Những thay đổi cần lưu ý trong đánh giá học sinh tiểu học

Sở GD&ĐT Tp Hồ Chí Minh đã có những hướng dẫn cụ thể về thực hiện Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học.

Hướng dẫn này gửi tới các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường có nhiều cấp học tại văn bản số 4056/GDĐT-TH do ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT – ký ngày 23/11/2016.

Theo văn bản này, Thông tư 22 là thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 30, do đó có một số nội dung được quy định trong Thông tư 30 vẫn còn hiệu lực. Để thuận tiện và tạo sự thống nhất trong quá trình triển khai, phòng GD&ĐT có thể hướng dẫn các trường căn cứ theo Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 28/9/2016 của Bộ GD&ĐT.

Hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra những điểm cần lưu ý của Thông tư 22 như sau:

Về đánh giá thưòng xuyên

Các tiêu chí đánh giá đã được rút gọn so với Thông tư 30, do đó giáo viên cần căn cứ vào tình hình thực tế của học sinh để đưa ra nhận xét thích hợp;

Theo điều 6, khoản 2, điểm a, Thông tư 22: Trong quá trình đánh giá thường xuyên, giáo viên có thể dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết; không yêu cầu giáo viên phải đánh giá toàn bộ học sinh trong lớp mà có thể tập trung vào những học sinh có biểu hiện đặc biệt (tiến bộ vượt bậc hoặc có những nhược điểm cần lưu ý giúp đỡ trong quá trình học tập); khuyến khích giáo viên có sự nhận xét đều đặn cho học sinh nhằm đảm bảo tốt sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.

Về đánh giá định kì

Điều 10, khoản 2, điểm a (Đánh giá định kì về học tập) và khoản 3 (Đánh giá định kì về năng lực, phẩm chất) của Thông tư 22 đã có thay đổi so với Thông tư 30. Theo đó, đánh giá định kì

về học tập theo 3 mức “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành” và “Chưa hoàn thành”; đánh giá định kì về năng lực phẩm chất theo 3 mức “Tốt”, “Đạt” và “Cần cố gắng”, do đó các phòng GD&ĐT cần chỉ đạo cho các trường hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch đánh giá, đề kiểm tra đánh giá học sinh cho phù hợp với các tiêu chí trên;

Điều 10, khoản 2, điểm c của Thông tư 22 về Đề kiểm tra định kì được thiết kế theo 4 mức Nhận biết, Hiểu, Vận dụng, và Vận dụng phản hồi; theo đó, đề điểm tra định kì và ma trận đề kiểm tra cần được thiết kế bám sát các mức nhận thức trên, tỉ lệ tương đối giữa các mức nhận thức là mức Nhận biết chiếm 40%, hiểu chiếm 30%, mức Vận dụng chiếm 20%, và Vận dụng phản hồi chiếm 10% nội dung đề kiểm tra.

Việc thiết kế ma trận đề và ra đề theo 4 mức độ nhận thức nêu trên các đơn vị căn cứ vào hướng dẫn trước đây để vận dụng, triển khai thực hiện;

Điều 10, khoản 2, điểm d của Thông tư 22 có quy định bài kiểm tra được trả lại cho học sinh, theo đó sau khi hoàn tất việc chấm bài kiểm tra của học sinh và tiến hành nhập điểm vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, giáo viên chủ nhiệm có thể giao bài kiểm tra cho phụ huynh vào buổi họp phụ huynh thường kì, nếu phụ huynh có nhu cầu giữ lại bài kiểm tra, giáo viên sẽ tiến hành sao lưu lại bài tùy theo trường hợp cụ thể.

Cũng theo điều 19, khoản 1, điểm c của Thông tư 22, giáo viên cần Thông báo riêng cho cha mẹ học sinh về kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của mỗi học sình, không công bố kết quả của từng học sinh trước lớp và tránh so sánh học sinh này với học sinh khác.

