Những nơi không thể bỏ qua khi đi du lịch Ấn Độ

Khi đi du lịch Ấn Độ, bạn đừng bỏ lỡ những địa điểm và trải nghiệm dưới đây.

Khám phá Taj Mahal - Ngôi đền của tình yêu bất diệt

Đền Taj Mahal tọa lạc ở thành phố Agra bang Utar Pradesh, phía bắc Ấn Độ. Ngôi đền được xây bằng đá trắng trên một không gian rộng lớn, hài hòa làm tôn lên vẻ đẹp diễm lệ, thanh khiết của nó. Với kiến trúc Ấn – Hồi đặc trưng, Taj Mahal lung linh trên trời xanh như một viên ngọc quý làm ngây ngất bất cứ ai có dịp được chiêm ngưỡng.

Lịch sử xây dựng Taj Mahal gắn liền với câu chuyện về tình yêu bất diệt của hoàng đế Shah Jahan (lên ngôi năm 1627) với người vợ yêu quý là hoàng hậu Mumtaz Mahah. Bà không may qua đời ở tuổi 39 sau khi sinh người con thứ 14 của họ (1631).

Nhiều cẩm nang hướng dẫn du lịch viết rằng, cái chết của hoàng hậu Mumtaz khiến hoàng đế đau buồn vô hạn. Chỉ sau một đêm tóc của ông trở nên bạc trắng. Trước khi nhắm mắt, hoàng hậu Mumtaz đề nghị đề nghị hoàng đế xây cho mình một lăng mộ để kỷ niệm tình yêu của họ. Ngay sau đó, vì tình yêu dành cho hoàng hậu, hoàng đế Shah Jahan đã tự mình theo dõi việc xây dựng Taj Mahal trong 16 năm (1632 – 1648) để có được một món quà tặng cho người vợ quá cố.

Taj Mahal được xây bằng đá cẩm thạch trắng và nhiều loại đá quý được mang về từ nhiều nơi trên thế giới.

Chính vì thế, màu sắc ngôi đền biến đổi kỳ ảo trong ngày nhờ sự biến màu của các loại đá quý theo những thời điểm khác nhau.

Quần thể kiến trúc này bao gồm 5 hạng mục: cổng chính, vườn cây, nhà thờ Hồi giáo, khu nghỉ và lăng mộ chính.

Các công trình phụ xung quanh Taj Mahal cùng vườn cây hoàn thành khoảng 5 năm sau đó tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa, làm tôn thêm vẻ đẹp tráng lệ của công trình chính.

Công trình tuyệt tác Taj Mahal – món quà của tình yêu và là biểu tượng của Ấn Độ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1983.

New Delhi: Khám phá đền Narayan Laxmi

Đền Narayan Laxmi, còn được gọi là Birla Mandir, là một trong những ngôi đền lớn của New Delhi và một điểm thu hút du lịch lớn của Ấn Độ. Đền Lakshmi Narayan do một gia tộc phú thương tên Birla xây vào năm 1938 nên thường mang tên đền Birla. Tata và Birla là hai gia tộc rất giàu có và thế lực nhất ở Ấn Độ từ cả trăm năm nay, họ chuyên buôn bán vải vóc tơ lụa.

New Delhi: Khám phá di tích tòa tháp Qutab Minar

Bất cứ du khách nước ngoài nào tới thăm Ấn Độ cũng không thể bỏ qua được tháp Qutab Minar và quần thể di tích Hồi giáo xung quanh tòa tháp cao nhất thế giới này.

Bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 1193, tháp Qutab Minar được xây hoàn toàn bằng gạch và đá cẩm thạch với chiều cao lên tới 72,5 mét và toàn bộ phần đế được khắc các đoạn trích trong Kinh Coran.

Tuy nhiên, điều tạo nên tên tuổi Qutab Minar là truyền thuyết về sự huyền bí liên quan đến tòa tháp này. Để hoàn thành công trình Hồi giáo cổ đại nhất tại Delhi này, người ta đã phải đem gạch và đá cẩm thạch lấy được từ 27 ngôi đền của người Hindu và quá trình xây dựng tháp Qutab Minar kéo dài 175 năm, qua 3 đời thị trưởng Hồi giáo của thành phố.

