Những thay đổi của cơ thể trong mùa lạnh gây ảnh hưởng sức khỏe mà ít ai chú ý

Có những thay đổi của cơ thể trong mùa lạnh khá thú vị mà nếu không để ý bạn sẽ bỏ qua.

Hiện tượng rụng lông trong quá trình tiến hóa khiến cơ thể mất đi lớp bảo vệ tự nhiên và giảm đáng kể khả năng chịu lạnh của cơ thể. Do đó, khi nhiệt độ xuống thấp, não bộ sẽ có những phản xạ đặc trưng để ngăn ngừa cái lạnh xâm nhập, duy trì thân nhiệt ổn định. Dưới đây là một trong những điều thú vị mà có thể không chú ý khi cơ thể gặp lạnh:

Căng cơ

Nếu tinh ý, bạn sẽ nhận ra các bó cơ của bạn căng cứng hơn bình thường khi tiếp xúc với cái lạnh. Việc vận động trong thời tiết này sẽ khó khăn hơn như khi tiết trời ấm áp mùa hè. Tiến sĩ y khoa Stacy Sims, tác giả cuốn sách Vận Động Vì Sức Khỏe cho biết, một vài động tác khởi động là cách bắt đầu khôn ngoan, tránh tình trạng đau nhức cơ do vận động đột ngột.Cô cũng cho biết, nếu quyết định làm ấm cơ thể từ bên trong theo cách này, hãy dành nhiều thời gian cho quá trình khởi động cũng như tiến hành các hoạt động một cách chậm rãi, từ tốn để đề phòng các tổn thương về cơ. Bạn không thể áp dụng chiến lược “nhanh gọn” vào thời điểm không khí không còn ấm áp như mùa hè.

Máu tập trung vào nội tạng

Tiến sĩ Sims cũng cho biết, nhiệm vụ tối quan trọng của não bộ là đảm bảo sinh tồn cho cơ thể và do đó trong thời tiết lạnh, máu được bộ phận này “thu hồi” tập trung vào các cơ quan nội tạng để lưu giữ nhiệt lượng tối đa cho cơ thể. Đây là lý do khi bàn tay hoặc chân bạn trong thời tiết lạnh thường bị tê cóng và nhợt nhạt màu sắc. Khi lượng máu không còn dư dả tại những khu vực này, mọi hoạt động diễn ra cũng kém “mượt mà” hơn. Hãy tưởng tượng khi mới đụng vào cây bút trong buổi sáng mùa đông, những hàng chữ của bạn khó có thể đẹp như bình thường.

Giữ ấm cơ thể là một trong những cách hiệu quả hạn chế tình trạng này. Khi cơ thể không rơi vào tình trạng báo động về nhiệt độ, não bộ sẽ không ra lệnh tích trữ máu vào các cơ quan trong cơ thể mà tiếp tục phân bổ đều. Bạn cần chú ý bảo vệ tay, chân bằng các loại găng để đảm bảo chúng không bị lạnh. Tránh các tư thế nằm, ngồi gập tay chân cũng giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm tê buốt khu vực này trong tiết trời lạnh.

Nhịp tim thay đổi

Lena Mart, chuyên viên y khoa tại viện Hàn lâm Khoa học St. Peterburg cho biết, khi nhu cầu về máu tới các chi giảm, tim cũng không hoạt động mạnh để bơm máu như bình thường. Tuy nhiên, khi vận động, tim sẽ phải hoạt động cật lực hơn để đưa máu lưu thông toàn cơ thể sau đó mới tăng cường để bổ sung oxy. Đây là lý do vì sao nhịp tim khi vận động trong mùa đông cao hơn hẳn trong mùa hè.

Khí quản thắt lại

Hít thở không khí lạnh, khô sẽ khiến đường hô hấp của bạn và phổi gặp vấn đề. Để hạn chế tình trạng này, cơ thể điều tiết bằng việc giới hạn lượng không khí mà phổi tiếp nhận. Biểu hiện của tình trạng khí quản co lại là bạn phải thở gấp và ngắn mỗi khi tiếp xúc với không khí lạnh. Một lần nữa, vận động, làm nóng cơ thể là biện pháp hữu hiệu nhất hạn chế tình trạng này.

Sổ mũi

Maria, Chuyên viên tư vấn kiêm bác sĩ đa khoa tại Bệnh viện Denver Health (Mỹ), cho biết, khoang mũi có nhiệm vụ duy trì độ ẩm và nhiệt độ cho luồng không khí bạn tiếp nhận vào phổi. Khi bạn thấy khó thở trong thời tiết lạnh cũng đồng thời là lúc nước mũi bắt đầu xuất hiện. Đây là cách mũi cố gắng cản bớt khí lạnh xâm nhập vào cơ thể.

Đi tiểu nhiều hơn

Glame James, nhà nghiên cứu y sinh tại đại học Massachusetts (Mỹ) cho hay: Đi đôi với việc điều tiết lượng máu tụ lại phần trung tâm cơ thể, não bộ cũng được lập trình để thải loại các loại dung dịch khác có khả năng làm mất nhiều nhiệt. Loại bỏ bớt những loại nước không cần thiết sẽ giảm gánh nặng khi phải duy trì nhiệt độ cho cả chúng. Đây là lý do bạn có thể thấy tần suất ghé thăm nhà vệ sinh của mình tăng rõ rệt.

Tiến sĩ James cũng gợi ý, giữ ấm cho vùng đùi, chân là cách hữu hiệu ngăn chặn hiện tượng này. Bạn cũng cần bổ sung thêm các loại nước để tránh tình trạng mất nước cho cơ thể.

Bạn cảm thấy mạnh mẽ

Độ ẩm thấp sẽ giúp việc vận động của bạn không gặp nhiều trở ngại như khi hoạt động trong điều kiện nóng ẩm của mùa hè. Bên cạnh đó, hoạt động với cường độ cao còn sản sinh endorphin lớn, giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh hơn.

Những phản ứng vô điều kiện

Nếu bạn mất đi lượng nhiệt nhiều hơn những gì bạn đang tạo ra, bạn đang bị lạnh. Khi gặp tình trạng này, da sẽ phản ứng lại bằng hiện tượng sởn gai ốc. Hiện tượng này thực chất có nguồn gốc sâu xa giúp cơ thể tạo một lớp không khí trống, gia tăng khả năng giữ nhiệt giữa da và lông. Tuy nhiên, quá trình tiến hóa loại bỏ phần lớn lông trên cơ thể làm cho phản xạ không điều kiện này hoàn toàn mất đi tác dụng.

Bước tiếp theo của quá trình giữ nhiệt mà não được lập trình này là rùng mình. Hiện tượng này giúp cho các nhóm cơ chuyển động mạnh, sản sinh nhiệt lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, khi lớp da mỏng đi do quá trình tiến hóa, điều này cũng không giữ được tính hiệu quả như lúc đầu. Ngày nay, hiện tượng này thường được xem là dấu hiệu cơ thể đang gặp lạnh. Hãy bổ sung thêm áo khoác khi gặp những hiện tượng trên thay vì chờ đợi cơ thể tự điều tiết và chống lại cái lạnh.

Theo TTT

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/suc-khoe/nhung-thay-doi-cua-co-the-trong-mua-lanh-gay-anh-huong-suc-khoe-ma-it-ai-chu-y-86218/