Những người thầy 'luyện vàng' nơi phố núi

GD&TĐ - Họ là những cán bộ, giáo viên Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT tỉnh Thái Nguyên. Họ cùng lúc mang trên vai trách nhiệm của người thầy, người thợ và như cha, mẹ của học trò.

Họ lặng lẽ dưỡng dục, đào tạo cho xã hội những tài năng về TDTT. Vì lẽ ấy họ được người hâm mộ gọi bằng cái tên thân thiện - những người luyện vàng

“Đãi cát tìm vàng”

Thông minh, có tố chất thể thao, đây là điều kiện đầu tiên để trở thành học sinh của Trường. Thầy giáo Phạm Văn Phong, Hiệu trưởng nhà trường bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Qua các phòng tập, sân tập, chúng tôi được chứng kiến một không khí tập luyện hăng say, thầy - trò cùng mướt mát mồ hôi để chuẩn bị cho ngày đăng đài tại các mùa giải.

Thiếu đài tập, thảm tập và dụng cụ tập luyện, nhưng từ “lò luyện” có thể nói là khắc khổ này vẫn hun đúc lên những ý chí thể thao kiên cường, thượng võ minh chứng là số huy chương học trò giành được hằng năm.

Theo số liệu thống kê của Trường: Trong 5 năm gần đây, học trò của Trường đã giành được hơn 700 tấm huy chương các loại; gần 100 học sinh đạt Vận động viên cấp I quốc gia.

Riêng năm học 2015 - 2016, Trường có 161 học sinh hệ nội trú, 40 học sinh hệ nghiệp dư; Tham gia 17 giải thi đấu thể thao toàn quốc và quốc tế, học sinh của Trường đạt 148 huy chương các loại, 4 Cờ thưởng; 29 học sinh đạt Vận động viên cấp I quốc gia; 2 học sinh đạt Vận động viên cấp kiện tướng; 19 học sinh được chuyển lên đội tuyển tỉnh; 2 học sinh được chuyển lên đội tuyển quốc gia.

Không giống các trường học văn hóa, cán bộ, giáo viên của Trường phải lặn lội về các địa phương tìm học trò, rồi vận động phụ huynh đồng ý cho con về Trường học nội trú.

Giống như việc “đãi cát tìm vàng”, thầy Dương Nghĩa Sỹ kể: Năm 2004, tôi được giao nhiệm vụ tuyển chọn 5 vận động viên môn Wushu tán thủ.

Để có học trò, tôi đã đi gần khắp các xã trong tỉnh để tìm “hạt giống”. Lần lên bản Na Hấu (xã Nghinh Tường, Võ Nhai), đường trơn, cả người và xe máy bị rơi xuống khe núi.

Các bác làm nương gần đó chạy lại, kéo lên, bảo: “Nếu không mắc lại đám dây rừng, chắc cả xe lẫn người nát nhừ rồi”. Nhiều lần khác gặp mưa, người ướt sượt, bụng đói, về đến nhà lúc không giờ (12 giờ đêm). Sau này chúng tôi đã lựa chọn được 5 vận động viên từ gần 200 học sinh dự tuyển.

Cái chất của người làm thể thao là thế, cứ mộc mạc, không tô vẽ. Thầy Phan Thanh Định, giáo viên bộ môn Vật nữ kể: Nhiều khi chạnh lòng vì phụ huynh đến Trường đòi con.

Có phụ huynh chẳng ngần ngại, mắng con ngay trước mặt thầy: Đàn bà con gái, vật với vã gì? Về đi con… Có lúc rớt nước mắt. Còn thầy Nguyễn Tiến Dũng (Bộ môn Karatedo) nói trong suy tư: Lắm lúc thấy “vàng mười” rồi, nhưng phụ huynh không muốn xa con; muốn con ở nhà học văn hóa.

