Những phát minh kỳ quặc đạt giải Nobel 'nhái' 2016

Chuột mặc quần, sống như dê, cá tính của đá,... là những nghiên cứu kỳ quặc được "vinh danh" tại giải Ig Nobel 2016.

Thomas Thwaites đạt giải Ig Nobel Sinh học vì sống như những con dê. Ảnh: Guardian.

Đến hẹn lại lên, tối hôm 22/9 vừa qua, tại Đại học Harvard, Mỹ, các nhà khoa học trên thế giới đã hội tụ để trao giải Ig Nobel – nơi tôn vinh những nghiên cứu kỳ lạ nhất trong năm 2016 vừa qua.

Trong buổi trao giải lần thứ 26 tại Đại học Harvard danh tiếng, những nhà khoa học được vinh danh sẽ nhận được quà tặng từ những người từng đoạt giải Nobel như Tiến sĩ Hóa học Dudley Herschbach, Nhà Kinh tế Eric Maskin, Tiến sĩ Rich Roberts và Nhà Vật lý Roy Glauber.

Tại buổi trao giải, nhà nghiên cứu của ĐH Cairo (Ai Cập), ông Ahmed Shaffik đã giành được giải thưởng Sinh học với nghiên cứu về giới tính của chuột đực khi được... mặc quần. Ông đã cho chuột mặc quần với các loại vải khác nhau, gồm vải từ sợi polyester, vải pha polyester với bông và vải từ bông và len. Nghiên cứu cho thấy những con chuột mặc quần từ vải polyester có hoạt động tình dục thấp hơn đáng kể, trong khi đó những con chuột mặc quần từ vải cotton và len thì tương đối bình thường.

Mô phỏng nghiên cứu cho chuột mặc quần.

Cũng trong lĩnh vực Sinh học, giải thưởng Ib Nobel được trao cho hai người đến từ Anh: Ông Thomas Thwaites – người đã dùng chân giả để đi lại như những con dê và ông Charles Foster – người cố gắng sống như những con lửng, cáo, hươu và chim.

Ông Thwaites đã thâm nhập vào một đàn cừu trên dãy Alps của Thụy Sĩ, dành ra ba ngày để ăn cỏ non, kêu bebe và di chuyển trên những phiến đá. Trong khi đó, ông Foster lại ăn sâu, đào hang ở sườn đồi và săn bắt chuột đồng như một con lửng; hay vét thùng rác, ngủ trong vườn như một con cáo.

Giải thưởng Kinh tế đã được trao cho Mark Avis, Sarah Forbes và Shelagh Ferguson, một nhóm nghiên cứu đến từ New Zealand và Anh với nghiên cứu về tính cách của đá. Bộ ba này đã nghiên cứu về khái niệm “cá tính thương mại”, hay “liên hệ giữa tính cách của con người gắn liền với thương hiệu” bằng cách đưa hình ảnh của các loại đá ra trước 225 sinh viên.

Sau khi xem xét dữ liệu và phân tích, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận rằng quan niệm cá tính trong sản phẩm phải được tiếp cận cẩn thận hơn vì đến đá còn bị tác động.

Ngoài ra, một nhóm người đến từ Mỹ, Canada, Đức, Bỉ và Hà Lan đã giành giải thưởng Tâm lý học khi nghiên cứu về việc nói dối. Theo nghiên cứu này, tất cả mọi người đều bắt đầu nói dối nhiều hơn khi hết tuổi ấu niên, đạt đỉnh điểm trong thời thiếu niên. Ngoài ra, người trưởng thành có xu hướng nói dối hơn 2 lần/ngày.

Giải Ig Nobel Hòa bình năm 2016 được trao cho nhóm nhà triết học người Canada và Mỹ với bài báo có tựa đề “Về việc tiếp nhận và nhận biết chuyện tào lao trá hình sâu sắc”. Nhóm này đã nghiên cứu về cách con người nói những câu vô nghĩa nhưng núp dưới vỏ bọc của những câu có nghĩa, bằng cách tạo ra một câu đúng ngữ pháp từ những từ vô nghĩa.

Ngoài ra, giải thưởng Y học đã được trao cho Nhà khoa học Đức khi phát hiện ra rằng nếu bạn ngứa ở phía bên trái thì bạn nên nhìn vào gương và nghiêng đầu về bên phải để giảm ngứa.

Được biết, giải Ig Nobel, trao đầu tiên vào năm 1991, được tổ chức chọn lựa và trao bởi tạp chí Annals of Improbable Research (Biên niên Nghiên cứu “bất khả thi”). Giải thưởng chỉ là một chiếc cúp tượng trưng và một tờ giấy chứng nhận. Người thắng giải phải tự túc mọi mặt khi đến dự trao thưởng. Giải này trao cho các lĩnh vực tương tự như giải Nobel “thật” bao gồm Vật lý, Sinh học, Hóa học, Hòa bình,...

Hằng Thu (Theo Guardian)

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nhung-phat-minh-ky-quac-dat-giai-nobel-nhai-2016-d169535.html