Những quý bà trong Nhà Trắng

Cuộc đời của các đệ nhất mệnh phụ trong Nhà Trắng thường không phải lúc nào cũng vàng son như thiên hạ nghĩ. Nhưng những câu chuyện về họ luôn ẩn chứa nhiều điều thú vị và hấp dẫn.

Tổng thống Grover Cleveland và phu nhân trong lễ cưới tại Nhà Trắng.

Trẻ người không non dạ

Frances Clara Folsom, vợ của Grover Cleveland, vị Tổng thống Mỹ thứ 22 và 24 (nhiệm kỳ đầu từ 1885 tới 1889; nhiệm kỳ thứ hai từ 1893 tới 1897), được coi là đệ nhất phu nhân trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Khi chính thức bước vào Nhà Trắng với vai trò đệ nhất phu nhân, người phụ nữ này mới 21 tuổi.

Frances Clara Folsom sinh ngày 21/7/1864 tại Buffalo, New York. Cha bà, Oscar Folsom, là một luật sư ăn nên làm ra, hậu duệ của những người Anh đầu tiên vượt biển sang định cư ở lục địa Bắc Mỹ. Những cư dân dũng cảm này đã cập bờ bến mới từ nửa đầu của thế kỷ XVII, định cư ở khu vực mà về sau đã trở thành các bang Massachusetts, Rhode Island, New Hampshire và khu vực phía tây New York...

Do cô em gái đã qua đời ngay từ khi mới sinh ra được một ngày nên Frances đã là người thừa kế duy nhất của gia đình. Một điều thú vị là thoạt tiên nữ đệ nhất phu nhân tương lai được gọi bằng cái tên đàn ông là Frank để kỷ niệm về ông chú ruột nhưng rồi gia đình đã quyết định chuyển cái tên đó thành tên bé gái là Frances.

Người chồng tương lai của Frances, luật sư Grover Cleveland, từng là người bạn thân thiết của cha bà. Ông sinh ngày 18-3-1837, theo dòng Giáo hội Trưởng nhiệm. Chính Grover Cleveland đã chứng kiến phút cô bé Frances chào đời. Và với tư cách một ông chú tốt bụng, Grover Cleveland đã chăm sóc, chiều chuộng người vợ tương lai “từ thuở trong nôi”... Khi cha của Frances bất ngờ qua đời mà không kịp để lại di chúc trong một tai nạn giao thông năm 1875, Grover Cleveland đã nhận về mình trách nhiệm quan tâm, lo lắng cho cô bé mồ côi 11 tuổi... Sau khi bà vợ của Oscar Folsom đi bước nữa, tòa án khi đó đã quyết định để ông Grover Cleveland làm người quản lý gia sản mà người quá cố để lại cho tới khi cô con gái Frances đến tuổi trưởng thành...

Lửa gần rơm, quan hệ giữa ông chú đỡ đầu và cô cháu gái xinh đẹp dần dà đã chuyển sang những gam mầu ngày một lãng mạn hơn, mặc dù khoảng cách tuổi tác của họ là gần 30 năm. Khi Frances vào học ở trường Wells College, vị Tổng thống tương lai đã không giấu nổi lòng mình và thầm lặng bày tỏ tình cảm với cô cháu mà ông đỡ đầu.

Tới tháng 8/1885 (ở thời điểm này, Grover Cleveland đã làm chủ Nhà Trắng được gần nửa năm), Frances trong khi đang đi du lịch châu Âu cùng mẹ, đã chính thức nhận được lá thư cầu hôn từ đương kim Tổng thống. Và trở về Mỹ, Frances đã đồng ý trở thành vợ Tổng thống. Hai người đã công khai về tình yêu của mình trước khi tổ chức đám cưới 5 ngày tại Phòng Xanh của Nhà Trắng. Đây là đám cưới duy nhất diễn ra trong Nhà Trắng. Trước đó, vị Tổng thống thứ 10 của nước Mỹ, John Tyler, đã tục huyền nhưng đám cưới của ông đã được tổ chức ở New York. Vợ của Tổng thống Tyler kém ông 30 tuổi...

