Những tấm bản đồ bí ẩn thời cổ đại

Những tấm bản đồ phản ánh tầm nhìn thế giới của chúng ta - đúng theo nghĩa đen. Chúng không chỉ là một công cụ thuần túy khoa học mà còn gần như luôn gắn chặt với lịch sử...

Những tấm bản đồ phản ánh tầm nhìn thế giới của chúng ta - đúng theo nghĩa đen. Chúng không chỉ là một công cụ thuần túy khoa học mà còn gần như luôn gắn chặt với lịch sử, thần thoại và tôn giáo. Một nghiên cứu về những tấm bản đồ cổ còn cho thấy sự thay đổi trong thái độ con người đối với chính mình và đối với vị trí của mình trong vũ trụ.

Quê hương yêu dấu

Các nhà khảo cổ tại địa điểm Moli del Salt của Tây Ban Nha đã phát hiện thứ có thể là một tấm bản đồ 13.800 năm tuổi. Những mảnh đá phiến bảy khắc 7 hình bán nguyệt mà các chuyên gia cho là những túp lều. Hình dạng phù hợp với những ngôi nhà săn bắn hái lượm hiện đại của Kalahari Bushmen và Aboriginals của thổ dân Úc. Số 7 phản ánh quy mô dân số điển hình. Nếu đúng, đây sẽ là hình ảnh sớm nhất về một khu dân cư từng được phát hiện.

Các nhà nhân chủng học đang hồi hộp bởi ý tưởng rằng những túp lều này là đại diện không gian của cấu trúc xã hội. Tất cả các dòng đều được chạm khắc cùng lúc với cùng một công cụ, cho thấy một ai đó đã vẽ lại những gì ở ngay trước mặt vào một thời điểm nào đó.

Bản đồ bảo tồn của người Babylon cổ.

Forma Urbis Romae

Câu đố ghép hình cổ nhất và lớn nhất chưa có lời giải của thế giới là một bản đồ 2.200 tuổi của Roma. Được khắc trong triều đại Septimius Severus từ năm 203 - 211, Forma Urbis Romae ban đầu được treo trên tường trong Đền Piece. Nó mô tả mọi tòa nhà, đền thờ, cửa hàng, phòng tắm và cầu thang ở La Mã cổ đại. Tấm bản đồ này bao gồm 150 viên đá cẩm thạch tạo thành hệ tọa độ từ 1 - 240. Forma Urbis Romae đã bị vỡ thành nhiều mảnh - nhiều khả năng là để dùng tôi vôi.

Hiện chỉ có 10% bản đồ gốc còn sót lại. Những mảnh đầu tiên được phát hiện năm 1562. Một phần mới được phát hiện gần đây ở Palazzo Maffei Marescotti cho phép các nhà nghiên cứu kết nối ba khối của câu đố cổ xưa này. Các mảnh mới phát hiện đã làm sáng tỏ về cái mà ngày nay gọi là những “khu ổ chuột”, một khu vực từng bị thống trị bởi Circus Flaminius.

Bản đồ đá Đan Mạch

Các nhà khảo cổ đã khai quật được một tập hợp của những gì họ tin là tấm bản đồ 5.000 tuổi ở Đan Mạch. Được bao phủ bởi những vết khắc hình vuông và đường thẳng, 10 viên đá vỡ này có thể là một số trong những bản đồ cổ nhất từng được phát hiện. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng những đại diện biểu tượng của địa hình này đã được sử dụng trong các nghi lễ mùa màng của nông dân thời kì đồ đá. Những “hòn đá bản đồ” được phát hiện trong một vòng tường bao bằng đất trên đảo Bornholm của Đan Mạch.

Các chuyên gia đã liên hệ những “viên đá mặt trời” này với đạo thờ mặt trời thời đồ đá mới. Những viên đá bản đồ mới phát hiện khá khác nhau. Các hình vuông và đường thẳng của chúng gợi lên những yếu tố địa lý - cả nhân tạo và tự nhiên. Nhiều người tin rằng đây là những “bản đồ cách điệu” hơn là những bản đồ chỉ hướng theo quan niệm hiện nay.

