Những nhân tố tác động CPI cuối năm 2013

(Tài chính) Cũng như mọi năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng cuối năm 2013 chịu nhiều áp lực truyền thống, như chu kỳ tăng giá cuối năm gắn với các dịp lễ, tết và tổng kết của các đơn vị, tổ chức và xã hội. Hơn nữa, trong năm 2013, áp lực truyền thống này đã xuất hiện sớm trong tháng 7 so với thời điểm cuối quý III hàng năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

CPI những tháng cuối năm còn chịu áp lực gắn với tình hình mưa bão, dịch bệnh phức tạp; đặc biệt là gắn với lộ trình thực hiện giá thị trường như giá điện (điều chỉnh từ ngày 1/8); giá than cho sản xuất điện (đã được điều chỉnh một bước theo lộ trình giá thị trường từ ngày 20/4); giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước (nhóm giá thuốc và dịch vụ y tế đóng góp 32% vào mức tăng CPI chung những tháng đầu năm 2013); giá dịch vụ giáo dục (học phí), dịch vụ văn hóa, nhà ở xã hội.

CPI cuối năm 2013 còn chịu thêm áp lực từ sự mất cân đối thu - chi ngân sách nhà nước các cấp, với mức bội chi trong 8 tháng qua đã lên tới hơn 100.000 tỷ đồng (tính đến ngày 15/8 tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 461 nghìn tỷ đồng, bằng 56,5% dự toán năm; tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/8/2013 ước tính đạt 563 nghìn tỷ đồng, bằng 57,6% dự toán năm); trong khi trái phiếu Chính phủ đang ế hơn so với đầu năm.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang có mức tăng trưởng và tiêu dùng ở dưới mứác tiềm năng; tăng trưởng kinh tế chậm lại (so với thời gian trước và so với các quốc gia khác trong khu vực, tỷ lệ FDI/GDP và cầu tiêu dùng đều giảm) có thể tạo sức ép khiến Việt Nam tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, tạo áp lực lạm phát tiền tệ và cầu kéo.

Tuy nhiên, vẫn còn những nhân tố níu kéo CPI. CPI những tháng cuối năm 2013 tiếp tục được kiểm soát bởi những biện pháp mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ; trong đó có tăng cường kiểm soát đầu tư công và cho vay tín dụng rủi ro; sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong điều hành giá các mặt hàng thiết yếu nhằm không tăng loạt (ví dụ, dịch vụ y tế mới chỉ tăng ở 19 tỉnh, thành phố).

Ngoài ra, CPI cũng đuợc níu kéo bởi giá một số hàng hóa Việt Nam có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn và giá lương thực, thực phẩm có xu hướng giảm; sản xuất kinh doanh trong nước vẫn trong tình trạng khó khăn; sức tiêu thụ hàng hóa diễn ra khá chậm và tiếp tục thắt chặt chi tiêu của ngưòi dân khi thu nhập eo hẹp.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 8 tháng qua tăng 6,90% so với bình quân cùng kỳ năm 2012. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng cao hơn mức tăng chung là: thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,11% (dịch vụ y tế tăng 5,09%); giao thông tăng 1,11%; giáo dục tăng 0,9% (dịch vụ giáo dục tăng 0,86%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,54% (lương thực tăng 0,7%; thực phẩm tăng 0,62%); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,44%; hai nhóm đồ uống và thuốc lá và văn hóa, giải trí và du lịch đều tăng 0,27%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Để kiềm chế CPI không quá một con số, theo chỉ đạo của Chính phủ, các sở, ban, ngành chức năng cần theo dõi sát tình hình giá cả thị trường và diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại địa phương, kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật kiềm chế tốc độ tăng CPI của địa phương; tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, thuế, phí trên địa bàn; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật hoặc tăng giá dây chuyền khi yếu tố hình thành giá không có biến động lớn; đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ phương án, lộ trình thời gian điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đặt hàng giao kế hoạch, hay được mua sắm từ nguồn ngân sách địa phương; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá theo thẩm quyền… bảo đảm hạn chế thấp nhất tác động đến tốc độ tăng CPI năm 2013.

Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ theo các Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02, cùng lúc giảm nhẹ cả ba gánh nặng của năm tài chính, vốn và thể chế nhằm góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn và tiết giảm được chi phí đầu vào, chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm áp lực tăng giá đầu ra, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng có liên quan chống buôn lậu, gian lận thương mại; ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối theo mục tiêu, kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới; đảm bảo cân đối thu chi, thu đúng, thu đủ, ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế và lãng phí; sớm đưa Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đi vào hoạt động, góp phần xử lý nợ xấu, khai thông dòng vốn tín dụng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; quyết liệt xử lý hàng tồn kho; triển khai hiệu quả gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt, cũng như các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và việc làm; triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…

Theo daibieunhandan.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-gia-ca/nhung-nhan-to-tac-dong-cpi-cuoi-nam-2013/31904.tctc