Những quan điểm khác nhau về giáo dục tại gia

Giáo dục tại gia (homeschooling) không còn xa lạ với các nước trên thế giới nữa. Ở một số nước phát triển đã coi hình thức này tồn tại song song với các hình thức giáo dục khác.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, homeschooling được một bộ phận phụ huynh áp dụng theo hình thức hoàn toàn, hoặc kết hợp vừa đến trường vừa cho con tự học ở nhà một số môn theo chương trình của Mỹ. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh giáo dục của Việt Nam, nhiều ý kiến lại cho rằng hình thức homeschooling không phù hợp.

Chị Nguyễn Thị Thiên Hương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một trong những phụ huynh đang cho con học tại gia, tổ chức những hội thảo về tự dạy con tại nhà thu hút được nhiều phụ huynh quan tâm.

Trẻ cần thích nghi với môi trường

Chị Hạ Ni, nghiên cứu sinh ngành Giáo dục tại ĐH Leeds (Vương quốc Anh), cho biết: “Học tại nhà (homeschooling) là mô hình giáo dục mà ở đó cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ (phần lớn là cha mẹ) đảm nhận trách nhiệm giáo dục con tại nhà thay vì cho con học ở trường. Ở các nước như Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Anh và nhiều nước châu Âu khác... học tại nhà là phương thức giáo dục được pháp luật công nhận. Có nhiều trường hợp chọn học tại nhà ở những mức độ khác nhau. Cụ thể, ban đầu trẻ học ở trường nhưng sau đó thôi học. Có những phụ huynh hoàn toàn không đưa trẻ đến trường. Trong khi số ít trường hợp trẻ học ở trường với thời gian linh hoạt, ví dụ 2 ngày ở trường, 3 ngày ở nhà”.

Chị Nguyệt Hà (một nhà báo tại Hà Nội) cho rằng, khi nói đến homeshooling nhiều người đổ lỗi cho chất lượng giáo dục, môi trường giáo dục trong nhà trường còn nhiều vấn đề nên họ mới phải áp dụng hình thức homeschooling. Chị Hà đặt câu hỏi: “Vậy ở những nước tiên tiến về giáo dục vẫn có homeschooling thì vấn đề nằm ở đâu? Cho nên, nếu bạn không thích nghi được với mọi thứ xung quanh bạn, tôi cho rằng trước hết vấn đề nằm ở chính bản thân bạn”.

“Nếu bạn không thể thay đổi để thích nghi được thì bạn nên tìm một lựa chọn khác. Tuy nhiên, không nên vì thế mà cho rằng mô hình, môi trường ấy toàn những bất ổn, bất cập và càng không nên lấy những trường hợp cá biệt kết luận cho vấn đề của số đông! Tôi thấy rằng bố mẹ dù xuất sắc tới mấy cũng chỉ có thể dạy con những gì mình biết, còn những gì họ không biết, không trải nghiệm, đương nhiên cũng không thể dạy cho con họ”.

Chị Hà cũng cho rằng: “Nếu bạn nghĩ rằng con đến trường chỉ để học kiến thức thì e rằng bạn hiểu không đúng về nhà trường. Đến lớp là học thầy, học bạn. Giữ con ở nhà khác gì tách con khỏi xã hội, giữ con trong môi trường vô trùng? Mỗi con người là một phần của xã hội, không học cách thích nghi với mọi thứ xung quanh (cả tốt cả xấu) vậy cá thể đó có tồn tại dễ dàng không? Đừng tự biến mình thành một thứ không bình thường, tách biệt, trừ khi bạn là thiên tài, tội phạm hoặc rơi vào hoàn cảnh quá đặc biệt. Con người tốt nhất nên sống hài hòa hòa nhập với mọi thứ quanh mình, cả thiên nhiên và xã hội loài người”.

Nên là một lựa chọn?

Bàn về vấn đề này, ông Ngô Văn Minh, giáo viên dạy Toán, trường Archimedes Academy cho rằng: “Học tại nhà là dạng học tập cao cấp, dù không phù hợp với đại trà, nhưng phù hợp với một nhóm trẻ em đặc trưng với các gia đình có đủ điều kiện, năng lực và thời gian. Nếu homeshooling được thừa nhận tại Việt Nam thì nó sẽ mở ra một kênh học mới cho nhiều gia đình”.

Trong quá trình giảng dạy của mình, ông Ngô Văn Minh cho biết: “Sẽ có hai đối tượng học sinh hoàn thiện hơn khi được áp dụng hình thức homeschooling: Học sinh có khả năng đặc biệt và không phù hợp với môi trường học đồng nhất; học sinh có khiếm khuyết khi hòa nhập. Nếu lựa chọn thì đây là hình thức học rất tốt cho những học sinh này. Đồng thời, xu hướng homeschooling sẽ làm phong phú môi trường học tập của Việt Nam hiện nay”.

Còn theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT cho biết: “Homeschooling đang được nhìn nhận như cách thức ứng phó với sự tồi tệ của môi trường giáo dục. Theo tôi vấn đề chẳng phải thế. Homeschooling ở Anh, ở Australia không bao giờ đặt mục tiêu là để ứng phó với sự tồi tệ của nền giáo dục. Chẳng qua là thêm một lựa chọn về cách dạy và học, về sách giáo khoa. Một lựa chọn trong nhiều lựa chọn hướng tới cùng một cái đích: Có học vấn phổ thông và cuối cùng thể hiện bằng các tri thức - kỹ năng người học cần có, cùng tấm bằng tốt nghiệp”.

Hình thức homeschooling ở Việt Nam còn nhiều ý kiến tranh cãi, nhiều người thái quá áp dụng triệt để và không cho con đến trường, nhiều người cũng thái quá lại cho rằng đây là hình thức giáo dục không phù hợp. Luật Giáo dục Việt Nam chưa công nhận hình thức này. Với mỗi cái mới, đều cần có thời gian để áp dụng, trải nghiệm thực tế và rút ra những điều phù hợp và không phù hợp. Theo ông Ngô Văn Minh thì Bộ GD - ĐT cần có những nghiên cứu đánh giá để phụ huynh có cái nhìn thực tế hơn trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay.

Lê Vân/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/nhung-quan-diem-khac-nhau-ve-giao-duc-tai-gia-20170518162029019.htm