Những thanh niên lên núi trồng rau sạch

Với kỳ vọng người Mông ở Túc Đán (Yên Bái) thay đổi thói quen trồng trọt, bốn thanh niên mang giống rau canh tác ở khu ruộng bậc thang cằn cỗi, nơi mà trước đó chỉ trồng một vụ lúa rồi bỏ hoang.

Những ngày giáp Tết, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) chìm trong sương mù và giá rét. Cả xã có 7 thôn, từng là điểm nóng về phá rừng, trồng thuốc phiện. Hai thôn Tống Trong, Tống Ngoài có hơn 150 hộ đều là dân tộc Mông, ở cách trung tâm xã hơn chục km đường đèo núi nên cuộc sống khó khăn.

Khu ruộng bậc thang trước đây chỉ trồng một vụ lúa giờ xanh mướt các loại rau vụ đông. Bên cạnh là chòi canh của người dân, cũng là nơi ở của Ban quản lý Làng thanh niên lập nghiệp. Ảnh: Hoàng Phương.

Nhiều đời nay, người Mông nơi đây trồng ngô, lúa đều đốt nương rồi gieo bằng cách "chọc lỗ tra hạt". Nương lúa nhà Vàng A Phay (thôn Tống Trong) mỗi năm chỉ trồng một vụ kéo dài năm tháng rồi để đó, gạo thu được vừa đủ ăn, không dư dả. Vườn nhà Phay rộng, anh trồng vài luống cải nương, không có phân bón nên rau thấp lè tè, lá già cỗi. Muốn ăn các loại rau khác thì đi ra chợ trung tâm xã, cách nhà hơn 10 km để mua.

Mấy tháng nay, ngoài đưa trâu lên nương thả, Phay "trồng ké" một luống rau ở khu ruộng rộng hơn 3.000 m2 của Ban quản lý làng thanh niên lập nghiệp xã Túc Đán, cách bản Tống Trong vài km để lấy rau ăn.

Phay vui vẻ kể, ban đầu mấy thanh niên từ dưới xuôi lên bảo cứ sang sang trồng rau cùng xem có tốt không, "giờ trồng được một luống cải rất tốt rồi".

Phía sau lưng Vàng A Phay là những luống khoai tây sinh trưởng tươi tốt. Ảnh: Hoàng Phương.

Cạnh luống cải của Vàng A Phay, là các loại cải bắp, sau hào, khoai tây mọc lên rất khỏe, xanh mướt. Toàn bộ đều được bón bằng phân hữu cơ, cắm biển giống rau gì, năng suất ra sao. Khu ruộng bậc thang nằm chênh vênh giữa đồi núi, mây trắng vờn quanh. Trước đó bốn tháng, nơi đây là mảnh đất trơ gốc rạ, mỗi năm chỉ canh tác một vụ lúa, còn lại bỏ hoang.

Khu ruộng rau là công sức gần bốn tháng trời của nhóm các anh Đỗ Minh Huấn (1980), Đỗ Văn Nhu (1984), Mai Lê Tuyền (1983), Nông Kim Ngọc (1988) thuộc Ban nông thôn của Tỉnh đoàn Yên Bái. Cuối tháng 10/2016, khi dự án Làng thanh niên lập nghiệp xã Túc Đán ra đời, bốn người nằm trong Ban quản lý, khăn gói vào núi trồng rau sạch với kỳ vọng để người Mông thay đổi dần thói quen trồng trọt lẫn chăn nuôi.

"Với các xã khó khăn, dù huyện triển khai nhiều mô hình hỗ trợ cũng như cấp vốn nhưng nhiều người dân còn tâm lý trông chờ, ỷ lại nên một số mô hình không hiệu quả. Vì vậy, bọn mình nghĩ đến cách tiếp cận khác, kéo người dân vào làm cùng", anh Đỗ Minh Huấn, trưởng nhóm chia sẻ.

Vận động 9 ban đơn vị trong Tỉnh đoàn được 15 triệu, bốn anh em mang hết đi trồng rau nuôi lợn, nuôi gà. Lúc mới vào không có chỗ ở, cả nhóm mượn căn lán nhỏ canh nương của một hộ dân làm nơi ăn ở và để nông cụ. Không điện nước, không sóng điện thoại.Từ trung tâm xã tới khu rau sạch khoảng 8 km, một nửa đường đi được xe máy qua dốc ngoằn ngoèo, còn lại phải đi bộ, bùn ngập ủng nếu gặp trời mưa. Bốn thanh niên thay nhau cắm bản, vừa lo việc nhà vừa đi trồng rau.