Một số lưu ý khác

Căn cứ theo nội dung của điều 15, khoản 2, điểm b “Đối với học sinh lớp 5: tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kì cuối năm học cho cả khối, tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn; giáo viên chủ nhiệm hoàn thiện hồ sơ đánh giá học sinh, bàn giao cho nhà trường”, và điều 18, khoản 2 “Hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kì ”, các đợt kiểm tra còn lại của các khối lớp, việc ra đề kiểm tra cũng như các nội dung liên quan (tổ chức coi, chấm bài kiểm tra, bàn giao kết quả, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh...) sẽ do phòng GD&ĐT các quận huyện quyết định hướng dẫn Hiệu trưởng các trường thực hiện tùy theo tình hình thực tế của đơn vị.

Tuy nhiên, để có được sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời đảm bảo sự khách quan, chất lượng của đề kiểm tra, Sở khuyến nghị các trường thực hiện việc ra đề kiểm ứa theo phương án: đề kiểm tra sẽ do giáo viên chủ nhiệm soạn, sau đó nộp về cho tổ chuyên môn.

Tổ chuyên môn chọn lọc và gửi cho Ban Giám hiệu từ 2 cho đến 3 đề (trừ trường hợp đặc biệt khi trường chỉ có 1 lớp/khối thì chỉ cần gửi 1 đề). Ban Giám hiệu sẽ chịu trách nhiệm duyệt đề và chọn lại 2 đề (1 đề chính thức và 1 đề dự phòng) làm đề thi cho khối;

Căn cứ theo điều 14, khoản 1, điểm c về Xét hoàn thành chương trình lớp học và điều 18, khoản 3 về Trách nhiệm của hiệu trưởng, Sở đề nghị Hiệu trưởng các trường cần hết sức chính xác và trách nhiệm khi quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lóp đối với học sinh đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học.

Lưu ý ghi học bạ

Việc ghi Học bạ theo mẫu quy định của Thông tư 22 cần chú ý những điểm sau: Các nội dung của Học bạ được ghi theo hướng dẫn đính kèm vào cuối năm học. Không bắt buộc học sinh phải sử dụng học bạ theo mẫu mới, chi sử dụng học bạ mẫu mới đối với học sinh mới nhập học.

Nếu sử dụng mẫu học bạ cũ, các trường có thể chỉnh sửa như sau: Phần Các môn học và hoạt động giáo dục có thể kẻ thêm cột, Mức đạt được vào bên trái cột Điểm KTĐK.

Phần Các năng lực và Các phẩm chất, bỏ các ô Đạt và Chưa đạt, đồng thời kẻ thêm cột Mức đạt được vào bên phải cột Năng lực; đồng thời cột Nhận xét chỉ cần ghi nhận xét chung, không cần phải nhận xét riêng từng năng lực và phẩm chất.

Hàng thứ 4 của cột Phẩm chất được sửa lại thành Đoàn kết, yêu thương. Phần Nhận xét chỉ cần ghi một nhận xét chung cho năng lực hoặc phẩm chất, không cần ghi riêng cho từng tiêu chí.

Bảng Tổng hợp Kết quả đánh giá giáo dục được sử dụng một cách linh hoạt trên cơ sở đảm bảo thông tin về kết quả đánh giá giáo dục của học sinh, nội dung đánh giá được ghi theo hướng dẫn đính kèm, trong trường hợp giáo viên ghi sai nội dung một cột nào đó có thể sửa lại ở phần cột Ghi chú kèm theo chữ kí xác nhận của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng công nghệ thông tin trong việc ghi nội dung của Bảng tổng hợp; khuyến nghị các trường sử dụng khổ giấy A3 khi in Bảng tổng hợp.

Không bắt buộc sử dụng bộ công cụ đánh giá, tuy nhiên các trường có thể sử dụng bộ công cụ này như một kênh tham chiếu trong quá trình đánh giá học sinh nếu cần thiết tùy thuộc vào tình hình thực tế của đơn vị.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhung-thay-doi-can-luu-y-trong-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-2603396-v.html