Đám cưới của Tổng thống Grover Cleveland đã được tổ chức một cách khiêm nhường nhưng vô cùng trang trọng vào ngày 2/6/1886. Khi ấy, cô dâu 21 tuổi, còn chú rể đã 49 tuổi nhưng mới chỉ cưới vợ lần đầu (trước đó, ông chủ trương kiên trì sống trong cảnh độc thân)... Khách mời chỉ có những người họ hàng gần gụi, những người bạn thân thiết và các thành viên nội các cùng vợ của họ. Không một phóng viên nào lọt được vào nơi diễn ra nghi lễ cưới. Đích thân Tổng thống Grover Cleveland, vốn bản tính không mấy khi tin tưởng giao cho người khác làm những việc mà ông cho là quan trọng, đã tự mình lên danh sách khách mời. Và ông cũng đã giới hạn tổng số khách dự cưới là 40 người. Ông cũng đích thân chỉ đạo việc chọn đồ trang trí Phòng Xanh và điều hành nghi lễ cưới.

Cha cố chủ trì đám cưới là một người anh em của chú rể. Lời thề truyền thống “kính trọng, yêu thương và hỗ trợ” được đổi thành “kính trọng, yêu thương và tuân phục”... Chú rể không muốn cô dâu cầm hoa mà cho rằng, kim cương và đá saphir sẽ thích hợp với đệ nhất phu nhân tương lai hơn. Cô dâu mặc bộ đồ sa tanh màu ngà voi lộng lẫy... Chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chơi trong đám cưới là “ông vua hành khúc”, nhạc trưởng lừng danh John Philip Sousa, tác giả của bản hành khúc nổi tiếng “The Stars and Stripes Forever”, về sau trở thành hành khúc quốc gia của nước Mỹ. Sousa đã chỉ huy đầy hứng khởi dàn nhạc giao hưởng thủy quân với số lượng nghệ sĩ đông không kém gì số khách mời dự đám cưới... Đám cưới đã kết thúc vào đúng 7 giờ tối...

Tuần trăng mật kéo dài 5 ngày của cặp vợ chồng nguyên thủ quốc gia đã trôi qua ở vùng núi tại miền tây bang Maryland...

Trở về thủ đô Washington sau tuần trăng mật, Frances Cleveland đã nhận bàn giao vai trò đệ nhất phu nhân từ người em gái ruột của chồng (vì ông Grover Cleveland khi nhậm chức Tổng thống là người độc thân nên em gái ông đã phải đứng ra đảm trách việc “nội trợ” trong Nhà Trắng). Và từ đó bà mới thấu hiểu thế nào là mối quan tâm sít sao của giới truyền thông đối với cuộc sống riêng tư của nguyên thủ quốc gia. Nhất cử nhất động của gia đình Tổng thống đều được các phóng viên quan tâm và truyền tin...

Thái độ thân thiện và sự quyến rũ đầy nữ tính của đệ nhất phu nhân đã giúp Frances Cleveland thu nhận được một tình yêu chân thành từ phía xã hội và nhờ thế, cũng giúp củng cố ảnh hưởng của Tổng thống lên thêm. Mỗi tuần đệ nhất phu nhân tổ chức hai buổi tiếp dân, chủ yếu dành cho phụ nữ, ở trong Nhà Trắng để lắng nghe những nguyện vọng và yêu cầu từ họ... Năm 1887, Frances Cleveland đã đích thân tháp tùng chồng đi kinh lý xuống các bang miền nam và miền tây nước Mỹ. Hoạt động này càng làm cho dân chúng thêm phần mến mộ đệ nhất phu nhân... Nhiều phụ nữ Mỹ thời đó coi các kiểu y phục của Frances Cleveland là mốt thời trang cần phải học theo...

Tuy nhiên, mối cảm tình dành cho đệ nhất phu nhân rốt cuộc cũng không giúp được cho chồng bà tái đắc cử vì phe đối lập đã tìm ra được những điểm yếu trong tiểu sử của ông để hạ uy tín. Và khi Grover Cleveland thất bại trong cuộc bầu cử tiếp theo vì dù giành được đa số phiếu của cử tri nhưng lại bị thất thế trong con mắt của đại cử tri đoàn, Frances cùng chồng đã chuyển về ở New York với lời hứa là sẽ quay trở lại Nhà Trắng sau 4 năm nữa. Và điều đó đã trở thành sự thật. Và Frances Cleveland đã trở thành đệ nhất phu nhân duy nhất ở Mỹ được làm chủ Nhà Trắng hai lần nhưng lại không phải trong những khoảng thời gian liên tục...