Ngay dưới chân tháp, người ta cũng đã xây dựng nhà thờ Hồi giáo Quwwat-ul-Islam và xung quanh đó là mộ của một số vị vua Hồi giáo và nhiều di tích về một thời hưng thịnh của đế chế Hồi giáo tại Ấn Độ, theo báo Tin tức.

Jodhpur: Góc phố xanh Blue City

Người dân Ấn Độ hình dung đất nước họ như 1 nàng tiên cá xinh đẹp có mái tóc bạch kim dài tung bay trong mây trời Himalaya và có cái đuôi cá vẫy vùng trong Ấn Độ Dương xanh thẳm.

Mùa nắng bắt đầu từ tháng 4 nhiệt độ có khi lên cao đến 45 độ C làm cho đất đai khô cằn, nhịp sống con người như bị trì trệ bởi cái nóng khủng khiếp, người dân cũng khó có thể ăn ngon ngủ yên hay lao động dưới cái khí trời oi bức khủng khiếp đến như vậy.

Khô hạn vậy, nhưng ít ai biết được ở Jodhpur (Ấn Độ) có một khu "phố xanh", ở đó là cả một không gian đầy màu sắc, âm thanh và mùi vị. Đó là khu chợ Sardar, trung tâm sinh hoạt của phố cổ.

Đa phần những ngôi nhà này đều được quét vôi cùng một màu xanh da trời dịu mắt. Người ta tin rằng màu xanh có thể giúp xua đuổi muỗi và làm mát nhà, nên dần dần cả những người ngoại đạo cũng làm theo. Kết quả là ngày nay Jodhpur có một màu xanh đặc trưng và thêm một cái tên rất lãng mạn: "Thành phố xanh".

Những khung cửa nhiều màu sắc

Jodhpur: Khám phá pháo đài Mehrangarh

Pháo đài Mehrangarh được xây dựng vào thế kỷ 15, là một trong những kỳ quan nổi tiếng của Ấn Độ ẩn giấu những câu chuyện ly kỳ.
Tọa lạc trên ngọn đồi cao hơn 100m tại thành phố Jodhpur, Ấn Độ, Mehrangarh là một pháo đài kiên cố được bao quanh bởi những lớp tường thành cao 36m và rộng tới 21m. Bên trong bức tường thành sừng sững bất khả xâm phạm là vương quốc của các vị vua Jodha với khu cung điện hoàng gia, tòa án và nhiều ngôi nhà có lối kiến trúc chạm khắc cầu kỳ.

Theo truyền thuyết, vua Rao Jodha - vị vua đầu tiên của vùng đất Jodhpur - khi dời đô về nơi này, đã quyết định xây dựng pháo đài Mehrangarh. Phần móng của pháo đài được ông xây sẵn trước đó và trong một thời gian dài trở thành nơi cư ngụ của chim chóc dưới sự trông coi của ẩn sĩ Cheeria Nathji.

Để xây pháo đài, Jodha quyết định đuổi vị ẩn sĩ đi. Quá tức giận trước hành động của vua Jodha, Nathji buông ra lời nguyền đen tối rằng pháo đài của Jodha sẽ phải hứng chịu thảm họa hạn hán chưa từng có. Để giải trừ lời nguyền, ngoài việc cho xây một tòa nhà và đền thờ gần nơi vị ẩn sĩ từng cư ngụ, vua Jodha nghĩ ra một phương cách tàn nhẫn.

Jodha cho chôn một người đàn ông còn sống tên Rajiya Bambi dưới móng pháo đài, đổi lại là lời hứa sẽ chăm sóc cho gia đình ông ta. Với người đàn ông này, đây là một niềm vinh dự, bởi từ đó trở đi gia đình ông được sống trong sự bảo trợ và ban thưởng hậu hĩnh của vua. Lời nguyền năm xưa dường như đã được hóa giải với lịch sử tồn tại của pháo đài Mehrangarh qua nhiều đời vua trị vì và còn nguyên vẹn cho tới ngày nay, theo Vnexpress.

