Những phụ nữ làm nghề 'lên đời' cho đôi chân

Khi nói đến thợ sửa giày dẹp mọi người thường nghĩ ngay đến những người đàn ông cặm cụi gõ gõ, khâu khâu bên góc chợ. Ấy vậy ở thành phố Vinh có những phụ nữ 'tranh' luôn công việc này của giới mày râu. Có những chị đã có hàng chục năm mưu sinh bằng nghề này, họ thậm chí còn uy tín hơn các 'đồng nghiệp' nam của mình. Họ nói vui về công việc của mình là: 'lên đời' cho đôi chân.

Đó đều là những người phụ nữ tuổi đã ngoài 50. Hàng chục năm năm qua, 6 giờ sáng họ ra “cửa hàng” của mình để sửa giày dép. Tại đây họ làm việc qua trưa, mang theo cơm ăn tại chỗ, trở về nhà khi phố phường đã lên đèn.

Trong ảnh là bà Nguyễn Thị Phú, 54 tuổi, trú tại phường Lê Mao. Bà là người kỳ cựu nhất trong số các bà các chị làm nghề sửa giày ở chợ Vinh. Bà Phú bắt đầu vào nghề khi bà mới 24 tuổi và gắn bó cho đến nay.

Dù không 'niêm yết công khai' nhưng tiền công được mọi người tính 'đồng hạng': Đánh xi 10.000 đồng, đắp đế 15.000 đồng, khâu giày 10.000 - 20.000 đồng.

Bà Phạm Thị Thái, 55 tuổi, là người có hoàn cảnh khó khăn nhất trong những người phụ nữ sửa giày tại khu vực chợ Vinh. Chồng bệnh tật, một mình bà kiếm tiền nuôi sống gia đình bằng nghề này từ năm 1990.

Bà Phạm Thị Lan, em gái của bà Thái cũng đã có hơn 20 năm kinh nghiệm với nghề sửa giày, dép tại chợ Vinh.

Bà Lan còn được xem là một trong những người có “bàn tay vàng” trong nghề này. Khách hàng của bà chủ yếu là người quen lâu năm.

Trong số những phụ nữ làm nghề sửa chữa giày, dép ở chợ Vinh, chị Ngô Thị Chung là người trẻ nhất với 30 tuổi. Chị Chung còn được mọi người 'phong' cho danh hiệu 'hoa khôi' sửa giày. Chị đã gắn bó với công việc này 8 năm nay.

Ngoài các dụng cụ làm việc như: kim chỉ khâu, keo, búa, xi... thì những chiếc giày, dép cũ kỹ này cũng trở thành 'nguyên vật liệu' hành nghề.

Khách hàng của các chị thường là những người có mức thu nhập trung bình hoặc đối tượng học sinh, sinh viên.

Bất kể ngày mưa hay nắng, những người phụ nữ sửa chữa giày, dép đều đặn có mặt tại chợ. Những đôi giày, dép tưởng chừng như đã hư hỏng nhưng qua bàn tay khéo léo của các chị lại trở nên bóng đẹp. Khi cuộc sống vẫn cần thì họ vẫn gắn bó với công việc mà mình đã lựa chọn để mưu sinh.

Thiên Thiên

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201609/nhung-phu-nu-lam-nghe-len-doi-cho-doi-chan-2738969/