Bất chấp mọi đồn đại ác ý do về chuyện chồng già vợ trẻ, ông bà Grover và Frances Cleveland đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Họ đã chung thủy với nhau, lo lắng, đỡ đần nhau. Hai người có 5 người con, 3 gái, 2 trai. Trừ người chị cả Ruth đã mất sớm năm 1904 vì bệnh máu trắng, 4 người con còn lại đều được thừa hưởng gen di truyền tốt đẹp từ người mẹ và đều sống rất thọ...

Rời khỏi Nhà Trắng, ông Grover Cleveland vẫn tiếp tục tham gia tích cực vào đời sống xã hội. Tháng 6/1908, ông qua đời vì bệnh ung thư. Grover Cleveland được đánh giá là một chính trị gia rất trung thực và có tài tổ chức.

Người vợ góa Tổng thống Frances Cleveland ở tuổi 44 đã chuyển về sống tại Princeton, bang New Jersey. Khi ấy, người con trai út, mới vừa tròn 5 tuổi. Tháng 2/1913, ở tuổi 49, Frances Cleveland đã tái giá với giáo sư khảo cổ học của trường Đại học tổng hợp Princeton, Thomas J. Preston (con). Và bà cũng trở thành cựu đệ nhất phu nhân đầu tiên của nước Mỹ hai lần lên xe hoa. Đây không phải là một cuộc hôn nhân xuất phát từ tình yêu lớn nhưng cũng đã rất yên lành và tốt đẹp...

Khi xảy ra cuộc đại suy thoái vào cuối những năm 20 đầu những năm 30 của thế kỷ trước, Frances Cleveland đã tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, bà đã gia nhập Hiệp hội Thủ công Mỹ và tự tay may quần áo cho những người bần hàn...

Ngày 29/10/1947, Frances Cleveland đã qua đời ở tuổi 83 tại Baltimore. Bà đã được mai táng tại Priceton, trong nghĩa trang cạnh mộ của người chồng đầu tiên, cố Tổng thống Grover Cleveland...

Tổng thống Theodore Roosevelt và phu nhân.

Hậu phương vững chãi

Gần 70 năm trước, hơn một tháng sau khi Edith Kermit Carow, phu nhân của vị Tổng thống Mỹ thứ 26 Theodore Roosevelt qua đời vào ngày 30/9/1948, tuần san Life đã đưa ra nhận xét rằng, bà là “một trong những phu nhân Tổng thống cương nghị và năng động nhất từng ở trong Nhà Trắng”.

Edith Kermit Carow sinh ngày 6/8/1861 tại thành phố Norwich, bang Connecticut. Khi đệ nhất phu nhân Mỹ quốc còn nhỏ, gia đình bà đã chuyển tới New York. Người cha, ông Charles Carow, trở thành người quản lý của Cục Thương mại New York. Cả gia đình Carow và gia đình Tổng thống Mỹ tương lai Roosevelt đều thuộc giới thượng lưu ở thành phố này và ngay từ thuở đó đã kết giao với nhau khá mật thiết.

Edith đã biết người chồng tương lai ngay từ tuổi ấu thơ vì chơi thân với chị gái và em gái của ông (Tổng thống Theodore Roosevelt, sinh năm 1858, là người con thứ hai trong gia đình, trên ông là chị gái Corine, sau ông là em gái Anna và em trai Elliott). Họ đã cùng lớn lên, cùng chơi đùa, có nhiều thú vui chung, đặc biệt là đều mê đọc sách. Tới tuổi thiếu niên, Edith và Theodore đã phải lòng nhau ngay, mặc dầu hai người đã phải học ở hai trường khác nhau, dành riêng cho học sinh nam và học sinh nữ…

