Những người trẻ kiến tạo

Để có được một Chính phủ kiến tạo, luôn cần có những công chức, viên chức năng nổ, mẫn cán, luôn tự tìm tòi, đưa ra những sáng kiến, giải pháp nhằm cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả công việc.

An toàn để sản xuất tốt

“Làm thế nào để anh em công nhân làm việc an toàn?” - Đó là điều anh Trần Công Luận, sinh năm 1985, Trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực (EVN) Sóc Trăng, luôn tự vấn sau mỗi chuyến thực tế tại các công trường lưới điện trên địa bàn tỉnh. Luôn nỗ lực tìm lời giải đáp cho vấn đề chất lượng làm việc chung, cho nên chỉ trong ba năm từ 2013 đến 2015, người cán bộ trẻ này đã đưa ra bốn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao để hợp lý hóa sản xuất, được đơn vị công nhận. Đáng chú ý, từ năm 2013 đến nay, EVN Sóc Trăng đã xóa được tình trạng tai nạn lao động, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trong số những sáng kiến đó, Công Luận tâm đắc nhất giải pháp “Giám sát sinh hoạt an toàn qua hội nghị truyền hình, webcam”. Bởi không chỉ giúp ngăn ngừa tai nạn lao động trong quá trình sản xuất tại đơn vị, trực tiếp cải thiện khả năng giám sát tình hình an toàn lao động sản xuất, sáng kiến này đã tiết kiệm cho EVN Sóc Trăng khoản chi phí 136,5 triệu đồng mỗi năm. “Theo quy định của ngành, vào mỗi buổi sáng sớm, anh em công nhân phải tham gia hoạt động sinh hoạt an toàn. Nhưng các buổi sinh hoạt thường khó giám sát đồng bộ, dẫn tới nguy cơ xảy ra tai nạn đáng tiếc”, anh Luận cho biết. Trăn trở với thực trạng đó, anh đã nghĩ ra giải pháp sử dụng ca-mê-ra giám sát các buổi sinh hoạt an toàn. Với hình thức hội nghị truyền hình trực tuyến, các cấp lãnh đạo đơn vị chỉ cần mở hệ thống là có thể tương tác, trao đổi, bổ sung trực tiếp những vấn đề an toàn lao động theo từng buổi sinh hoạt, giúp các tổ công nhân tránh mắc lỗi, nâng cao hiệu quả công việc.

“Là thợ điện, ai cũng phải sử dụng phiếu công tác và lệnh công tác. Để khớp lệnh, anh em kỹ sư, công nhân thường phải viết họ tên, nội dung công việc hai đến ba lần, rất mất công, phí giấy và tốn thời gian. Một số trường hợp do chữ viết nguệch ngoạc, cẩu thả, khiến cả đội thợ còn rơi vào tình trạng "dở khóc dở cười" vì... không rõ trên phiếu viết gì. Từ đó, tôi nghĩ tới việc sử dụng phần mềm quản lý các loại phiếu đó”, Công Luận chia sẻ thêm. Nghĩ là làm ngay, chỉ hơn một tuần sau, tất cả các loại phiếu công tác, lệnh công tác của EVN Sóc Trăng đều được cập nhật hoàn toàn tự động bằng phần mềm. Người công nhân tham gia thi công chỉ còn phải làm một thao tác duy nhất: ký tên xác nhận.

“Đừng tự đặt mình ngoài cuộc”

Công tác tại Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) với cương vị Phó Trưởng phòng, thạc sĩ Đỗ Thị Thanh Hà cũng sở hữu rất nhiều sáng kiến được áp dụng nhiều năm nay tại đơn vị. Tiêu biểu trong đó có công trình “Thu thập và sử dụng minh chứng phục vụ công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng” được áp dụng từ năm 2013. Giải thích về sáng kiến này, nữ thạc sĩ sinh năm 1984 cho biết: Minh chứng là những trích dẫn, bằng chứng… dùng trong một đề tài nghiên cứu khoa học; có thể là dạng văn bản, tài liệu hoặc âm thanh, hình ảnh. Quản lý khối lượng minh chứng khổng lồ là việc không dễ dàng, bởi chúng nằm rải rác ở nhiều đơn vị trong trường. Tôi đã tự nghiên cứu quy trình thu thập số minh chứng này. Sau khi được thu thập, các minh chứng sẽ được đánh dấu, phân loại cụ thể và số hóa vào hệ thống cơ sở dữ liệu. Sau này, chỉ cần gõ từ khóa vào khung tìm kiếm là có thể tìm được dễ dàng.

Kể lại thì đơn giản, nhưng để sáng kiến đi vào thực tiễn, chị Hà đã phải mày mò, nhiều lúc thức trắng đêm trong gần một năm. Vậy mà, vừa hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu minh chứng, chị lập tức bắt tay vào nghiên cứu tiếp giải pháp “Cải thiện quy trình tiếp nhận và trả lời qua thư điện tử”. Nhờ sự say mê, cần mẫn của chị, giải pháp này đã được hiện thực hóa chỉ sau ba tháng. Từ đây, hàng nghìn lá thư điện tử gửi vào địa chỉ của Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh mỗi ngày được phân loại, chuyển tự động về đúng phòng, ban chuyên môn, thậm chí tới từng chuyên viên chuyên trách. Không chỉ “đúng người đúng việc”, thông tin trong từng lá thư điện tử cũng đều được lưu trữ để tiện việc tra cứu sau này. Từ khi sáng kiến được áp dụng, các chuyên viên không còn phải mất thời gian đi lòng vòng trao đổi thư điện tử, công việc từ đó có thể “chạy thẳng”, chấm dứt hẳn tình trạng đùn đẩy, không rõ ràng.

Nói về nguồn cảm hứng cho những sáng kiến thú vị và hiệu quả nêu trên, Thanh Hà chia sẻ: “Hãy luôn đặt mình là người trong cuộc để làm thật tốt nhiệm vụ được giao. Từ đó, ngọn lửa nhiệt tình mới có thể lan tỏa tới những đồng nghiệp, khiến công việc chung trôi chảy hơn. Cần phấn đấu, học hỏi liên tục. Điều đó sẽ giúp chúng ta luôn có những suy nghĩ tích cực trong công việc”.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31584402-nhung-nguoi-tre-kien-tao.html