Những người phụ nữ trong xóm góa

Những người đàn bà bé nhỏ nơi này chẳng khác gì những rặng phi lao hiên ngang bên bờ biển chắn gió bão. Như chính cuộc đời họ một mình vượt qua bão giông, thay chồng làm điểm tựa vững chắc để cuộc sống của mấy mẹ con họ ngày một ấm hơn.

Những phận người góa bụa

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều người đàn ông trẻ, khỏe ở vùng quê miền biển bỗng nhiên đổ bệnh, sau đó tử vong, thậm chí là chết đột ngột. Sự việc này khiến người dân vô cùng buồn bã. Cả thôn Yên Liệu (xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) có 129 hộ, tới 30 hộ có phụ nữ góa chồng ở độ tuổi từ 30 đến 45. Riêng dẻo đất ở gần trung tâm xã có 13 hộ,, thì 11 hộ là phụ nữ đơn thân.

Những mái nhà lợp ngói ở thôn Yên Liệu đều đóng cửa im ỉm ban ngày vì mọi người phải đi làm. Vừa đặt chân đến đầu thôn, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những người phụ nữ đang gồng mình làm lụng dưới cái nắng chói chang cách khó nhọc. Gương mặt đem nhẻm, mồ hôi ướt đầm đìa. Ngày nào cũng vậy, khi lũ trẻ con đi học, thì những người đàn bà ở đây tỏa đi nhiều hướng để làm thuê, giúp việc, chạy chợ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, một trong số “bà góa” sống trong xóm cho biết, chồng chị ra đi quá đột ngột. Từ đấy, người đàn bà dáng khô gầy vẻ khắc khổ, lặng lẽ cứ hướng mắt về phía bàn thờ có di ảnh của chồng. Thời điểm đó, suốt một năm trời chị như kiệt mọi sức lực trước nỗi đau quá lớn đó. Dần về sau, nhờ sự động viên, chia sẻ của bà con lối xóm, anh em họ hàng chị mới gượng dậy cố gắng nuôi mấy đứa con nên người. Không thể kể hết những khổ cực mà mẹ con chị phải trải qua thời điểm đó khi cả gia đình chỉ biết trông chờ vào người đàn ông trụ cột trong gia đình. Thậm chí căn nhà nhỏ để vợ chồng chui ra, chui vào cũng không có khi mỗi độ mưa lũ đến căn nhà lại ngập nước. Chị ngẩn ngơ nói: “Anh ấy bỏ mẹ con tôi góa bụa đến bao năm. Tôi cố gắng thay chồng nuôi 3 con và chăm mẹ chồng già yếu. Nghĩ lại thời gian anh ấy mới mất, tôi nhiều lúc muốn ngã quỵ, không gượng dậy nổi bởi đàn con nheo nhóc quá, nhà chỉ là cái túp lều trú được nắng mà không thể trú mưa…”.

Mấy ngày trước khi mất, anh vẫn đi làm bình thường ở HTX. “Chỉ 4 ngày bị cảm, sốt, gia đình đưa anh đi bệnh viện cấp cứu mà không kịp. Anh ấy đến với cái chết đơn giản, chả có bệnh gì nặng cả” – chị Tuyết kể.

Quả thật, với những người phụ nữ không may mắn này, cuộc sống rất khó khăn.

Rất nhiều chị em khác ở thôn Yên Liệu này cũng đều góa chồng ở tuổi 30, 40. Chồng chị Phượng là anh Thanh cũng bị tai nạn rồi mất cách đây 5 năm, để lại2 con nhỏ khi chị mới ngoài 30 tuổi. Chị Hồ Thị Tân (SN 1973) cũng mất chồng 3 năm nay. Chồng chị đi làm, dẫm vào cái gai, về cứ thế sốt âm ỉ rồi mất. Theo lời người phụ nữ này, chồng chị ra đi quá đột ngột, từ khi phát hiện bệnh đến khi chết chỉ trong vòng 2 tháng. Trước đây, chồng chị rất khỏe mạnh, cả hai vợ chồng suốt ngày lo tìm việc để làm ăn, nuôi sống gia đình. Rồi chồng chị đổ bệnh và đi khám ở nhiều nơi vẫn không khỏi.