Trước khi Theodore vào Đại học Harvard, cả hai gia đình đều coi như đôi trẻ đã đính hôn với nhau. Không ai hoài nghi rằng họ sẽ thực sự trở thành vợ chồng. Khi Edith lên thăm Theodore ở Harvard, vị Tổng thống tương lai đã rất hãnh diện giới thiệu mỹ nhân với bạn bè. “Chưa bao giờ nàng trông lại đẹp như khi đó, - Theodore viết trong nhật ký. – Mọi người đều trầm trồ trước vẻ lịch thiệp của nàng. Nàng cũng cư xử tuyệt vời như nhan sắc của mình”…

Thế nhưng, khi Theodore lên học năm thứ hai đại học, trong quan hệ giữa đôi trẻ bỗng nảy sinh rạn nứt. Họ hay cãi cọ nhau hơn. Tới một lúc nào đó, nóng mặt quá lời, họ đã quyết định chia tay nhau. Cái tên Edith đã bị xóa khỏi nhật ký của vị Tổng thống tương lai. Sau này, bà Edith kể rằng, nguyên do của sự đổ vỡ là vì, khi Theodore ngỏ lời cầu hôn thì bà đã từ chối vì cha mẹ bà khi đó cho rằng, bà còn quá trẻ để lên xe hoa… Tự ái, Theodore đã cắt đứt quan hệ với Edith…

Mặc dầu vậy, Edith vẫn tiếp tục duy trì quan hệ với chị và em gái của Theodore. Cũng qua hai người bạn gái này mà chẳng bao lâu sau bà được biết rằng, Theodore đang say đắm yêu cô Alice Lee 17 tuổi đến mức chuẩn bị làm đám cưới. Không ai rõ thái độ của Edith đối với cái tin này thế nào nhưng khi được mời dự cưới và ngày 14/2/1880, bà đã tới…

Cuộc hôn nhân đầu tiên của vị Tổng thống tương lai không suôn sẻ. Vợ ông sau khi sinh hạ cô con gái đầu lòng đã bị sốt và qua đời, cũng đúng vào Ngày tình yêu 14/2, năm 1884 vì bệnh Bright và một số di chứng từ việc sinh nở. Theodore đã rất đau đớn vì mất mát này. Ông vẫn như trước kia cố tình lánh mặt Edith và mỗi khi tới New York, đã yêu cầu em gái Anna phải báo trước cho ông biết về việc Edith tới nhà họ chơi vào lúc nào vì ông không muốn tình cờ đụng mặt người yêu cũ. Edith cũng cố tình tránh mặt Theodore. Tuy nhiên, do ở cùng một giai tầng xã hội nên kiểu gì thì đôi trẻ cũng có lúc phải đối diện với nhau. Việc xảy ra vào một ngày thu năm 1885. Hôm đó, Edith rẽ vào thăm Anna mà không báo trước nên đã gặp ngay Theodore ở trong nhà. Vì phép lịch sự, họ lại phải trò chuyện với nhau và lạ lẫm phát hiện ra rằng, ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai… Thế là họ lại hẹn hò với nhau…

Nói một cách công bằng, Edith thủa đó là một thiếu nữ rất xinh đẹp, thậm chí, quyến rũ, với mái tóc bồng bềnh màu hạt dẻ và đôi mắt nâu mơ màng. Qua một lần đò rồi, vị Tổng thống tương lai lại càng si mê người tình đầu tiên và tới tháng 11/1885, hai người đã bí mật đính hôn với nhau. Nói của đáng tội, Theodore đã hơi bị lương tâm cắn dứt vì tới thời điểm đó mới chỉ có nửa năm trôi qua sau khi người vợ đầu của ông qua đời. Việc tục huyền khiến ông cảm thấy áy náy vì theo ông, đó là dấu hiệu của sự yếu lòng trong một trang nam nhi. Những phân vân đó chỉ phai nhạt dần đi theo dòng thời gian và Edith cũng không hề thúc giục gì đấng hôn phu mà cứ nén lòng chờ đợi.

