Những nhánh dâu xanh in hình mộ gió

Những ngư dân can trường của biết bao thế hệ dẫu biết hiểm nguy luôn rình rập nơi biển khơi, vị mặn mòi của biển là một phần của máu thịt không thể cách xa, con sóng vỗ ầm ào là một phần của hy vọng lấp lánh.

Hơn 300 năm đã qua đi, người dân huyện đảo Lý Sơn - vùng đất tiền tiêu phên giậu của Tổ quốc Việt Nam anh hùng - vẫn không thể nào quên được những ngày tháng oai hùng của Hải đội Hoàn Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa đã giong thuyền, cưỡi sóng vượt biển khơi muôn trùng xây khát vọng lớn, gìn giữ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao người đã vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ Hoàng Sa thiêng liêng và để lại nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi cho người ở lại với những nấm mồ, ngôi mộ gió không tên, không người…

Miền Trung mình nhiều lắm những nhọc nhằn nơi sóng gió. Có nơi nào mà những cửa biển, những cửa sông lại nhiều mộ đến thế?! Những ngôi mộ chẳng hề có chút xương tàn của con người gửi lại, cứ hắt hiu với gió của nghìn trùng khơi xa. Chiều trên triền thới lới, nghe tiếng vọng của biển trong gió lồng lộng bên những ngôi mộ gió hoang hoải, thấy người xứ biển vẫn còn bao kiên cường.

Những ngôi mộ gió trên đất đảo.

Dọc dài trên dải đất miền Trung oằn mình vì nắng rát bỏng, vì gió gọi gào, vì những cơn bão biển dập dồi sóng dữ, đâu đâu cũng thấy những ngôi mộ gió nằm im lìm như thao thiết với đại dương. Ở đó, nơi những người đi biển mãi mãi không về, nén lại trong hoang hoải cát, nắng là những ánh mắt mòn mỏi đợi trông của biết bao người. Những chiều khi mặt trời chưa kịp tắt nắng, bóng dáng những người đàn bà làng biển lại dắt díu nhau ra mong ngóng, cứ đổ liêu xiêu trên mặt cát, hay đứng yên lặng dưới những hàng dương hướng miệt mài về phía biển, đợi trông và vô vọng. Con sóng cứ ào lên bạc đầu mãi như mái tóc của bao người thiếu phụ mất chồng trong những chuyến ra khơi. Và ở đó, những đứa trẻ lớn lên với sự mặn mòi và khắc khổ của biển cả. Đã bao lần đưa tiễn người đi, rồi lặng lẽ đón những tin buồn và sắp thành hàng dài những ngôi mộ không cốt không xương, chỉ có những hình nhân bằng giấy, bằng rơm rạ thay người còn đang lưng chìm giữa biển xa.

Những căn lều xiêu vẹo nghiêng đổ sau mỗi trận bão chẳng còn có những bàn tay người chăm chút lại, cứ nghiêng dần, nghiêng dần như những mải miết triền sóng xa xăm. Ở đó có biết bao nàng Tô Thị đứng đợi dù biết rằng sẽ chẳng bao giờ gặp lại được người đi. Thương lắm mỗi mùa bão về, thuyền không kịp kiếm tìm nơi trú bão, và cứ thế những ngôi mộ gió lại nhiều thêm, nhiều thêm nữa… để rồi có ai mà không xúc động khi nghe chuyện một cô bé đã đi dọc biển tìm cha sau một chuyến ra khơi gặp bão không về?! Và bây giờ cô con gái ấy sẽ mãi mãi không bao giờ được thấy người cha của mình nữa, bởi người cha ấy cùng những bạn thuyền vĩnh viễn nằm lại với trời nước xa xăm. Liệu còn có bao cô bé im lặng kiếm tìm người thân mình như thế nữa đây?!

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được xây dựng nhằm tôn vinh những đóng góp của những Hùng binh Hoàng Sa năm xưa

Những ngư dân can trường của biết bao thế hệ đã qua đi từ ngàn xưa dẫu biết hiểm nguy luôn rình rập nơi biển khơi, có lẽ với họ vị mặn mòi của biển là một phần của máu thịt không thể cách xa, và những con sóng vỗ ầm ào nơi mạn thuyền là một phần của bao hy vọng lấp lánh. Rồi thế nên dù nhiều thế hệ đã vĩnh viễn nằm lại với đại dương nhưng người dân vẫn một lòng hướng ra ngoài biển thẳm.

