Những nguyên tắc của nền giáo dục tốt nhất thế giới

Phần Lan - quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới – xứng đáng là tấm gương để tất cả các nước khác học tập. Trong đó, giáo dục cấp hai rất được chú trọng bởi đây là nền tảng quan trọng để học sinh phát huy tiềm năng và có những bước tiến xa hơn sau này.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, học sinh Phần Lan đạt được thành tích cao nhất thế giới về mặt tri thức, đọc nhiều nhất thế giới, xếp thứ nhất về lĩnh vực khoa học và thứ năm trong lĩnh vực toán học.

Giáo dục cấp hai ở Phần Lan bao gồm 2 giai đoạn: Alakoulu (từ lớp 1 đến lớp 6) và Yläkoulu (từ lớp 7 đến lớp 9). Lớp 10 tại Phần Lan dành cho những học sinh muốn củng cố kiến thức và cải thiện điểm số.

1. Bình đẳng

- Về trường học: Tất cả các trường tại đây được tài trợ và cung cấp trang thiết bị đồng đều. Hầu hết các trường đều là công lập và một số ít trường bán công. Học sinh được giảng dạy bằng ngoại ngữ như tiếng Anh, Đức, Pháp. Hơn nữa, người Phần Lan luôn cố gắng gìn giữ mọi thứ tiếng trong phạm vi lãnh thổ của họ.

- Về môn học: Việc học lệch không được khuyến khích tại đây.

- Về phụ huynh: Giáo viên không được phép hỏi về địa điểm làm việc và nghề nghiệp của phụ huynh học sinh.

- Về học sinh: Việc phân lớp không phụ thuộc vào thành tích học tập hay nghề nghiệp mà người lớn định hướng cho trẻ. Không có khái niệm học sinh “giỏi” và “kém”. Tất cả học sinh dù có năng khiếu hay gặp hạn chế về trí tuệ hoặc thể chất đều học chung với nhau. Giáo viên đối xử với tất cả các học sinh của mình một cách công bằng và khách quan.

2. Chi phí

Không chỉ được miễn học phí, học sinh Phần Lan cũng không phải đóng các khoản phí sau:

- Tiền ăn trưa

- Phí du lịch, tham quan bảo tàng và tất cả các hoạt động ngoại khóa khác

- Xe buýt đưa đón nếu nhà cách trường trên 2km

- Sách giáo khoa, tài liệu học tập, máy tính, máy tính bảng. Phụ huynh không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào.

3. Tiếp cận cá nhân

Chương trình học được thiết kế để phù hợp với từng học sinh. Giáo trình, các bài tập, hoạt động đều được chọn lựa và phân loại theo bậc học. Trong trường hợp cần thiết, học sinh sẽ được tham gia lớp phụ đạo và gia sư.

4. Tiếp cận thực tiễn

Câu nói mà các nhà làm giáo dục tại Phần Lan luôn tâm niệm là: “Học sinh cần chuẩn bị để bước vào cuộc sống, chứ không phải là những kỳ thi”. Đó cũng chính là lý do vì sao không có các kỳ thi tại Phần Lan. Giáo viên là người quyết định việc có nên thực hiện các bài kiểm tra giữa kỳ hay không. Tuy nhiên, họ sẽ không bắt học sinh ôn luyện trước đó.

Trường học là nơi để lĩnh hội những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Trẻ em Phần Lan được học cách tính thuế cá nhân, tạo trang web quảng cáo, tính phần trăm chiết khấu hay vẽ bản đồ.

5. Lòng tin

Tất cả các mối quan hệ trong trường học được xây dựng dựa trên sự tin tưởng. Hệ thống giáo dục chỉ cung cấp những đề xuất chung và cho phép giáo viên lựa chọn phương pháp thích hợp nhất. Học sinh được phép làm việc riêng trong lớp một cách trật tự nếu không cảm thấy hứng thú với tiết học hoặc đã hoàn thành phần việc của mình. Theo người Phần Lan, các em học sinh sẽ biết lựa chọn những gì tốt nhất cho mình.

6. Sự tự nguyện

Không có việc tiếp thu kiến thức một cách ép buộc. Giáo viên sẽ làm hết sức mình để lôi cuốn học sinh vào các hoạt động học tập, nhưng nếu trẻ không có hứng thú, chúng sẽ được hướng tới các công việc thực tế hơn. Việc học lại một năm cũng không phải là điều đáng xấu hổ nếu đó là điều cần thiết để chuẩn bị cho tương lai.

7. Tính độc lập

Giáo viên giúp học sinh học cách suy nghĩ, phân tích, tiếp thu kiến thức một cách độc lập. Việc tìm kiếm thông tin được thực hiện một cách cởi mở, không phụ thuộc vào các công thức hay mạng internet.

8. Điểm số

Điểm số được cho theo thang 1 – 10. Tuy nhiên, giáo viên Phần Lan không chấm điểm đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Tất cả các trường đều có bảng điện tử với tên gọi “Wilma”, cho phép giáo viên, các nhà hoạt động xã hội, bác sĩ và nhà tâm lý học đưa ra nhận xét và tư vấn cho học sinh. Điểm số chỉ là một trong những phương pháp để động viên và khuyến khích các em.

Bên cạnh đó, khuôn viên trường học tại Phần Lan thường không có rào chắn. Trong lớp học, các em được phép ngồi trên thảm hoặc sàn nhà. Học sinh cũng không phải mặc đồng phục hoặc tuân theo những quy định khắt khe về trang phục.

Người Phần Lan không cho rằng hệ thống giáo dục của họ là hoàn hảo. Họ luôn tìm cách cải tiến và hoàn thiện hệ thống này để tương xứng với sự thay đổi của xã hội và những phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật.

Mai Chi Theo Brightside

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/838080/nhung-nguyen-tac-cua-nen-giao-duc-tot-nhat-the-gioi