Sau khi người cha Charles Carow mất, gia đình Edith lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính nên phải chuyển sang Anh sống vào đầu năm 1886. Edith giữ kín như bưng việc mình đã bí mật đính hôn với Theodore. Chẳng bao lâu sau, Theodore cũng sang London và tới ngày 2/12/1886, hai người đã tổ chức đám cưới một cách lặng lẽ, không khoa trương. Khi đó vị Tổng thống tương lai mới 28 tuổi, còn cô dâu đang ở tuổi 25…

Hôm đó London chìm trong màn sương mù dày đặc đến mức cô em gái Anna khi bước vào nhà thờ, nơi diễn ra hôn lễ, đã không thể nhìn rõ anh mình đang đứng cạnh bàn thờ…

Đôi uyên ương đã có 4 tháng du lịch trăng mật ở Anh, Pháp và Italia… Mùa xuân năm 1887, họ trở về New York. Cô con gái Alice từ cuộc hôn nhân đầu của Theodore lúc đó đã 3 tuổi…

Thật may mắn cho vị Tổng thống tương lai là người vợ thứ hai của ông cũng tuyệt vời như người vợ đầu. Đối với cô bé Alice (tên giống như mẹ đẻ), Edith là một bà mẹ kế nhân hậu. Theodore yêu cầu Edith không kể gì với Alice về mẹ cô bé mặc dầu ông bà ngoại của cô bé vẫn thường xuyên tới thăm cháu. Elica lớn lên là một cô gái có tính bộc trực, mạnh mẽ, luôn chỉ muốn hành động theo chủ kiến của mình. Ông Theodore Roosevelt có lần đã nói đùa: “Tôi chỉ có thể làm được một trong hai việc, hoặc là trở thành Tổng thống Mỹ, hoặc là điều khiển được Alice, chứ tôi không thể làm hai việc này cùng một lúc…”.

Edith là một phụ nữ bình thản, kín tiếng và không ủy mị, khác hẳn với “người tiền nhiệm”. Nếu Theodore từng gọi người vợ đầu là “em bé” thì ông lại không bao giờ dùng từ đó với Edith… Trong quan hệ vợ chồng giữa hai người ngay từ đầu đã có một sự vị nể lẫn nhau bền chắc.

Công việc của đôi vợ chồng trẻ rất thành công và họ đã chuyển về ở trong một ngôi nhà lớn ở Oyster Bay, được gọi theo tên của một thủ lĩnh người da đỏ địa phương “Sagamore Hill”. Gia đình vị Tổng thống tương lai đông lên nhanh chóng. Edith trong một thập niên đã sinh hạ được 4 người con trai (Theodore, Kermit, Archie, Quentin) và cô con gái Ethel. Người con trai cả, Theodore, sinh ngày 13-9-1887, còn cậu con trai út Quentin sinh ngày 19/11/1897.

Tổng thống Theodore Roosevelt luôn luôn tự hào về những người con của mình và dành rất nhiều thời gian quan tâm tới họ. Ông đã muốn biến người con trai cả thành một vận động viên thể thao lừng lẫy. Edith đã uổng công thuyết phục chồng về việc, con trai của họ còn quá nhỏ và theo bản chất tự nhiên không thể chịu được hết các bài tập mà người cha muốn cậu rèn luyện. Phải nhờ tới lý lẽ của các bác sĩ thì vị Tổng thống tương lai mới thôi “hành hạ” cậu con trai 10 tuổi của mình bằng các bài tập thể thao lao lực… Edith cũng luôn coi chồng mình là một đứa trẻ to đầu. Mỗi lần trước lúc đi xa, bà luôn hôn lên trán các con rồi tới hôn chồng cuối cùng và nói: “Anh nhớ đừng nghịch hư khi em đi vắng nhé!”.

Hiểu rõ tính chồng, Edith không hay “nuông” ông. Một lần, Theodore Roosevelt bị va phải cột chuồng ngựa và rớm máu ở trán. Thấy cảnh này, bà đã bình tĩnh nói: “Có lẽ anh nên vào ngay phòng tắm đi, chứ đừng vào phòng khách làm vấy máu ra thảm…”.