Để vào trong pháp đài phải đi qua cả thảy 7 cổng thành lớn. Hầu hết cổng thành được xây dựng để kỷ niệm các trận chiến thắng lợi của các vị tướng. Trên bức tường thành, người ta bị thu hút bởi những những dấu ấn bàn tay.

Đây là vết tích đau thương để lại của những phụ nữ hoàng tộc. Chuyện xưa kể rằng khi phu quân qua đời, người phụ nữ sẽ ăn vận lộng lẫy, bước qua cánh cổng dẫn vào cung điện lần cuối và in bàn tay của mình lên bức tường để lại cho hậu thế. Họ bước tới dàn hỏa thiêu và kết liễu cuộc đời bên cạnh người chồng đã chết của mình, mà không hề kêu la hay than khóc. Đó là số phận đáng buồn của phụ nữ Ấn Độ một thời.

Đi qua cổng thành, quang cảnh trong pháo đài khiến du khách choáng ngợp bởi quần thể cung điện nguy nga. Đối diện sân lớn là những cánh cửa dẫn vào các phòng ốc - nơi ở của vua và các bà vợ. Sân trung tâm được bao quanh bởi các cung điện là nơi đặt ngai vàng hình bát giác Darbar Takhat của vua.

Nơi đây còn lưu giữ một bộ sưu tập đồ sộ các nhạc cụ, kiệu khiêng, nhiều đồ nội thất và những bệ pháo vĩ đại dựng trên thành lũy. Pháo đài Mehrangarh được bảo tồn cẩn thận và chỉ mở cửa một số khu vực cho du khách tham quan.

Jaipur: Khám phá cung điện Amber

Được xây dựng năm 1592, cung điện Amber là nơi các vị tiểu vương dòng dõi Singh cùng gia quyến sinh sống, cho đến năm 1727.

Còn nhiều tuổi hơn cả Taj Mahal, Pháo đài Đỏ… nhưng có lẽ vì nằm trong miền đất khô ráo, không xa lắm sa mạc Đại Ấn (sa mạc Thar) nên pháo đài và những kiến trúc cổ của Amber vẫn còn trong tình trạng khá tốt. Gần nửa thiên niên kỷ trôi qua, mấy trăm năm bị bỏ mặc, nhưng lâu đài xưa, cung điện cũ giờ vẫn rạng rỡ.

Jaipur: Bình minh trên hồ Man Sagar

Jal Mahal là một công trình 5 tầng gây nhiều tò mò vì kiến trúc độc đáo với một tầng trên cùng nổi trên mặt hồ, còn 4 tầng dưới gần như ngập hẳn khi hồ đầy nước.

Kiến trúc của Jal Mahal pha trộn giữa phong cách Hindu, Hồi giáo và Ba Tư. Những hành lang và hội trường được trang trí bằng nhiều bức tranh đẹp. Trên sân thượng của cung điện là một khu vườn treo hình chữ nhật tên Chhatri với lối đi có mái che. Ở mỗi góc lâu đời đều đặt tháp hình bán bát giác với mái vòm thanh lịch.

Hồ nhân tạo Man Sagar bao quanh cung điện ra đời vào năm 1610 dưới thời cai trị của Raja Man Singh nhằm đối phó với nạn đói và thiếu nước nghiêm trọng ở bang vào cuối thế kỷ 17. Trong nhiều thập kỷ, hồ trữ nước này cung cấp nước uống và tưới tiêu cho cư dân trong vùng. Đây cũng là ngôi nhà của nhiều loài chim.

Đến thế kỷ 20, hồ Man Sagar trở thành nơi xả nước thải chưa qua xử lý và các chất thải công nghiệp khác. Năm 2004, một công ty tư nhân nhận trách nhiệm nạo vét lòng hồ và tôn tạo cung điện, giúp cải thiện chất lượng nước và thu hút đàn chim trở về.

Ảnh: Facebooker Nguyễn Tiến Hùng

Linh Phương

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/du-lich-an-do-nhung-noi-khong-the-bo-qua-khi-du-lich-an-do-d117795.html