Turin Papyrus

Những cuộn giấy papyrus 3.000 năm tuổi chứa bản đồ về vùng đất giàu khoáng sản ở sa mạc phía Đông hoang vắng của Ai Cập. Bản đồ Turin Papyrus mô tả chi tiết về thung lung Wadi Hammamat tới mức nó được coi là bản đồ địa chất đầu tiên của thế giới. Những mảnh giấy này được phát hiện và ghép dần vào nhau từ năm 1814 - 1821. Ban đầu được cho là 3 cuộn riêng biệt, tấm bản đồ cổ được tìm thấy trong một ngôi mộ tại Deir-el-Medina. Việc tái tạo hiện đại nhất của bản đồ là từ những năm 1990.

Các chuyên gia xác định niên đại của các cuộn giấy là từ giữa thế kỷ thứ 12 trước Công nguyên, vào khoảng triều đại Ramsesses IV. Những tấm bản đồ sớm hơn đã từng được phát hiện, nhưng chúng khá thô sơ so với Turin Papyrus. Bản đồ không chỉ có hệ thống chia độ mà còn chứa văn bản có vai trò như những ghi chú trên bản đồ hiện đại. Nó mô tả các mỏ đá bekhen và các mỏ vàng. Turin Papyrus chính xác đến mức các công ty khai thác khoáng sản hiện đại như Aton Resources Inc đã dựa vào đó để tìm vận may.

Bản đồ sao từ vùng đất xa xôi

Bản đồ các chòm sao trong Lăng mộ Kitora, Nhật Bản có thể là bản đồ thiên văn cổ nhất thế giới. 68 chòm sao với những ngôi sao mạ vàng lấp lánh trên trần. Ba vòng tròn theo dõi sự chuyển động của các thiên thể, bao gồm Mặt Trời. Sao Bắc Đẩu nổi bật ở chính giữa. Bản đồ mô tả chi tiết đường chân trời, xích đạo và đường đi của các ngôi sao. Đây không phải là sự miêu tả đầu tiên về bầu trời đêm. Hang Lascaux có bức tranh 17.300 tuổi về chủ đề này. Tuy nhiên, nó thiếu những quan sát thiên văn học.

Các nhà nghiên cứu nhận xét rằng bầu trời được mô tả ở đây đã được quan sát hàng trăm năm trước khi xây dựng lăng mộ Kitora. Tuy nhiên, ước tính niên đại chính xác thay đổi từ năm 120 trước CN đến 520 sau CN. Một số người tin rằng mặc dù mô tả Trung Quốc, song những kiến thức đến từ Hàn Quốc.

Bản đồ bảo tồn của người Babylon cổ

Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra bản đồ chắc chắn là lâu đời nhất trên một phiến đất sét không nung từ thế kỷ VI trước CN. Có niên đại từ thời Babylon mới, phiến đất sét mang một dòng chữ tiết lộ rằng đó là bản sao của một công trình thậm chí còn sớm hơn. Tấm bản đồ này được phát hiện vào năm 1899, tại Sippar, nằm cách 30km về phía Tây Nam thủ đô Baghdad. Những tấm bản đồ tinh vi và chính xác hơn nhiều đã có mặt ở Hy Lạp nhiều thế kỷ sau phiến đất sét này. Việc tạo dựng phản ánh sự pha trộn bảo tồn cố ý về địa lý, vũ trụ học và thần thoại.

Tấm bản đồ mô tả thế giới như một chiếc đĩa bao quanh bởi nước. Bảy hòn đảo thần thoại nằm ngoài và nối đất với trời. Đoạn văn bản chữ hình nêm giải thích về những quái vật bí ẩn và những anh hùng sống ở những hòn đảo này. Bảy dấu chấm đại diện cho bảy thành phố của thế giới cổ đại. Một “Bức tường lớn” tượng trưng cho mùa đông. Mặt sau của phiến đất sét mô tả những quái vật thần thoại sống trong đại dương trên trời. Các chuyên gia tin rằng đây là những chòm sao.

Cẩm Tú

((Theo Listverse))

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhung-tam-ban-do-bi-an-thoi-co-dai-n124782.html