Theo nhận xét của báo chí Mỹ, Edith không chỉ là một người mẹ chu toàn, một người vợ đáng tin cậy mà còn là chỗ dựa rất bền chắc đối với chồng. Khi ông Roosevelt lần đầu có chân trong nội các, Edith đã bắt đầu thường xuyên tổ chức các buổi tiếp tân với khách mời là các chính trị gia có uy lực… Bà biết cách lắng nghe người đối thoại mà không can thiệp vào các câu chuyện chính trường và chỉ thỉnh thoảng mới đưa ra những lời nhận xét sắc sảo về người này hay người khác. Những lời nhận xét ấy thường được truyền tụng rất nhanh chóng ra ngoài xã hội. Thí dụ, có lần bà đã nói về cô cháu gái Eleanor Roosevelt (người về sau là vợ vị Tổng thống Mỹ thứ 32 Franklin Roosevelt): “Một cô gái giản đơn, tội nghiệp. Môi và răng cô ấy không thể hứa hẹn cho một tương lai rạng rỡ. Tuy nhiên, đôi khi một con vịt xấu xí lại có thể trở thành con thiên nga…”.

Edith rất vui mừng vì những thành công của chồng trên chính trường, nhưng bà lại không thích sự quan tâm quá đáng của các phương tiện thông tin đại chúng tới gia đình bà.

Từ năm 1899 tới năm 1901, ông Rosevelt ngồi trên ghế Thống đốc bang New York. Và Edith phải tham dự nhiều hoạt động tiếp tân. Để tránh nghi thức bắt tay tẻ ngắt, bà đã luôn ôm một bó hoa trên tay… Bà đã không vui mừng khi chồng được đề nghị ra ứng cử Phó Tổng thống cùng liên danh với ông William McKinley vì theo bà, như thế là đưa ông “vào đường ray phụ”. Theodore Roosevelt cũng đồng tình với vợ nhưng ông vẫn nhận lời. Sau khi những người thuộc đảng Cộng hòa giành được thắng lợi, Theodore Roosevelt trở thành Phó Tổng thống và chẳng bao lâu sau đã hiểu ra rằng, cương vị này không giúp ông có được ảnh hưởng chính trị ở mức mà ông mong muốn. Thời khắc bước ngoặt đã tới với ông sau khi Tổng thống McKinley bị ám sát ngày 6/9/1901 tại Buffalo. Và ngày 14/9/1901, Theodore Roosevelt chính thức được bổ nhiệm làm Tổng thống. Lúc đó, ông mới 42 tuổi và vì thế, cho tới nay ông vẫn là vị Tổng thống được bổ nhiệm trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Đệ nhất phu nhân Edith Roosevelt đã mang lại không khí sinh hoạt náo nhiệt cho Nhà Trắng. Những đứa trẻ sôi nổi đã cùng cha mẹ mình tham dự nhiều trò chơi rất vui. Đến mức, có cậu con trai đã phải nói: “Khi mẹ mình còn nhỏ, chắc mẹ mình cũng nghịch như con trai”…

Đệ nhất phu nhân Edith cũng thay vì các buổi tiếp tân truyền thống đã tổ chức các chương trình ca nhạc mà về sau, trở thành rất phổ biến. Tác phong dân chủ của bà cũng giúp gia đình Tổng thống chiếm được cảm tình của báo giới… Theodore Roosevelt đánh giá vợ mình là “bà chủ hoàn hảo của Nhà Trắng” và đã không chỉ một lần công khai nói ra điều này ngoài xã hội. Một nữ nhân viên thuộc quyền đã nhận xét, trong 7 năm trong Nhà Trắng, Edith đã không phạm bất cứ một sai lầm nào… Edith cũng là đệ nhất phu nhân đầu tiên ở Mỹ có nữ thư ký riêng…

Một số nguồn tin cho hay, Theodore Roosevelt đã có lần tâm sự, ông đã phải ân hận không chỉ một lần những khi không nghe theo lời vợ…

Theodore Roosevelt rời khỏi Nhà Trắng năm 1909 và qua đời ngày 6/7/1919 tại nhà riêng cạnh vịnh Con Sò, để lại phần lớn gia sản trị giá khoảng 500 nghìn USD cho vợ, còn 60 nghìn USD tiền mặt thì chia đều cho các con. Edith còn sống thêm gần 30 năm nữa.

Phương Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nhung-quy-ba-trong-nha-trang/126073