Những thành phố và dòng sông trên thế giới bị ô nhiễm

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện trên thế giới có nhiều thành phố và dòng sông bị ô nhiễm nặng, trong đó đa số là Ấn Độ, Pakistan cùng một số quốc gia khác tại châu Á.

Thành phố nào bị ô nhiễm?

Sau khi tập hợp số liệu, WHO phân loại ra 20 thành phố bị ô nhiễm nặng nhất, trong đó Ấn Độ chiếm 13 Thành phố New Delhi đứng hàng đầu. Xếp thứ tự ô nhiễm lần lượt là: Xếp 4 hàng đầu lần lượt là New Delhi, Patna, Gwalior và Raipur - Tất cả đều là của Ấn Độ. Thứ 5, 6, 7 là 3 thành phố Karachi, Rawalpindi và Peshawar của Pakistan. Thành phố Khormabad của Iran xếp thứ 8. Tiếp đến là 3 thành phố Ahmedabad, Firozabad và Lucknow của Ấn Độ xếp thứ 9, 10, 11. Chen vào giữa, xếp thứ 12 là thành phố Doha nổi tiếng về du lịch của Qatar. 3 vị trí tiếp theo 13, 14, 15 lại là thành phố của Ấn Độ: Kampur, Amritsar và Ludhiana. Bangladesh có 2 thành phố là Idgir và Narayonganj xếp thứ 16, 17. 3 thành phố Allahabad, Agri và Khanna của Ấn Độ xếp các vị trí chót bảng 18, 19, 20.

Sống chung với bụi khói tại thành phố Patna (Ảnh: AFP).

Theo WHO, việc Ấn Độ có 13 thành phố ô nhiễm chứng tỏ đời sống của hàng chục triệu cư dân ở đó có nguy cơ rất cao mắc bệnh phổi, khí quản, hen suyễn và các thứ bệnh truyền nhiễm khác, trong đó có lao phổi và ung thư phổi. Ấn Độ là quốc gia có số dân đông thứ nhì thế giới với hơn 1 tỷ (chỉ sau Trung Quốc với khoảng 1,3 tỷ), vì thế, ô nhiễm môi trường sống luôn là vấn nạn của mỗi chính phủ. Tuy từ khuyến cáo của WHO, chính phủ Ấn Độ có một số biện pháp cấp bách cải thiện không khí tại hầu hết những thành phố cùng những dòng sông, nhưng hiệu quả không nhiều.

Cũng theo WHO, tại thủ đô New Delhi, nồng độ bụi trung bình hàng năm trong không khí đo được là 153 ug/m3 (microgam trên mỗi m3 khí) - con số này gấp 6 lần so với mức tối đa khuyến nghị của WHO. Tại nhiều thời điểm khác nhau trong năm, con số này thậm chí còn cao hơn nhiều, nhất là vào mùa hè nắng nóng cộng với những hoạt động công nghiệp diễn ra gấp gáp.

Những dòng sông bị ô nhiễm

WHO cũng đã liệt kê 10 dòng sông ô nhiễm nhất thế giới đang bị chính con người hủy hoại từng ngày, nay vẫn còn hủy hoại:

Dân hàng ngày tắm nước ô nhiễm nặng của sông Yamuna ở New Delhi (Ảnh: Reuters).

Sông Citarum có diện tích 13.000 km2, là một trong những dòng sông lớn nhất của Indonesia, là một phần không thể thay thế trong cuộc sống của người dân vùng Tây đảo Java, chảy qua những cánh đồng lúa và những thành phố lớn nhất Indonesia. Hiện nó là một trong những dòng sông ô nhiễm nhất thế giới, nơi chứa các hóa chất độc hại do nhiều nhà máy xả ra, và cả chất thải do con người đổ xuống. Thành phố hai bên bờ sông Citarum thường xuyên bị ngập lụt do dòng chảy của con sông bị rác làm tắc nghẽn.