Kỹ sư nông nghiệp Nông Kim Ngọc (bên trái) và trưởng nhóm Đỗ Minh Huấn (bên phải). Ảnh: Hoàng Phương.

Khu ruộng rộng 3.000 m2 đất thịt nhẹ, gần đường giao thông nhưng chai cứng vì không được chăm bón. Mất ba ngày, nhóm huy động thanh niên xã Túc Đán thu gom rơm rạ, dùng chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ tại ruộng. Bốn người đàn ông tự tay cuốc đất, làm luống, gieo hạt, tưới rau...Qua ba tháng, ruộng rau bắt đầu hình thành, nhưng để cải tạo hoàn toàn ruộng đất thì phải mất khoảng một năm nữa.

Nhóm chọn hai hộ cùng làm, mỗi nhà được giao một luống đất để trồng rau và hướng dẫn chăm bón. Mục đích để cho người dân biết ruộng vụ đông còn có thể trồng được nhiều loại rau khác ngoài cải nương.

Khi làm đất, nhóm mời người dân đến xem. Ban đầu, họ chỉ đứng ở bờ ruộng nhìn rồi quay lại thì thào với nhau những câu mà chỉ người Mông mới hiểu. Sau thấy hay, bà con cùng làm đất, bón phân rồi hỏi han nhiều thứ. Lúc rau lớn, anh em lại chỉ cho người dân biết lá rau được bón phân hữu cơ tươi tốt hơn nhiều so với không được chăm bón.

Huấn nhẩm tính, ngoài các loại rau thì mỗi vụ khoai tây kéo dài khoảng ba tháng cho năng suất 0,5 tấn /sào, giá thị trường 10.000 đồng/ kg. Rau, củ thu hoạch trước tiên cung cấp cho học sinh bán trú của xã, tổng cộng các cấp học khoảng 1.000 em. Sau sẽ mở rộng ra các nguồn tiêu thụ khác. Nhóm mong muốn trước mắt tạo cho người dân địa phương thói quen biết trồng rau phục vụ gia đình. Rồi sau này sẽ trồng rau an toàn đem bán.

"Kỳ vọng lớn nhất của bọn mình là thay đổi thói quen canh tác của người dân bao đời nay", anh nói.

Những đứa trẻ bản Tống Trong đổ nước bắt chuột phá hoại ruộng rau màu. Ảnh: Hoàng Phương.

Anh Nông Kim Ngọc, thành viên trong nhóm vốn là kỹ sư nông nghiệp cho biết khi đã ổn định về lương thực thì người dân Túc Đán có thể trồng lúa đặc sản. Việc này sẽ làm được vì người Mông nơi đây còn lưu giữ nhiều giống gạo ngon. Ngọc đã ăn thử khoảng 8 loại gạo mà người dân cấy nhưng chính họ lại không biết và để lẫn lộn giống với nhau. Anh ghi chép đầy đủ đặc tính của các giống lúa này để trồng thử nghiệm theo cách mới.

Tổng diện tích đất mà Làng thanh niên lập nghiệp được giao là 19 ha nên ngoài trồng rau theo vụ, nhóm còn tính trồng thêm một số loại cây ăn quả, hay dược liệu như sơn tra. Đây là cây đặc sản vùng cao, các huyện Tạm Tấu, Mù Cang Chải đang phấn đấu xây dựng thương hiệu.

Khí hậu lạnh về mùa đông, mát mẻ về mùa hè, đất đai tốt nên một năm sẽ luân canh hai vụ rau một vụ lúa để hạn chế sâu bệnh, đảm bảo cho dân bản có gạo ăn giáp hạt. Dự án đập thủy lợi dẫn nước về cánh đồng hoang rộng hàng chục ha bỏ hoang nhiều năm nay sắp hoàn thành, hy vọng sẽ sớm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.

Con đường dẫn vào khu ruộng bậc thang trồng rau sạch. Ảnh: Hoàng Phương.

Khi tham quan ruộng rau của Làng thanh niên lập nghiệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Phi Long nói cả nhóm nên chọn các thanh niên chăm chỉ, có ruộng đất rộng để cùng làm, có thể hỗ trợ bằng cách cho vay vốn chính sách. Thấy có hiệu quả thì người dân mới hăng hái.

"Tôi thấy người dân nơi đây ăn hay ăn ớt, nhưng mua một túi nhỏ cũng phải đi chợ trung tâm để mua. Mình trồng ớt, rồi làm đặc sản măng ớt xem sao. Chưa làm ăn lớn được thì mình chọn cái gì thiết thực mà làm", anh nói.

Theo Hoàng Phương (Vnexpress)

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/thoi-su-trong-nuoc/nhung-thanh-nien-len-nui-trong-rau-sach-411-224775.html