“Này em ơi lớp lớp tiền nhân

chân đất áo chàm thanh tre manh chiếu

lạy mái tranh nghèo cha già mẹ yếu

xé vạt dùng dằng vợ dại con thơ

một đi khuất sóng không về

một đi nước mắt đầm đìa

không quay nhìn lại

bảy nhánh dâu xanh hình nhân mộ gió

quê nhà hương khói

đìu hiu …

(Lời Sóng - thơ Nguyễn Đức Dũng)

Những ngôi mộ gió với biết bao nhiêu hình nhân thế mạng được nặn bằng đất sét, bông gòn và cây dâu để thay thế hình hài người đã nằm lại dưới lòng đại dương. Trong hàng trăm nghìn ngôi mộ không hài cốt ấy, có nhiều lắm những ngôi mộ không có cả một tấm bia khắc ghi tên tuổi. Đó là minh chứng cho những nỗi đau, mất mát của người còn sống và của cả những linh hồn đang còn phiêu dạt nơi nào đó trên vùng biển ngoài kia.

Miền Trung mình nghèo lắm, mỗi chuyến ra khơi chỉ mong tìm luồng cá để bớt đi những cực nhọc đời thường. Nhưng giữa biển cả bao la kia có vô vàn những hiểm nguy rình rập, con người thì bé nhỏ, làm sao chống chọi lại với những cơn giận của biển khơi. Những làng chài ven biển cũng đầy khốn khó, vật lộn với biển cả trong cuộc mưu sinh. Không biết những linh hồn còn đang phiêu dạt nơi ngoài khơi xa lắc có hiểu được những người đang hướng đợi, có biết đường tìm về với làng quê xóm cũ giữa mịt mù khói sương, để những ngôi mộ gió ở quê nhà không còn trống trải. Chỉ mong đừng nhiều thêm nữa những ngôi mộ gió nơi đây…

Hằng năm, vào ngày 16/3 âm lịch, nhân dân trên đảo lại long trọng tổ chức Lễ Khao Lề Thế Lính Hoàng Sa nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao những người lính Hoàng Sa năm xưa đã anh dũng hy sinh và mãi mãi nằm lại với biển cả, nhân dân trên khắp huyện đảo đã đắp nên các nấm mộ gió và lập đền “Âm Linh Tự và Mộ lính đội Hoàng Sa” là nơi phối thờ các chiến sĩ và binh phu Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, là “nhân chứng sống”, là cứ liệu lịch sử quan trọng chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. So với các lễ hội khác của ngư dân miền biển miền Trung, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ dừng lại ở giá trị tín ngưỡng tâm linh mà trên hết là dịp để người con của xứ sở bày tỏ lòng thành với mẹ biển Đông. Sự cuốn hút kì lạ của lễ hội phải chỉ những nghi thức, nghi lễ, tập quán, những hội chơi dân gian mà là ý nghĩa và giá trị cộng đồng sâu sắc.

Hằng năm, vào ngày 16/3 âm lịch, nhân dân trên đảo lại long trọng tổ chức Lễ Khao Lề Thế Lính Hoàng Sa nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã hy sinh vì Tổ quốc. Lễ hội đã thu hút hàng ngàn lượt du khách về tham quan.

Mỗi chuyến giong thuyền ra khơi để hoàn thành sứ mệnh bảo vệ bờ cõi thiêng liêng trong từng “tấc đất tất vàng” của Tổ quốc, những hùng binh năm xưa đã ký thác tâm niệm, kỳ vọng, ý chí và cả ý thức trách nhiệm của người con “đất Lạc cháu Hùng” với quê hương xứ sở. Nhiều người xem Hoàng Sa thời ấy như “địa ngục trần gian” mà một đi không có ngày về. Nếu “cao su đi dễ khó về” thì “Hoàng Sa một đi không ngày về”. Đặc biệt hơn, trong số binh phu dũng mãnh được tuyển lựa đi lính Hoàng Sa thì hầu hết là thanh niên trai trẻ, chưa có gia đình. Còn những binh phu may mắn có gia đình thì ra đi để lại những “hòn vọng phu” mòn mỏi trên đất đảo.

Tiêu Dao

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/nhung-nhanh-dau-xanh-in-hinh-mo-gio-147883/