Sông Yamuna, Ấn Độ dài 1.376km, chạy tới tận chân dãy núi Himalaya. Lượng rác đổ xuống sông từ năm 1993-2005 đã tăng gấp đôi. Thủ đô Delhi có 15 triệu dân, thì chỉ có 55% dân số sống ở các khu vực có xử lý nước thải. Phần còn lại, nước thải đều chảy thẳng ra sông Yamuna gây ô nhiễm nặng.

Sông Buriganga là một trong những con sông lớn chạy qua thủ đô Dhaka của Bangladesh. Từ năm 1995-1999, mức ô nhiễm sông Buriganga rất cao bởi các hóa chất từ nhiều nhà máy xi măng, xà phòng, nhuộm, da và giấy (thuộc nhóm 12 chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy) thải xuống, rất độc hại đối với con người.

Sông Hoàng Hà, Lan Châu, Trung Quốc là nguồn cung cấp nước lớn nhất cho hàng triệu người dân ở phía bắc Trung Quốc nhưng hiện giờ đã bị ô nhiễm nặng nề bởi sự cố tràn dầu cách đây không lâu. Một đường ống dẫn dầu bị vỡ của Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc với hơn 1.500 lít dầu đã tràn vào đất canh tác và một phụ lưu của sông Hoàng Hà.

Sông Marilao, Philippines nằm trong hệ thống các sông gần ngoại ô Bulacan, hiện đang bị ô nhiễm nặng nề với đủ thứ rác thải sinh hoạt hàng ngày. Đây còn là nơi lưu thông hàng hóa cho các khu vực thuộc da, tinh chế kim loại, đúc chì làm nguồn nước của sông Marilao chứa rất nhiều các hóa chất như đồng, thạch tín.

Sông Hằng linh thiêng của người Ấn Độ đang hấp hối vì ô nhiễm từ quá trình công nghiệp hóa. Theo ước tính, có hơn 400 triệu người sống dọc hai bờ sông Hằng và mỗi ngày có 2 triệu người tới bờ sông làm các nghi thức tắm rửa tại đây. Ngoài ra, do việc hỏa táng một phần thi thể rồi thả trôi sông nên xác người trôi lững lờ trên dòng sông. Rác thải trực tiếp từ các bệnh viện cũng là một nguyên nhân làm tăng ô nhiễm.

Sông Tùng Hoa, Trung Quốc chiều dài khoảng 2.000 km, là một phụ lưu lớn của sông Hắc Long Giang, đã bị ô nhiễm nặng nề bởi một sự cố bất thường liên quan đến các nhà máy hóa chất. Vào Chủ nhật 13/11/2005, một nhà máy hóa chất dầu hỏa lớn trong tỉnh Cát Lâm phía bắc Trung Quốc đã bất ngờ bị nổ và hậu quả là hơn 100 tấn benzene cùng những chất độc khác đã đổ xuống sông.

Sông Mississippi dài thứ 2 ở Mỹ, với 3.782 km từ hồ Itasca, chảy từ Minnesota đến đồng bằng Louisiana. Người Mỹ đã tiến hành xây hàng ngàn con đập và đê dọc theo chiều dài của dòng sông trong suốt thế kỷ trước để hỗ trợ giao thông thủy và kiếm soát lũ lụt. Tuy nhiên, việc làm này gây ô nhiễm nặng cho con sông.

Sông Sarno của Italia nổi tiếng bởi mức độ ô nhiễm nhất châu Âu. Nó chảy qua Pompei tới phía nam của vịnh Naples với rất nhiều rác thải sinh hoạt và những rác thải công nghiệp. Sarno đã không chỉ làm ô nhiễm tại những nơi nó chảy qua mà còn làm ô nhiễm vùng biển mà nó đổ vào gần khu vực vịnh Naples.

Sông King nằm ở tây Australia có độ phèn rất cao do chịu tác động của hơn 1,5 triệu tấn rác thải sulfit từ hoạt động khai khoáng được đổ xuống mỗi năm. Lượng rác thải này hiện là hơn 100 triệu tấn. Vì vậy, môi trường con sông này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tường Quyên (Theo WHO, 10/2016)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/nhung-thanh-pho-va-dong-song-tren-the-gioi-bi-o-nhiem-d47656.html