sau Nokia. Sau sự ra đi của nhà sản xuất điện thoại Canada, nhiều người đang đặt ra câu hỏi: thương hiệu nào sẽ nối gót BlackBerry?

Trước khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy xem lại nguyên do khiến Nokia và BlackBerry sụp đổ. Hẳn nhiên nguyên nhân khiến những thương hiệu vang bóng một thời, thậm chí từng thống trị thị trường điện thoại di động thế giới như Nokia hay BlackBerry có rất nhiều. Nhưng tựu chung, giới chuyên gia và phân tích thị trường đều thống nhất với nhận định: Bảo thủ, ngại thay đổi và "túng quá làm liều" là nguyên chính yếu khiến Nokia và BlackBerry thất bại .

Theo đó, do thiếu tầm nhìn, nên cả Nokia lẫn BlackBerry đã không không lường được sự phát triển mạnh mẽ của iPhone và quân đoàn điện thoại Android. Năm 2009, BackBerry chiếm 20% thị phần điện thoại di động toàn cầu, chỉ sau Nokia. Trong khi đó, Nokia vẫn dẫn đầu thị trường điện thoại di đông thế giới khi năm 2011 kết thúc. Nhưng tiếc là sau đó cả Nokia và BlackBerry đều ngủ say trên chiến thắng, chậm đổi mới và phát triển trước những thay đổi nhanh chóng trong xu hướng sử dụng điện thoại của người dùng.

Khi nhận ra sai lầm, cả Nokia và BlackBerry vội vã thay đổi, nhưng đã quá muộn. Thị phần liên tục sụt giảm, kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tiếp do sản phẩm không đủ sức cạnh tranh với iPhone, smartphone Galaxy cũng như dòng điện thoại giá rẻ đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc... Khi bị dìm sâu trong vòng xoáy khủng hoảng, cả Nokia lẫn BlackBerry lại vội vã vứt bỏ tất cả để chuyển sang Android mà không nhận thấy rằng: Phân khúc Android từ lâu đã được phân chia rõ ràng với ngôi đầu thuộc về Samsung, trong khi các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc tỏ rõ ưu thế với dòng sản phẩm giá rẻ và bình dân, đâu còn chỗ cho những "người hùng thất thế" như Nokia hay BlackBerry. Thế là cả BlackBerry lẫn Nokia đều phải đón nhận trái đắng.

Khi nhìn vào những nguyên nhân khiến Nokia và BalckBerry thất bại không khó để nhận ra thấp thoáng đâu đó có hình ảnh của Sony và HTC.

Smartphone Xperia không xấu. Thậm chí, việc sử dụng ngôn ngữ thiết kế Omnibalance cho dòng Z đã mang lại sự bắt mắt và sang trọng do dòng sản phẩm này. Sau khi áp dụng ngôn ngữ thiết kế này cho cả dòng sản phẩm ở phân khúc tầm trung vào bình dân, Sony đã nhận được đánh giá khá cao của giới chuyên môn và người dùng. Tuy nhiên, dù đẹp và sang trọng, nhưng Sony không có sự đổi mới trong thiết kế trong nhiều năm liên tiếp khiến người dùng cảm thấy nhàm chán khi không thể phân biệt các sản phẩm Xperia do ngoại hình quá giống nhau.

Việc các sản phẩm thế hệ sau giống thế hệ tiền nhiệm khiến nhiều người cho rằng: Sony đã rập khuôn thiết kế của sản phẩm đời trước lên các sản phẩm mới, có chăng là những thay đổi về phần cứng và một số chi tiết nhỏ trên tổng thể thiết kế. HTC cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi người dùng gặp không ít khó khăn để có thể nhận ra sự khác nhau giữa One M8 và One M9. Điều này khiến nhiều người có cảm giác sản phẩm mới chỉ là bản nâng cấp nhẹ của thế hệ tiền nhiệm, nên không tạo được động lực thay mới cho người dùng.

Hậu quả là doanh thu, lợi nhuận sụt giảm. Báo cáo của Sony trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2016 cho thấy hãng chỉ bán được 24,9 triệu thiết bị, giảm 36% so với năm trước. Trong quý I/2016, lượng điện thoại tiêu thụ của Sony tiếp tục giảm 57% khiến hãng không còn có trên trong TOP 12 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới. Niềm an ủi duy nhất của Sony là không bị thua lỗ trong quý II/2016 sau khi cắt giảm tối đa lĩnh vực kinh doanh smartphone. Trước tình trạng kinh doanh bết bát này, ông Kazuo Hirai - CEO Sony - cho biết sẽ cân nhắc việc có tiếp tục kinh doanh điện thoại nữa hay không trong năm 2016. Hiện tại, mọi hy vọng của Sony đang dồn vào bộ đôi Xperia XZ và Xperia X Compact hướng đến người dùng ở phân khúc cao cấp và tầm trung sẽ được lên kệ vào thời gian tới. Đây có thể là sản phẩm cuối cùng mang thương hiệu Sony Xperia nếu không đạt được thành công như mong đợi.

Với HTC, hãng điện thoại Đài Loan từng đi tiên phong trong phân khúc smartphone Android, thậm chí từng là nhà sản xuất điện thoại Anroid lớn nhất thế giới. Song, ánh hào quang mà HTC có được không kéo dài lâu. Các toan tính và bước đi sai lầm của HTC cả trong thiết kế lẫn marketing khiến những thành quả mà hãng từng có được giờ chỉ còn là ký ức nhạt nhòa sau nhiều năm kinh doanh kém hiệu quả và thua lỗ liên tiếp. Trong đó, tệ hại nhất là One M9 khi đã lấy đi tất cả những hy vọng vừa được One M7 nhen nhóm. Đáng trách hơn nữa là HTC ngó lơ trước những chỉ báo không mấy sáng sủa về doanh thu mà One M8 đã phát đi để rồi vẫn tiếp tục tung ra One M9 với ngoại hình tương tự thế hệ tiền nhiệm.

Vậy là từ vị thế là một trong những hãng smartphone hàng đầu thế giới, có ảnh hưởng lớn với thị trường điện thoại di động, HTC dần đánh mất lợi thế để rồi trở thành cái bóng nhạt nhòa của chính mình. Thậm chí, giờ đây, HTC còn không có tên trong TOP 12 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới khi quy mô thị phần liên tục sụt giảm. Điều đó khiến cho HTC tiếp tục ghi nhận quý lỗ thứ 5 liên tiếp. Cụ thể: Trong quý II/2016, doanh thu của HTC chỉ đạt 598 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, HTC cũng phải đón nhận khoản lỗ lên đến 133 triệu USD. Hiện tại, HTC càng chơi vơi hơn khi việc chuyển hướng sang thiết bị thực tế ảo vẫn chưa mang lại kết quả khả quan. Vì thế, không bất ngờ nếu HTC là một trong hai cái tên tiếp theo nối gót BlackBerry dừng cuộc chơi trên thị trường smartphone đang diễn ra sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Xem thêm

Quang Huy

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/cong-nghe-doi-song-nghe-nhin/nhung-thuong-hieu-co-the-noi-got-blackberry