Những "siêu phẩm" công nghệ chết yểu vì... xuất hiện quá sớm (phần 2)

Trong phần 2, chúng ta tiếp tục đến với 6 cái tên còn lại trong danh sách "không ai muốn vào" này.

7. Nintendo Power Glove and Virtual Boy

Nintendo là một gã khổng lồ trong ngành công nghiệp game, với những sản phẩm được xem là đi trước thời đại. Tuy nhiên không phải tất cả sản phẩm của Nintendo đều thành công và Power Glove là một ví dụ.

Nói không ngoa thì Power Glove là "ông tổ" của Oculus hay Vive! Nó chính là thiết bị điều khiển game mang hơi hướng VR (thực tại ảo) được Nintendo tung ra từ năm 1989, nhưng không đạt được thành công như mong đợi khi chỉ tương thích với... 2 tựa game và doanh số vào khoảng 100.000 chiếc (nghe có vẻ ít, nhưng lại khá ấn tượng xét trên việc nó chỉ dùng để chơi được 2 tựa game mà thôi).

Cảm biến chuyển động trên chiếc Power Glove sau này đã "đầu thai" vào chiếc cần điều khiển của Wii và nhiều thiết bị cầm tay theo dõi chuyển động khác.

Một sản phẩm nữa của Nintendo là Virtual Boy, cũng chịu thất bại thảm hại vì giá quá cao, có nhiều hạn chế, ít game hay và nhìn chung là không mấy ấn tượng.

Ai mà biết được liệu Nintendo sẽ đạt đến đỉnh cao nào nữa nếu họ kiên nhẫn đợi thêm một thời gian mới tung ra hai sản phẩm trên?

8. Palm Pre

Nếu bạn đã theo dõi sự kiện iPhone X, hẳn bạn đã nghe người ta bàn luận rằng những theo tác điều khiển bằng vuốt trên iPhone X vốn đã được Palm đưa ra từ lâu. Quả thật là vậy! Palm Pre là một sản phẩm mang tính cách mạng, với hệ điều hành WebOS đẹp và mượt mà, cùng bàn phím trượt không thể chất lượng hơn.

Dù nhận được cảm tình từ giới đánh giá, thậm chí có thể đã là một đối thủ xứng tầm với iPhone 3GS ở thời điểm đó, nhưng Palm Pre lại có những nhược điểm chí mạng: chất lượng hoàn thiện, hệ điều hành và ứng dụng.

Về chất lượng hoàn thiện, hàng loạt máy Palm Pre bị nứt màn hình, hỏng jack tai nghe, lỗi nút bấm.

Về hệ điều hành: các bản update dành cho WebOS quá ít và ra đời quá chậm chạp.

Về ứng dụng: trong khi Apple iOS đã có hơn 100.000 ứng dụng vào cuối năm 2009, thì WebOS trên Palm Pre lại chịu sự ghẻ lạnh từ giới lập trình viên. Do đó, ai lại chịu bỏ tiền ra để mua một chiếc smartphone không có ứng dụng gì đặc sắc chứ?

9. Philips LaserDisc

Công nghệ đĩa Laser của Philips xuất hiện từ lâu và nổi tiếng từ sau khi bộ phim Jaws (Hàm cá mập) phát hành tại Bắc Mỹ (trên chính chiếc đĩa này). Nó còn được dùng để lưu trữ các game nặng khác như Dragon's Lair. Tuy nhiên, dù công nghệ Laser lúc bấy giờ là rất ấn tượng cho chất lượng hình ảnh tốt hơn nhiều so với băng video truyền thống, thì cái giá phải trả để sở hữu nó cũng "trên trời"!

Một chiếc đĩa LaserDisc có giá đến 39,99 USD và phiên bản đặc biệt còn đắt gấp đôi. Máy đọc đĩa này rẻ nhất cũng đã 300 USD, loại cao cấp hơn thì đến hơn 1.500 USD. Chính vì thế, LaserDisc đã không thể chiếm được cảm tình người tiêu dùng và dần tàn lụi. Ở thời kì đỉnh cao của mình vào giữa thập niên 1990, chỉ có 2% số hộ ở Mỹ sở hữu LaserDisc.

10. Sony Aibo

Chú chó robot của Sony được bán ra từ năm 1999 đến 2006, được đánh giá là "sản phẩm tinh vi nhất từng được tung ra trên thị trường robot cho người tiêu dùng".

Sony có lẽ đã thấy được tương lai nơi con người và robot sẽ sống chung với nhau, nhưng đáng tiếc vào thời điểm đó, việc buôn bán robot vẫn chưa mang lại lợi nhuận đáng kể để có thể giúp công ty đương đầu với những khó khăn tài chính. Chỉ bán được khoảng 150.000 con robot Aibo, Sony quyết định ngưng dự án này.

Cuối năm 2014, Sony chính thức ngừng hỗ trợ Aibo khi đóng cửa trung tâm sửa chữa Aibo chính hãng cuối cùng của mình. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều cửa hàng sửa chữa điện tử tại Nhật sẵn sàng sửa chửa chú robot nhỏ này, bởi những chủ nhân của Aibo rõ ràng là rất yêu thích chú chó máy của mình.

11. WebTV

WebTV là một bộ chuyển đổi có khả năng biến TV thông thường thành một cỗ máy có khả năng duyệt web và đọc mail. Tất nhiên nó không thể thay thế PC, mà mục đích ban đầu của WebTV là giúp những người dùng không có PC có thể lướt web một cách đơn giản và nhanh chóng nhất.

WebTV xuất hiện vào năm 1996, và đến năm 1999, sau một thời gian không mấy thành công, đã có hơn 800.000 người sử dụng. Ngoài chức năng biến TV thành trình duyệt, nó còn có thể lên lịch ghi lại các chương trình truyền hình giống như các thiết bị DVR ngày nay.

Đến năm 2013, với sự xuất hiện của Internet TV, các máy console có khả năng lướt web, hay các thiết bị thông minh khác, WebTV bị Microsoft mua lại và đổi tên thành MSN TV, sau đó được tích hợp vào các dịch vụ khác của hãng, chấm dứt một giai đoạn hoạt động đầy sóng gió.

12. Xerox Star

Máy trạm Xerox 8010 (còn gọi là Xerox Star) ra đời năm 1981, là một cuộc cách mạng thực sự: nó giới thiệu với người dùng khái niệm về desktop, với một giao diện đồ hoạ người dùng, chuột 2 nút, có chế độ soạn thảo văn bản WYSIWYG (tương tự Word ngày nay) và kết nối mạng Ethernet.

Tuy nhiên, cũng như nhiều sản phẩm trong danh sách, Xerox Star "chết yểu" vì giá quá "chát": 16.500 USD, tức là tương đương với khoảng 43.000 USD ngày nay. Đây là một trong những chiếc máy tính đắt nhất lịch sử, khi nó vượt mức giá khoảng 300 USD vào thời đó của các máy tương đương như chiếc Commodore VIC-20.

Di sản để lại của Xerox Star không gì khác ngoài giao diện đồ hoạ người dùng, sau này được các hãng như Apple và Microsoft "bắt chước" trên các máy desktop của riêng họ, tạo nên các hệ điều hành mà chúng ta đang sử dụng ngày nay.

Tấn Minh

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tin-tuc-san-pham-moi/-/view_content/content/2280054/nhung-sieu-pham-cong-nghe-chet-yeu-vi-xuat-hien-qua-som-phan-2