Những thủ tục cần biết khi phân chia di sản thừa kế

Tòa soạn nhận được thư bạn đọc ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ có hỏi về những thủ tục quy định về việc phân chia di sản thừa kế.

Bạn đọc hỏi: “Cha tôi qua đời từ năm 2008. Năm 2015, mẹ tôi qua đời. Khi mất, cha mẹ tôi không để lại di chúc về tài sản. Xin tòa soạn cho hỏi thủ tục quy định về việc phân chia di sản thừa kế”.

Câu trả lời có tính chất tham khảo:

Quy định phân chia di sản thừa kế như sau:

- Theo quy định của pháp luật, khi một người chết không để lại di chúc, di sản của người đó được chia theo quy định của pháp luật về "thừa kế theo pháp luật", tức là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đều được chia đều.

- Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm bố, mẹ, vợ, chồng, con của người chết. Trong trường hợp không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất thì những người thuộc hàng thừa kế thứ 2 mới được nhận di sản, (trường hợp này hiếm gặp).

- Người được hưởng thừa kế theo pháp luật tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế, hoặc phân chia di sản thừa kế. Mục đích của hai việc này là chuyển di sản thừa kế của người chết sang một hoặc những người thừa kế còn sống.

Sự khác nhau ở mỗi hình thức:

Hình minh họa

- Đối với khai nhận di sản thừa kế:

+ Hình thức này có thể hiểu là tài sản vẫn được giữ nguyên sau khi khai nhận. khối tài sản đó có thể thuộc sở hữu 1 người hoặc một số người thừa kế. Nếu tài sản thuộc một số người thì họ là đồng sở hữu chung hợp nhất.

+ Thủ tục khai nhận, phân chia di sản thừa kế được thực hiện tại các phòng dịch vụ công chứng, Phòng công chứng căn cứ vào đơn yêu cầu và hồ sơ xin khai nhận thừa kế để ra thông báo niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường nơi có tài sản hoặc nơi cư trú cuối cùng của người chết.

- Đối với phân chia di sản thừa kế:

+ Sau khi phân chia, tài sản sẽ được chia cụ thể cho từng người thuộc hàng thừa kế, mỗi người đều có quyền riêng đối với tài sản mà mình được hưởng. Tuy nhiên, đối với trường hợp di sản là bất động sản, thủ tục này còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền (vì có các tỉnh, thành phố đều có quy định diện tích tối thiểu được phép chia tách).

+ Sau thời gian niêm yết theo quy định, nếu không có tranh chấp, kiếu nại gì, Công chứng viên sẽ lập văn bản khai nhận, phân chia di sản thừa kế theo quy định.

+ Việc còn lại là đăng ký sang tên theo quy định.

Đối với các tài sản:

Yêu cầu đăng ký quyền sở hữu thì khi người để lại di sản thừa kế chết thì những người được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật phải thực hiện các thủ tục pháp lý để được xác lập quyền tài sản của mình.

Những tài sản phải khai nhận, phân chia di sản thừa kế khi người để lại di sản chết bao gồm:

- Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở

- Quyền sở hữu phương tiện giao thông như ô tô, xe máy

- Tài khoản mở tại ngân hàng

- Cổ phiếu, trái phiếu có ghi danh

Hồ sơ khai nhận, phân chia di sản thừa kế bao gồm:

- Giấy tờ chứng minh tài sản của người để lại di sản thừa kế

- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế

- Giấy tờ cá nhân của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất

- Bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi (sổ hộ khẩu, CMND), nếu đã chết thì phải có giấy chứng tử hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền xác nhận đã chết trước thời điểm người để lại di sản thừa kế chết.

- Con đẻ, con nuôi (sổ hộ khẩu, CMND, giấy khai sinh)

- Sơ yếu lý lịch của những người nói trên có xác nhận của chính quyền địa phương

- Thời gian niêm yết công khai là 30 ngày, nếu không có khiếu nại gì thì sẽ tiến hành phân chia di sản thừa kế theo di chúc hoặc phân chia thừa kế theo quy định của pháp luật.

Luật gia ĐỖ MINH CHÁNH / KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/nhung-thu-tuc-can-biet-khi-phan-chia-di-san-thua-ke-p43310.html