Những sai lầm khi đàm phán lương

PN - Đàm phán lương là một trong những bước khó nhất của quá trình xin việc, nhưng nhiều người lao động (NLĐ) lại chủ quan, không tìm hiểu kỹ cách đàm phán, dẫn đến mức lương không đạt được như ý.

Ông Phạm Anh Dũng (ảnh) - Giám đốc tài chính và nhân sự - Công ty TNHH Greystones Data Systems Việt Nam (khu chế xuất Linh Trung 2, Q.Thủ Đức, TP.HCM) giới thiệu một số kinh nghiệm về vấn đề này. Phóng viên: Theo ông, khi đàm phán lương, NLĐ thường mắc những lỗi gì? Ông Phạm Anh Dũng: Thông thường, do không biết công việc cụ thể nên NLĐ thường phó mặc cho chính sách lương của công ty. Nhiều người có tâm lý ngại thương lượng về vấn đề tiền bạc, một số người lại nghĩ hời hợt là mức lương sao cũng được và chấp nhận tất cả những gì nhà tuyển dụng đề nghị, nên đề xuất mức lương thấp, cũng có trường hợp đưa ra mức lương ảo cao hơn rất nhiều so với thực tế. Có những NLĐ thường nói quá về công việc, khả năng và vị trí chức vụ, mức lương của mình ở các công ty cũ. Đây là những sai lầm, vì người phỏng vấn thường có chuyên môn cao trong công việc nên sẽ nhận ra ngay. Do đó, NLĐ nên suy nghĩ trước về mức lương để có thể đàm phán sau thử việc một tháng, sau ba tháng, sau sáu tháng hoặc sau một năm làm việc, cũng như khả năng đáp ứng công việc theo thời gian trên. * NLĐ có thể tìm hiểu mức lương của vị trí mới bằng cách nào? - Hiện nay, NLĐ đã chú ý đầu tư nhiều thời gian và công sức cho hồ sơ xin việc, chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết khi tham gia phỏng vấn. Tuy nhiên, một bước quan trọng mà họ còn bỏ qua là tìm hiểu kỹ về mức lương ở công ty. Hãy tìm hiểu về lịch sử công ty, mức lương cho vị trí tương đương ở các công ty khác. Ngoài ra, nên tìm hiểu kỹ vị trí công việc mới, mức lương hiện hành của công ty tuyển dụng, đừng quên tham khảo mặt bằng lương trên thị trường lao động. * Theo ông, NLĐ nên đưa con số lương như thế nào là hợp lý? - Nếu NLĐ có kinh nghiệm và thành thạo công việc, nên tự tin đề cao bản thân ở mức độ thích hợp để nhà tuyển dụng thấy được năng lực cá nhân. Thông thường, từng vị trí tuyển dụng trên thị trường lao động đã có sẵn mức lương, NLĐ có thể căn cứ vào đó và căn cứ vào khả năng của mình để đề ra mức thích hợp, có thể tăng giảm khoảng 5%. Ví dụ, kỹ sư điện-điện tử, phụ trách chuyền lắp ráp, có kinh nghiệm ba năm, mức lương thị trường khoảng bảy triệu đồng, có thể đề xuất 6,5 triệu – 7,5 triệu. Ngoài ra, bạn cần biết cách kiểm soát tình huống. Hãy cố gắng không thừa nhận một con số cụ thể để có cơ hội đàm phán mức lương mình mong muốn. Để đạt được mức lương lý tưởng, phải chứng minh được khả năng của mình - Ảnh minh họa * Có nên so sánh giữa mức lương nhà tuyển dụng đưa ra với mức lương ở công ty cũ không, thưa ông? - NLĐ có thể nêu sự so sánh giữa mức lương họ đưa ra với mức lương cũ nếu công việc như nhau. Nhưng sẽ là sai lầm khi so sánh như vậy trong trường hợp NLĐ đã làm việc rất lâu năm tại một công ty cũ, qua nhiều lần tăng lương. * Ông có thể chia sẻ những bí quyết giúp NLĐ có được mức lương như mong ước? - Lương phụ thuộc vào công việc và khả năng chuyên môn, NLĐ phải chứng minh được khả năng mình hiểu công việc mới, hiểu được nhu cầu cần tuyển dụng và có thể đáp ứng được nhu cầu này trong thời gian ngắn nhất mới có cơ sở để đàm phán mức lương lý tưởng. Khi tuyển dụng, NLĐ cần phải hỏi rõ người tuyển dụng mức lương sau khi NLĐ đáp ứng được yêu cầu công việc. Nếu họ nói ra được mức lương phù hợp thì mình có thể chấp nhận, hoặc khéo léo đề nghị mức lương cao hơn nếu xét thấy chưa phù hợp. Để đạt được mức lương lý tưởng, NLĐ phải có tinh thần làm việc và tác phong làm việc chuyên nghiệp… Cố gắng trao đổi thật ấn tượng đối với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, quá trình làm việc hiệu quả là thước đo cao nhất để đạt được mức lương lý tưởng. * Xin cảm ơn ông. Quỳnh Mai (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/vieclam/2010/Pages/nhung-sai-lam-khi-dam-phan-luong.aspx