Điển hình như trường hợp của các học sinh: Nguyễn Quốc Khánh (Định Hóa); Ngũ Thiện Hoàng Long (TP Thái Nguyên); Dương Thị Hồng Hạnh (Đồng Hỷ)…

Thầy trò phải quyết tâm lắm mới tụ được các em về. Chỉ sau gần 1 năm tập luyện, các em Khánh, Long, Hạnh và nhiều học trò ở các bộ môn khác đã thể hiện được tài năng của mình, giành huy chương tại các giải thi đấu quốc gia và khu vực.

Vai mang 3 chữ: Cha, thầy, thợ

Trong làng thể thao Thái Nguyên, nhiều người còn nhớ câu chuyện cảm động của thầy Sỹ dành cho học trò nhỏ của mình: Em Đỗ Thị Thúy, học sinh lớp 10.

Để năng khiếu của Thúy trở thành tài năng thực thụ, thầy Sỹ gửi em về Cung Thể thao Quần ngựa (Hà Nội) tập luyện môn Wushu tán thủ. Nhưng Thúy đi hôm trước, hôm sau mẹ ở quê đến đòi con.

Bà nói trong nước mắt: Vợ chồng tôi có 5 người con, bố cháu mất khi Thúy còn rất nhỏ, thầy cho cháu về, sướng khổ có mẹ, có con. Bản thân Thúy cũng nhõng nhẽo khóc đòi về.

Thầy Sỹ nhớ lại: Trong thời gian Thúy học ở Hà Nội, tôi phải liên tục về động viên em. Có ngày 6 lượt đi - về, mệt lả người, nhưng sợ em bỏ cuộc nên phải gắng sức.

Có lúc trên đường về bị ngủ gật, suýt đâm xe máy vào ô tô, đành nằm xuống vệ đường ngủ một giấc rồi đi tiếp. Có lần vừa bưng bát cơm lên ngang miệng, nhận được điện thoại, Thúy vừa nói, vừa khóc: Thầy ơi, cho con về. Khổ mấy con cũng chịu được. Nhìn ra sân khu nhà trọ, tối thui. Thầy Sỹ vội nhờ mấy học trò đến trông nhà giúp để đi gấp về Hà Nội.

Đó là một đêm mưa rét, thấy thầy vượt gần trăm cây số về vì một chút yếu lòng của mình, Thúy thấy mình có lỗi. Từ lần đó, Thúy bớt nhõng nhẽo đòi về, em tập trung cho học và tập.

Còn thầy Sỹ, đêm ấy đội màn trời đầy mưa trở về Thái Nguyên, vì khuya muộn nên không nỡ đánh thức học trò dậy lấy chìa khóa vào nhà, thầy ra bến xe, xin ngủ nhờ nhà trọ vì trong túi không đủ tiền thuê phòng. Trằn trọc cả đêm: Sao cái nghiệp làm thầy của mình cơ cực vậy(?).

“5% là năng khiếu, 95% là mồ hôi”, các thầy giáo ở Trường vẫn nhắc nhở, động viên các em tập trung cho học tập, rèn luyện. Thầy Dũng tâm sự: Trong số học trò của mình, tôi còn nhớ trường hợp em Vũ Thanh Thủy, năm 2004 tham gia Giải Vô địch trẻ toàn quốc tại Hà Tĩnh.

Lần đầu tiên lên đài, không đạt huy chương, Thủy chán nản xin về quê. Nhưng được động viên kịp thời, Thủy trở lại tập luyện hăng hái. Sau đó em đã giành được nhiều thành tích qua các giải thi đấu: HCB Đại hội TDTT toàn quốc năm 2006; HCV Giải Vô địch cúp các CLB năm 2006 - 2007; HCV Giải Vô địch trẻ toàn quốc 2007.

Thời gian trôi đi, những thế hệ học trò đủ trí, dũng theo nhau “bơi ra biển lớn”. Còn lại với mái trường là những người thầy bền bỉ, tiếp tục với tháng ngày đổ mồ hôi luyện nên vàng; để lặng lẽ ngắm học trò cười tươi trong tiếng tung hô của người hâm mộ khi đăng đài chiến thắng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhung-nguoi-thay-luyen-vang-noi-pho-nui-2631400-b.html