Những ông vua, bà chúa tí hon

Chưa cần các cháu phải phục vụ được người khác, trước mắt phải phục vụ được bản thân và đừng bắt người lớn, người già phải phục vụ mình!

LTS: Bàn về vấn đề người lớn cần quan tâm, chăm sóc trẻ như thế nào, tác giả Phúc Lai đã gửi đến tòa soạn bài viết bày tỏ quan điểm: Đừng nên để trẻ phụ thuộc quá nhiều vào sự chăm sóc của người lớn mà quên mất cách tự chăm sóc bản thân mình.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết này!

Chúng ta đã nói nhiều đến những chuyện cha mẹ ngày nay ít quan tâm đến con cái, do cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền” và phó mặc con cho ông bà hoặc người giúp việc; từ đó, các con của chúng ta không được quan tâm một cách đầy đủ - như kiểu “những đứa trẻ bị bỏ rơi”.

Trong bài viết này, tôi đề cập một hiện tượng theo chiều hướng ngược lại.

Chuyện người ông đưa cháu đến bể bơi và một gia đình đưa con đi thi đấu

Xin bắt đầu bằng một ví dụ có thật – một cháu được tôi hướng dẫn bơi kiểu tự do, ngay trong những hôm đầu tiên cháu được ông ngoại đưa đến, đã nhận thấy cháu có được một sự chăm sóc đặc biệt của gia đình.

Ông theo từng bước, nhắc nhở cháu bơi, lo lắng mỗi khi cháu chỉ hơi sặc nước hoặc than phiền bị nước vào tai, đến ông nội thì còn lo lắng hơn.

Ông vội vàng đi mua nước cho cháu uống khi cháu chỉ mới than phiền một chút thôi là khát nước – bất chấp thầy còn đang cho cháu tập, cố đưa bằng được chai nước mặc dù có thể làm gián đoạn bài tập của cháu…

Tương tự như vậy với một cháu trong gia đình – đi thi đấu giải cầu lông thiếu niên toàn quốc, lặn lội từ Nam Trung Bộ ra Hà Nội, đi theo là cả bộ sậu từ ông bà đến bố mẹ.

Tất nhiên còn có cả yếu tố thăm họ hàng, nói hơi oan một tí, nhưng nhiệm vụ chính của gia đình là chăm sóc cho “vận động viên”. Tiếc là vận động viên mới chỉ ở hạng “thiếu niên cấp tỉnh” thôi, mà đã mắc bệnh ngôi sao, từ chuyện ăn uống cầu kỳ cảnh vẻ, đến việc phải được ở khách sạn hạng này hạng kia…

Không rõ nếu cháu thành vận động viên chuyên nghiệp thật thì gia đình còn phải phục dịch đến đâu?

Con tôi cũng đi tập bơi cùng cháu kể trong ví dụ đầu trên đây, trước buổi bơi cháu phải tự chuẩn bị nước uống ở nhà, cho vào trong bình và đến chiều thì mang theo.

Có thể cháu quên dụng cụ tập luyện, nhưng sau vài buổi thì không quên nữa, do đó đã là nhiệm vụ cháu phải thực hiện, còn các cháu đến tập, hầu hết mọi buổi không quên cái này thì quên cái khác, vì các cháu không tự tay làm mà do người lớn trong nhà làm cho – không phải việc của các cụ nên làm sao các cụ nhớ cho nổi?

Ngược lại với tình trạng “ bỏ rơi con cái ” thì nay có tình trạng “ quan tâm thái quá ”, chăm bẵm các cháu từng ly, từng tí một.

Trong cuộc sống, chúng ta tiếp xúc nhiều những người đến đóng cái đinh còn không biết, rửa cái bát còn không xong; là kết quả của “từng li từng tí” ấy đấy.

Chúng ta không cần Giáo sư, Tiến sỹ phải biết lắp điện, sửa điện dân dụng nhưng chắc chắn bác ta cần phải biết nối cầu chì, thay bóng đèn; không nhẽ đêm hôm nhấc điện thoại lên gọi thợ?

Một khía cạnh nữa của cái sự “từng li từng tí” là chúng ta đang nuôi dưỡng những con voi hoặc hà mã tuổi thiếu niên, nhi đồng.

Đứng ở một cổng trường, một trung tâm dạy ngoại ngữ lúc tan trường sẽ thấy trong 10 cháu có đến 7, 8 cháu thừa cân và trong số 7, 8 cháu đó cũng phải được một nửa số cháu béo phì.

Nếu như ở các vùng sâu vùng xa trẻ con cơm ăn không đủ bữa, thì ở thành phố các cháu chắc chắn là thừa dinh dưỡng, tham gia một buổi ngoại khóa kỹ năng sống, chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ là ông bà, cha mẹ chạy lại lo lắng: “Đói không con, có sữa hộp đây này…” trong khi con họ người đã nung núc thịt, mỡ.

