Những nỗi sợ 'âm tính'

Từ một dân tộc tự xưng anh hùng, chúng ta đang sống trong một lối tư duy 'âm tính', đụng cái gì cũng sợ.

Cây đa trăm tuổi vẫn được giữ lại giữa một con đường mới làm ở Hà Nội, theo người dân thì chỉ vì nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó - Ảnh: Ngọc Thắng

Những nỗi sợ khiến con người trở nên đáng thương: Sợ đời sống cá nhân của một ngôi sao ảnh hưởng tới con mình, sợ cảnh sát giao thông trên đường phạt mình, sợ thực phẩm bẩn giết mình, sợ cái cây linh thiêng, sợ cục đá giữa đường.v.v…

Trên đường vào làng Vèo ở Vĩnh Phúc, người ta gặp ngay một hòn đá giữa đường. Xung quanh hòn đá là ban thờ với lư hương, trà, rượu và hoa của người dân cúng bái. Con đường to đẹp, xi măng phẳng lì bỗng dưng có hòn đá án ngữ giữa đường. Làng Vèo lại đồn thổi đủ thứ chuyện xung quanh hòn đá ấy, nào là xe đứt xích, hết xăng, mấy lần không di chuyển được hòn đá ấy. Rằng hòn đá ấy là thánh là tướng gì đấy mà nó án ngữ ngay giữa đường, bà con trong thôn phải thờ phượng chứ không được ủi đi.

Hết hòn đá, tới mấy cây đa ngang nhiên nằm giữa lòng đường Hà Nội. Hồi năm 2015, dư luận đã xôn xao bàn bàn tán tán về cây đa hơn trăm tuổi chễm chệ nằm giữa lòng con đường được thi công tới 6000 tỉ đồng. Ngoài cây đa trăm tuổi ấy, đường phố Hà Nội còn lắm cây đa khác, mỗi gốc đa thường có cái đình hay cái miếu thờ. Ai cũng bảo là linh lắm, thiêng lắm, không dám đốn đi vì sợ cây “vật” cả nhà.

Ngoài những cái cây giữa đường, trong đình, chùa, miếu mạo khắp mọi miền đất nước, nhiều cục đá, cái cây, gốc cột .v.v… cũng được cho là linh thiêng, ai nấy phải e dè.

Hồi tượng Phật Ngọc – Vì hòa bình thế giới đến với chùa Hoằng Pháp ở Củ Chi, tôi và mẹ có đến viếng tượng Phật. Tại đây, tôi thấy diễn ra một chuyện khá bi hài. Hàng chục người dân đứng dưới gốc cây Sa La giơ tay, ngước mặt lên trời để hứng hoa Sa La rụng xuống với niềm tin gì đó tôi không rõ. Đám người càng ngày càng đông đến nỗi nhà chùa năm lần bảy lượt bắc loa kêu gọi: “Sa La chỉ là một cây bình thường, mong bà con Phật tử hoan hỉ giải tán khỏi gốc cây, không thực hiện hành vi mê tín”. Tuy vậy, đám đông vẫn ngày một đông hơn. Đâu chừng một tiếng đồng hồ sau, tôi thấy một chú tiểu trong chùa phải cầm dao leo lên cây và chặt trụi những nhánh có hoa đi, tôi thấy mà đau lòng. Nhưng giận thay, những người dân đã không biết xấu hổ thì thôi, vẫn lao vào nhặt hết những bông hoa rụng xuống, tranh nhau như “lộc” nhà chùa. Chặt hết hoa đi rồi, “tỉnh” rồi, người ta mới phát hiện ra ví tiền, điện thoại trong túi đã “không cánh mà bay” khi đang mải mê ngước mắt, giơ tay lên trời “hứng lộc”. “Lộc” đâu không thấy, chỉ thấy ngậm ngùi cay đắng, tặc lưỡi tự trách mình thôi.

