Những người trẻ đam mê 'xê dịch'

Khi internet phát triển, muốn ăn gì, chơi ở đâu, chỉ cần cú nhấp chuột là biết hết tất cả, rành rẽ như trong lòng bàn tay. Đây cũng chính là điều kiện lý tưởng để những bạn trẻ đam mê du lịch, thích khám phá các vùng đất mới lạ được thỏa sức tung hoành.

Tất nhiên, trước khi lên đường, yếu tố sức khỏe, tiền bạc, kinh nghiệm… cũng cần được “làm dày” để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

Xách ba lô lên đường

Tuyết Phương, cựu sinh viên của một trường đại học tại Mỹ (hiện ngụ tại quận 2, TPHCM), chia sẻ khi còn là học sinh phổ thông, bạn đã rất thích tự mình lên kế hoạch đi du lịch đó đây. Ban đầu, do chưa rành rẽ nên Phương đem ý định của mình trao đổi với ba mẹ, để được người thân định hướng giúp. Khi đã quen dần, Phương tự lên lịch để đi.

Cô bạn 9X nhớ như in câu chuyện cách đây gần 10 năm, Phương cùng nhóm bạn tự chạy xe máy đi khám phá Cần Giờ. “Thời điểm đó, huyện Cần Giờ chưa phát triển mạnh, đường đi còn gập ghềnh, xấu hơn bây giờ, nhưng chuyến đi rất vui. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là 2 chiếc xe máy trong nhóm bị lủng xăm, phải dắt bộ gần khu vực cầu Dần Xây. May sao gặp được người dân tốt bụng vá ruột xe giúp và không lấy tiền. Chưa kể, chú vá xe còn đưa tụi mình đi tham quan rừng ngập mặn, các vườn cây ăn trái… của một vài hộ dân xung quanh”, Tuyết Phương tâm sự.

Hiện tại, song song với công việc tại một tổ chức phi chính phủ, Tuyết Phương còn làm blogger tư vấn kinh nghiệm du lịch và dành thời gian rảnh cho các chuyến du lịch đó đây.

Một tour du lịch khám phá ở huyện Cần Giờ, TPHCM

Một tour du lịch khám phá ở huyện Cần Giờ, TPHCM

Cùng chung đam mê, Huỳnh Thụy Anh, nhân viên một tập đoàn lớn của Singapore có trụ sở tại quận 1, lại chọn cách gắn các chuyến du lịch với hoạt động thiện nguyện (trong nước). Bởi theo Thụy Anh, vừa khám phá vùng đất mới, vừa san sẻ phần nào đó gánh nặng mưu sinh với bà con địa phương là điều rất tuyệt.

Anh Tô Quang Thuấn, một người thích tham gia các chuyến du lịch bụi, cho rằng du lịch khám phá không phân biệt tuổi tác, màu da, sắc tộc, nhưng nhất định phải có sức khỏe, sự kiên trì, độ bền bỉ, dẻo dai. Du lịch bụi giúp mỗi người tích lũy kinh nghiệm sống, thêm vốn sống để biết yêu và trân trọng hơn nơi mình từng ghé qua. Tùy thuộc từng cấp độ lựa chọn (nơi vùng quê thanh bình hay leo núi, vượt thác mạo hiểm…), người đi cần chuẩn bị sẵn lịch trình cho mình.

“Nên tham khảo thông tin về những vụ tai nạn dẫn đến mất mạng bởi nguyên nhân người trong cuộc liều lĩnh khi đi du lịch bụi, để cẩn thận phòng ngừa. Cần đọc thêm sách, tìm hiểu về vùng đất mình sẽ đến, trau dồi vốn ngoại ngữ, trang bị các vật dụng cá nhân… Sự kỹ lưỡng, chỉn chu thì không bao giờ thừa”, anh Tô Quang Thuấn nói.

Theo đuổi đam mê, nhưng cần có điểm dừng

Nhìn vào lịch trình “xê dịch” dày đặc của Ngô Văn Phương (25 tuổi, nhân viên một công ty bất động sản ở đường Võ Thị Sáu, quận 3), hầu hết mọi người đều rất… choáng. Tháng trước, anh chàng cùng bạn bè vi vu ở “Con đường tơ lụa - Thảo nguyên Tân Cương (Trung Quốc)” xinh đẹp, tháng sau đã thấy Văn Phương có mặt ở Mèo Vạc (Hà Giang, Việt Nam). Anh chàng còn không quên hướng dẫn, từ Mèo Vạc qua Sín Cái đến với Sơn Vĩ - đó là nơi tuyệt đẹp có những làn sương khói mỏng tang bao phủ núi rừng, phong cảnh hữu tình huyền ảo như thực như mơ. Khi được hỏi, làm sao để có đủ chi phí cho những chuyến đi dày đặc và tốn kém, Văn Phương cười tươi tiết lộ: “Mỗi năm tích lũy khoảng vài chục triệu đồng. Cứ vài năm đi làm, mình sẽ dành vài tháng đi chơi. Tuổi trẻ mà, tung tăng bay nhảy cho thỏa thích, rồi vài năm nữa sẽ phải nghiêm chỉnh chăm lo cho tương lai”.

Thực tế khi công nghệ đóng vai trò tích cực, các giao dịch trực tuyến, thông tin qua mạng rộng mở hơn, mỗi người đều có cơ hội “xách ba lô lên và đi” để tìm hiểu cuộc sống. Ngoài ra, nếu còn đắn đo, du khách có thể chủ động gọi điện thoại nhờ các công ty du lịch tư vấn miễn phí. Mọi thắc mắc đều có thể được giải đáp cặn kẽ, cũng như nhận được những lời khuyến cáo chân thành cho các chuyến đi.

Đi chơi, được tự do giao lưu với người dân bản địa ở các vùng đất mới là điều thú vị. Tuy nhiên, các bạn trẻ phải biết cách cân đối thời gian cũng như sức lực dành cho niềm đam mê và công việc. Từng là phượt thủ du lịch, nay là giám đốc kinh doanh của một công ty lữ hành tại TPHCM, anh Thanh Bá cho rằng, thật khó để thiết lập sự tin tưởng giữa sếp và nhân viên nếu nhân viên đó suốt ngày xin nghỉ phép để… đi du lịch. Do vậy, vị giám đốc này khuyến cáo, mọi thứ đều có điểm dừng. Tuổi trẻ cũng vậy. “Bạn có thể chọn làm cộng tác viên ở một công ty nào đó để thỏa mãn đam mê xê dịch, nhưng phải khoanh vùng thời hạn cho mình”, anh Thanh Bá gợi ý.

Theo anh Nguyễn Tùng Lâm, làm công tác điều hành tại Trippy.vn (một website của những người thích đi du lịch), đồng thời là một blogger, nhận định xu hướng giới trẻ đi du lịch tự túc theo hướng trải nghiệm, khám phá ngày càng nhiều. Thậm chí còn trở thành một trào lưu, thịnh hành ở các nước phát triển và đang lan rộng tới các bạn trẻ Việt Nam.

LAN ANH - GIA HÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhung-nguoi-tre-dam-me-xe-dich-460826.html