Tiêu chuẩn cân nặng của trẻ thì dễ tính toán thôi, nếu người lớn đem chiều cao tính ra xăngtimét, trừ đi 100 là khối lượng cân đối nhất, thì của trẻ cần trừ đi 10 hoặc 15 nữa, còn chúng ta bây giờ thì ở thành phố, tìm được số cháu suy dinh dưỡng khó hơn rất nhiều so với tìm các cháu thừa cân hoặc béo phì.

Thực sự với lượng vận động của các cháu thành phố ngày nay, và với lượng thức ăn các cháu nạp vào hàng ngày, kiểu gì các cháu cũng thừa dinh dưỡng.

Nhưng cũng đáng tiếc là tỉ lệ dinh dưỡng của các cháu cũng rất bất hợp lý, hỏi chuyện nhiều gia đình thấy các cháu có những vấn đề rất điển hình như táo bón, cho thấy việc không được chú trọng ăn nhiều rau xanh hay nhiều chất xơ, trong khi nạp quá nhiều bột, đường và thức ăn nhanh.

Vừa hôm qua xem VTV, chương trình “Chuyển động 24h” thấy nói về tình trạng người trẻ mắc tim mạch tăng nhanh và trẻ em không phải là ngoại lệ, báo đã đăng tỉ lệ trẻ em mắc bệnh tim mạch và tiểu đường do béo phì gia tăng… chính là do sự chăm sóc lệch lạc của gia đình dành cho các cháu.

Đưa trẻ đến bể bơi (ảnh minh họa) (Ảnh nguồn: giadinh.net.vn).

Hậu quả là gì?

Quay lại với cháu trong ví dụ tập bơi trên đây, ngay lần gặp đầu tiên ông cháu đã khen cháu học rất giỏi, đi thi hết cuộc thi này đến cuộc thi khác. Một ngày khác, ông lại thú thật, cháu rất… nhát; điều này không cần ông nói tôi cũng có thể nhận ra được.

Cháu không dám bắt tay vào làm bất cứ bài tập mới nào mà không có một sự e ngại nhất định – cháu sợ không làm được.

Và tất nhiên, đã ai làm được ngay từ lần thử đầu tiên đâu, (chúng ta mấy ai là thần đồng) thì cháu luôn luôn tìm được lý do để bao biện cho mình. Tất cả các bài tập, cháu đều tự gây ra cho mình một trở ngại, rồi lại nỗ lực một cách cực kỳ đau khổ để vượt qua.

Hầu hết các cháu khác, với bài tập tương tự thì đều tập một cách bình thường, vui vẻ, chưa làm được thì làm mãi sẽ được… bất cứ một trở ngại nào dù đương nhiên nhất, như một ngụm nước vào mồm hay vài giọt vào tai đều có thể gây ra cho cháu một nỗi đau khổ nhất định.

Cảm giác mơ hồ, tôi hỏi lại mẹ cháu thì mẹ cháu cũng lại thú thật là cháu rất được chiều. Sự chăm sóc thái quá, từ việc coi cháu như thần đồng, giật hết giải này đến giải khác, thi hết nước trong lại nước ngoài… làm cho cháu vừa giống một ngôi sao, lại bị kẹt vào kỳ vọng, và kẹt luôn vào các thành công đang có.

Cháu sẽ không dễ dàng đối mặt với một khó khăn còn lạ lẫm, và càng không dễ dàng đối mặt với thất bại, và chắc chắn cháu sẽ trở thành “gà công nghiệp” chỉ biết học mà chẳng biết cái gì ngoài cuộc đời cả.

Cuộc sống của cháu sẽ còn là sửa cái xe đạp để đi học và biết tự chăm sóc bản thân mình.

Còn cháu thứ hai, “vận động viên” cầu lông; câu chuyện qua nhanh khi cháu bị loại ngay vòng đầu, chưa rõ gia đình và cả “vận động viên” đã nhận ra điều gì chưa; con đường thể thao của cháu có thể dừng bất cứ lúc nào, và cháu cần trở lại làm người bình thường trước đã.

Quan trọng là các cháu được chăm bẵm quá mức, trở thành trung tâm của vũ trụ và được nuôi dưỡng một “cái tôi” quá lớn, không biết quan tâm đến người khác. Điều này thực sự nguy hiểm cho các cháu trong cả cuộc đời sau này… về “cái tôi” của trẻ, tôi sẽ xin đề cập trong một bài viết khác.

Chỉ xin chia sẻ một suy nghĩ rằng, “chăm bẵm” các cháu khi gia đình có điều kiện là tốt, nhưng điều chăm bẵm cần hơn cả lại chính là việc làm cho các cháu trở thành người yêu lao động.

Chưa cần các cháu phải phục vụ được người khác; trước mắt phải phục vụ được bản thân và đừng bắt người lớn, người già phải phục vụ mình!

Phúc Lai

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhung-ong-vua-ba-chua-ti-hon-post169600.gd