Sau nỗi sợ những vật vô tri vô giác là sự sợ hãi con người. Cách đây không lâu, cộng đồng mạng chia sẻ ầm ỹ với nhau về một bản đồ vị trí các điểm cảnh sát giao thông ở TP. HCM hay đứng để cùng nhau “vượt chốt” an toàn. Tốc độ chia sẻ đến chóng mặt. Thậm chí, nhiều bạn trẻ ở tận Hải Phòng, Hà Nội cũng hào hứng chia sẻ tới tấp, coi như là một thành quả tuyệt vời mà cộng đồng mạng đã dày công xây dựng. Thay vì cố gắng chấp hành luật giao thông cho tốt thì người ta lại chuyền tay nhau những tấm bản đồ để né tránh cảnh sát giao thông dù có thể do mải mê để ý cái chốt được báo trên bản đồ mà cắm đầu vào đuôi xe phía trước.

Hết sợ cảnh sát thì sợ tới diễn viên, ca sĩ, người mẫu. Buồn cười thay, người ta chui hẳn vào giường của những ngôi sao, thậm chí đạp tung cửa toilet nhà họ để khám phá, rồi bỉ bôi chê trách rằng lối sống, đạo đức, tư cách những ngôi sao này không “chuẩn”. Rình rang và đang đình đám nhất là câu chuyện của người mẫu T. xung quanh bộ phim về chính cuộc đời của cô. Người ta xem phim, và bịa chuyện về cuộc đời cô, rồi đồn thổi, rồi bình phầm, rồi nhận xét, chửi bới. Hỏi: “Tại sao lại chửi bới cô ta như vậy?” thì được trả lời, vì sợ những đứa con mình sẽ nhiễm phải thói hư tật xấu của cô. Nghĩ mà buồn cười ghê, người ta sợ một ngôi sao trên truyền hình, báo mạng sẽ ảnh hưởng tới nhân cách con cái của mình mà quên mất chính ba mẹ, ông bà, thầy cô, bạn bè xung quanh mới là những mối quan hệ hình thành nên nhân cách trẻ.

Ở các nước phát triển, người ta cho phát hành phim, sách, tranh ảnh khiêu dâm, công khai các hoạt động mại dâm nhưng chả thấy ai lên tiếng sợ giới trẻ suy đồi cả. Thậm chí ở những nước đó, như nước Nhật chẳng hạn, tính nhân văn trong xã hội của họ vẫn đang khiến chúng ta thèm thuồng. Chán ngán hơn nữa, nhiều ông bố, bà mẹ đem con mình ra để che đậy cho những hành động của mình chứ chưa chắc gì họ đã vì tương lai những đứa trẻ.

Những đứa trẻ không cần biết cô người mẫu A có “đi khách” hay không, cũng chẳng cần biết cô ca sĩ B có bơm ngực hay không, càng chẳng cần quan tâm anh diễn viên C có gay hay không. Những đứa trẻ cần bố mẹ nó là người tốt, cần được bố mẹ chúng dạy cho chúng cách đối mặt với những cạm bẫy và cách bày tỏ thái độ với những thói hư tật xấu. Liệu chúng ta có ở bên cạnh và che mắt con trẻ khỏi những điều không tốt cả đời không?

Có vẻ như cuộc sống hiện đại với đủ thứ thông tin tiêu cực dồn dập đập vào mắt mỗi ngày, chúng ta dần quên mất đi cội nguồn của chúng ta là một dân tộc anh hùng. Chúng ta bắt đầu sợ những điều vô lý nhất. Chúng ta chột dạ, băn khoăn, rồi hùa theo những tin đồn. Hết những tin đồn về giá gạo, đẩy giá lên cao chót vót hồi 2009, đến những tin đồn về chất lượng vắc-xin những năm 2014-2015 khiến dịch bệnh bùng phát, rồi tới những nỗi sợ thực phẩm bẩn, sợ cảnh sát giao thông, rồi chúng ta sợ luôn cả y, bác sĩ, người mẫu, sợ hòn đá, sợ cái cây, sợ cả những thứ mông lung và sợ luôn cả việc nhìn thẳng, nói thật. Chúng ta đang sợ tất cả, và sợ luôn chính bản thân mình. Chúng ta không thể có một xã hội văn minh, một tương lai tươi sáng nếu vẫn mang trong mình những nỗi sợ “âm tính.

Hãy suy nghĩ tích cực, hãy tin tưởng vào khoa học, vào lương tri, vào những gì duy lý nhất. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thoát khỏi những nỗi sợ hãi mông lung đã bao trùm lên đời sống xã hội bấy lâu nay.

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Đạt

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/toi-viet/nhung-noi-so-am-tinh-690785.html