Nõi niềm xóm góa

Rất nhiều người đàn ông của thôn này, cứ khi đang độ tuổi trai tráng khỏe nhất, lại bỏ vợ con côi cút để về thế giới bên kia. Sự việc này rộ lên từ 15 năm trở lại đây. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn Yên Liệu vì thế mà năm nào cũng cao nhất xã, lên tới 33 hộ. Hộ nghèo ở thôn tới 52 hộ.

Trong khi những người phụ nữ đang phải gánh chịu nỗi đau mất đi người chồng, người trụ cột trong gia đình thì những tin đồn đó càng khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn nhiều hơn. “Chồng tôi mất chưa được bao lâu, thì tôi nghe người ta bàn tán nguyên nhân liên quan đến ngôi miếu. Lúc đầu tôi cũng có chút hoang mang, suy nghĩ về vấn đền đó. Nhưng sau đó tôi dần hiểu ra, sự việc không như những lời đồn đại của dư luận. Riêng tôi, tôi không tin vào điều đó. Giờ anh đã ra đi, mẹ con tôi chỉ biết hằng ngày nhớ đến anh, thắp nén hương cầu nguyện để anh nơi chín suối được an lòng”, chị Hoa tâm sự.

Những người phụ nữ góa chồng vẫn ở vậy nuôi con.

Có thời điểm, trong 4-5 tháng liền, thôn đều có đám ma, cùng là đàn ông đột tử, khiến bà con hoang mang, lo lắng. Không ai chết vì bệnh hiểm nghèo, không chết vì thiên tai hay đi biển. Bà con lo sợ không lường được bệnh tật, sợ cái chết rình rập bất cứ nhà nào. Chính quyền địa phương cũng báo cáo lên huyện, xã tìm biện pháp động viên, giúp đỡ và trấn an tinh thần cho bà con yên tâm sinh sống, nuôi con.

Có một điều rất lạ ở làng Yên Liệu là hầu hết chị em góa chồng còn rất trẻ, nhưng không ai chịu đi bước nữa, mà ở vậy nuôi con. Chị Tuyết, Chi hội phó Hội PN thôn Yên Liệu chia sẻ: “Chúng tôi cứ động viên nhau, nhìn sang nhau để sống. Thường xuyên cấp Ủy, chính quyền xã, thôn biểu dương những chị đơn thân nuôi con học giỏi, vẫn đi làm thuê kiếm tiền đủ trang trải gia đình và tiền học cho con”.

Ông Trần Văn Mạnh, Bí thư Chi bộ thôn Yên Liệu chia sẻ: Chị em ở địa phương rơi vào hoàn cảnh chồng mất sớm rất đông. Nhờ nhiều dự án cho người nghèo vay vốn, nhà tình thương cũng được đưa về xã, về thôn. Các quỹ khuyến học, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo được quyên góp thường xuyên, cho chị em vay không lấy lãi để dầu tư chăn nuôi, mở cửa hàng tạp hóa nhỏ. Tuy nhiên số hộ nghèo, phụ nữ đơn thân quá đông, hỗ trợ không thể giúp họ hết nghèo trong ngày một ngày hai được.

Những người đàn bà bé nhỏ nơi này chẳng khác gì những rặng phi lao hiên ngang bên bờ biển chắn gió bão. Như chính cuộc đời họ một mình vượt qua bão giông, thay chồng làm điểm tựa vững chắc để cuộc sống của mấy mẹ con họ ngày một ấm hơn.

Phụ Việt - Thanh Bình

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/nhung-nguoi-phu-nu-trong-xom-goa-191948/