Những phép tính giúp Donald Trump đắc cử

Các chính sách chính sách đối nội và đối ngoại mà Donald Trump cam kết nếu được thực hiện đầy đủ khi ông chính thức nhậm chức vào ngày 20.01.2017 có thể sẽ giúp nước Mỹ mạnh hơn về kinh tế nhưng lại đem lại nhiều rủi ro cho vị thế siêu cường của nước này khi chính sách đối ngoại của ông Trump bị cho là xa lánh đồng minh.

Cuộc chơi kinh tế

Trong bầu cử Tổng thống, lá phiếu của cử tri Mỹ được quyết định chủ yếu dựa trên cam kết của các ứng viên về các vấn đề kinh tế và xã hội. Khẩu hiệu tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” giúp Trump giành được sự ủng hộ của nhiều cử tri trước việc Mỹ có xu hướng bị lép vế trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu và điều kiện tiền lương, việc làm của người lao động chưa thỏa mãn được mong muốn của người dân cho dù chính quyền của Tổng thống Obama đã có nhiều nỗ lực cải thiện.

Donald Trump cam kết tạo ra 25 triệu việc làm trong vòng 10 năm tới trong đó có lĩnh vực sản xuất mà ông cho rằng chính sách hiện thời tạo điều kiện cho các công ty Mỹ đang chuyển việc ra nước ngoài để thu lợi cho họ. Cùng với chính sách này, ông Trump cũng chủ trương xem xét lại các hiệp định thương mại của Mỹ với các nước khác mà theo ông bất lợi cho Mỹ. Hơn nữa, ông cũng phản đối việc ký kết các hiệp định thương mại mới với các nước, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi cho rằng các hiệp định này khiến người Mỹ mất việc làm. Ông khẳng định việc giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 15%, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cắt giảm thâm hụt thương mại và xóa bỏ một số rào cản pháp lý khác sẽ giúp tạo ra thêm nhiều công việc cho người dân Mỹ.

Một số quan điểm về các vấn đề khác của ông Trump như duy trì quyền sử dụng súng hay giảm thuế thu nhập cá nhân cho các bậc cha mẹ nuôi con nhỏ… cũng đánh trúng tâm lý của cử tri Mỹ. Như vậy, bản thân là một nhà tài phiệt cùng các cam kết làm cho nước Mỹ trở nên giàu có hơn, giảm áp lực về kinh tế cho người dân đã giúp ông Trump giành nhiều phiếu bầu.

Trong khi bài toán kinh tế được áp dụng thành công trong việc lấy phiếu cử tri thì chính sách đối ngoại mà Trump cam kết lại giúp ông giành thêm được sự ủng hộ bởi phần lớn các chính sách này liên quan tới việc giảm chi cho nước Mỹ. Theo Trump, các đồng minh của Mỹ cần phải tăng chi ngân sách quốc phòng chứ không nên dựa vào nguồn viện trợ của Mỹ. Ông yêu cầu các nước thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nhật Bản, Hàn Quốc, Arab Saudi… cần phải đóng góp nhiều hơn nữa để trang trải chi phí triển khai quân đội Mỹ ở các nước này.

Bên cạnh việc phản đối những quy định bảo vệ môi trường làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, ông Trump nói nếu đắc cử sẽ hủy các thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà theo đó Mỹ phải đóng góp hàng tỉ USD. Việc ông cam kết sẽ yêu cầu Mexico phải chi trả cho việc xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ với Mexico dài trên 3.000 km để ngăn chặn những người nhập cư trái phép cũng vừa là bài toán kinh tế, vừa là giải pháp để tăng cường an ninh dù bị cho là khó khả thi.

Ngoại giao sức ép?

Bầu cử Tổng thống Mỹ lần này cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều nước trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ bởi các chính sách đối ngoại gần như hoàn toàn đối lập của hai ứng của viên của hai đảng. Chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ tiết kiệm ngân sách cho Mỹ những cũng khiến nhiều đồng minh và các nước khác lo lắng.

Ở Đông Á, bên cạnh việc để ngỏ khả năng có thể đàm phán với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un về vấn đề hạt nhân, ông Trump cũng nhấn mạnh sẽ gây thêm áp lực trừng phạt kinh tế nếu để CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Trong khi đó, ông Trump có ý muốn Nhật Bản và Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân nếu Mỹ rút binh sĩ khỏi những nước này. Phát biểu trên của ông hứng chịu chỉ trích, gây lo ngại cho chính các đồng minh nêu trên và các các nước trong khu vực.

Về Trung Đông, trong khi khẳng định sẽ có các biện pháp mạnh tay tấn công các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ông Trump lại tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền của ông Obama đã ký với Iran. Nếu cam kết này được thực hiện, chảo lửa Trung Đông chắc chắn sẽ lại nóng hơn.

Một tín hiệu đáng mừng là ông Trump mong muốn thắt chặt quan hệ với Nga. Nếu quan hệ giữa Mỹ và Nga được cải thiện bởi chính quyền của ông Trump, các vấn đề căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ, các nghi ngờ và bất đồng về chính sách an ninh giữa Nga với các nước châu Âu láng giềng cũng có thể sẽ được gỡ bỏ.

Nước Mỹ có thể sẽ hùng mạnh hơn về kinh tế với đầu óc kinh doanh của ông Trump. Tuy vậy, nếu thực hiện các chính sách ngoại giao theo kiểu gây sức ép với đồng minh, buộc đồng minh phải móc hầu bao, xét lại hoặc rút khỏi các thỏa thuận về an ninh và kinh tế mà Mỹ đã ký với các nước … an ninh ở một số khu vực trên thế giới sẽ bất ổn hơn và vị thế của nước Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng trong thời đại toàn cầu hóa.

Dù sao, thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội lần này đều về tay đảng Cộng hòa khiến ông Trump trở thành vị Tổng thống đầy quyền uy khi đảng của ông nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Mỹ. Chỉ có điều, với một Đảng Cộng hòa bị chia rẽ, nhiều nhân vật cấp cao quay lưng với ông trong chiến dịch tranh cử, thì lối đi với tổng thống Donald Trump có thể không dễ dàng.

Nguyễn Nam Long

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/nhung-phep-tinh-giup-donald-trump-dac-cu-609989.bld