Những tai nạn không đáng có

(ANTĐ) - Theo thống kê mới nhất của Phòng Cảnh sát PCCC CATP Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn thành phố xảy ra 195 vụ cháy, nổ, gây thiệt hại khoảng 60 tỷ đồng. Cháy, nổ tuy giảm 20% về số vụ so với cùng kỳ năm trước, thiệt hại về kinh tế giảm tới 68%... song lại khiến 11 người chết - số người chết cao nhất do cháy nhiều năm gần đây.

Điểm lại 10 vụ cháy lớn, diễn biến phức tạp xảy ra từ đầu năm đến nay, chỉ có vụ hỏa hoạn tại chung cư 18 tầng JSC34, ngõ 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân ngày 10-3-2010 là khiến 2 người thiệt mạng. Chúng tôi nhận thấy rằng, nhiều người thiệt mạng do bất cẩn, thiếu hiểu biết, coi thường “bà hỏa”. Điển hình là vụ hỏa hoạn xảy ra tại gia đình ông Lê Bá Sứ, trú tại tổ 18, phường Thượng Thanh, quận Long Biên. 11h30 ngày 16-5, khi 3 công nhân làm việc tại xưởng sản xuất hương của ông Sứ gồm: chị Nguyễn Thị Băng (SN 1966), anh Bùi Văn Thiết (SN 1973) và anh Nguyễn Thường Thành (SN 1973), cùng quê Nam Thượng, Kim Bôi, Hòa Bình chuẩn bị nghỉ trưa thì một trong hai công nhân nam châm thuốc lá hút, vảy tàn thuốc đang cháy vào đúng vị trí để nguyên liệu làm hương khiến hỏa hoạn bùng phát. Khói, lửa tỏa kín đặc nơi sản xuất rộng khoảng 20m2, chặn mọi lối thoát của các nạn nhân. Phát hiện đám cháy, người dân xung quanh dù đã tích cực dùng nước và bình bọt tổ chức cứu chữa, song, khi dập tắt hỏa hoạn, 3 công nhân đã thiệt mạng. Ngày 18-6, anh Nguyễn Sỹ Tỉnh (SN 1985), quê ở Yên Mỹ, Hưng Yên - kỹ sư Công ty Hóa chất bột giặt Đức Giang được phân công chui vào bồn chứa chiếc ô tô BKS 29M-2365 để hàn. Chưa đầy 5 phút sau, đột nhiên, một tiếng nổ lớn phát ra từ trong bồn chứa khiến anh Tỉnh tử vong tại chỗ. Đại diện Công ty Hóa chất bột giặt Đức Giang cho biết, bồn chứa xe ô tô 29M-2365 vốn chứa axit. Do công ty muốn thay đổi công năng của bồn nên đã súc rửa và cử cán bộ kỹ thuật vào trong thi công. Một cán bộ của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an cho biết: theo quy trình, trước khi hàn, cắt bất cứ một sitec đựng xăng, axit, hoặc chất gây cháy, nổ nào phải vệ sinh sạch, bằng cách bơm nước ngập sitec trong một thời gian nhất định, sau đó xả sạch lại nhiều lần bằng nước, mở téc rồi dùng lửa đốt bên trong. Theo một thống kê chưa đầy đủ, 9 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn thành phố xảy ra khoảng 10 vụ cháy xưởng sản xuất, điển hình là các vụ: cháy 1.000m2 nhà xưởng tại Công ty nhựa Hà Nội, ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên; cháy 600m2 xưởng ván ép cốp pha của Công ty TNHH Tiến Động, ở phường Biên Giang, quận Hà Đông… Chủ động huấn luyện PCCC sẽ giúp cơ quan, doanh nghiệp phòng “bà hỏa” Quá trình điều tra, xác định nguyên nhân xảy cháy ở các xưởng sản xuất thời gian qua, lực lượng chức năng đã “nhận diện” được nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội cho biết: Quỹ đất của nhiều doanh nghiệp sản xuất vốn chật hẹp, nên họ thường tận dụng nhà xưởng làm nơi lưu giữ, tập kết vật liệu, hàng hóa… vi phạm các quy định về PCCC. Cùng với đó, nhiều loại máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất trong nhà xưởng được doanh nghiệp mua cũ, không đảm bảo chất lượng, yêu cầu vệ sinh công nghiệp, an toàn cháy nổ. Lẽ đương nhiên, với các thiết bị cũ, không thường xuyên được duy tu bảo dưỡng, việc xảy ra cháy nổ là điều khó tránh khỏi. Điển hình như vụ hỏa hoạn xảy ra đầu năm 2010 tại một doanh nghiệp tư nhân sản xuất đồ gỗ, nội thất tại khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Theo quy trình, mùn cưa trong quá trình xẻ gỗ được thu gom, hút tự động bằng các máy hút công suất lớn, rồi tập kết tại một kho riêng biệt. Song, hoạt động lâu ngày mà các máy hút không được vệ sinh sạch sẽ, bảo dưỡng định kỳ khiến mùn cưa, bụi bám dày đặc vào máy. Quá trình vận hành liên tục, máy hút tỏa ra một lượng nhiệt lớn, kèm với lượng mùn cưa bám chặt vào máy vừa đủ tạo ra sự ma sát và… gây cháy. Cơ quan PCCC khuyến cáo, nguy cơ xảy cháy tại các xưởng sản xuất luôn tiềm ẩn, đặc biệt từ nay đến Tết Nguyên đán, khi nhu cầu sản xuất hàng hóa, nguyên vật liệu gia tăng.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=83542&channelid=80