Những người lính 'thổi hồn' cho đơn vị

Trong khuôn viên Sư đoàn bộ, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) có rất nhiều chậu hoa, cây cảnh, hòn non bộ, ghế đá thanh niên… đều do khối óc và bàn tay khéo léo của những người lính nơi đây làm ra.

Những người lính công binh Sư đoàn 324 đang láng nền xi măng khối cơ quan, sư đoàn.

Binh nhất Trần Văn Tiến - chiến sỹ Đại đội 1, Tiểu đoàn Công binh 17 - tay trái cầm thước, tay phải cầm ống, túi quần kẹp chiếc bai đang cùng với anh em lấy mặt bằng chuẩn bị láng nền xi măng sân tiền sảnh khối cơ quan Sư đoàn bộ với động tác rất bài bản, chính xác; các đồng chí khác đầm nền, tưới nước, xúc cát, bê xi măng trộn vữa… phối hợp nhịp nhàng.

Cứ nghĩ đây là những người thợ đơn vị thuê nhưng Thượng úy, quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Quang Tiến - quân y Tiểu đoàn Công binh 17, người được giao nhiệm vụ quản lý, chỉ huy - đứng bên bật mí: Đây là các chiến sỹ của đơn vị, hàng ngày họ chỉ quen với học bắn súng, điều lệnh đội ngũ, đào hầm hào, cứu hộ, cứu nạn…

Tuy nhiên, khi đơn vị cần xây dựng các công trình lớn, nhỏ họ đều tham gia, bảo đảm bền, đẹp, có tính nghệ thuật cao. Một số người trước khi vào bộ đội đã biết làm thợ xây nên khi được giao nhiệm vụ người biết nhiều hướng dẫn người biết ít; từ đó họ học tập và giúp đỡ lẫn nhau đến nay nhiều đồng chí trở thành thợ có tay nghề cao.

Càng về trưa nắng thêm gay gắt, khối lượng công việc nhiều, ai cũng cố gắng làm xong kịp tiến độ nên không khí rất khẩn trương. Chỉ thời gian ngắn, hàng chục mét nền xi măng bóng loáng hoàn thành.

Binh nhất Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: “Mỗi công trình, mỗi phần việc ở đơn vị em luôn tâm niệm như làm cho nhà mình, trước hết bảo đảm chất lượng, có tính thẩm mỹ cao. Bên cạnh làm thợ xây, em còn biết làm thợ kép, thợ uốn cây cảnh, đã tranh thủ làm hàng chục chậu hoa, hòn non bộ, ghế đá thanh niên. Đặc biệt, quá trình làm em đã truyền nghề cho nhiều đồng chí có chuyên môn cao”.

Binh nhất Trần Đình Đạt (quê xã Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An) gạt mồ hôi trên má bộc bạch: “Khi đơn vị giao nhiệm vụ xây dựng các công trình thanh niên em lo lắm, vì mình chưa có tay nghề. Ban đầu chỉ làm trộn hồ, bê gạch, xách nước nhưng trong quá trình làm mình học tập từ đồng đội đến nay trở thành thợ chính, các phần việc khó như phào, chỉ, đắp các con linh vật đều thành thạo. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương em tiếp tục làm nghề thợ xây lập nghiệp để xây dựng quê hương”.

Khắp đơn vị là các công trình do bàn tay bộ đội làm nên: những chậu hoa, bồn hoa được chạm trổ rồng, phượng rất công phu, tinh xảo; hòn non bộ có sông, núi trữ tình, cá bơi lội tung tăng; những chiếc bàn, ghế làm bằng xi măng được sơn ve giống như gỗ rất chắc chắn, có tính nghệ thuật cao.

Đến nay không chỉ khuôn viên cơ quan Sư đoàn bộ mà các cơ quan, đơn vị trong toàn Sư đoàn đều có các công trình thanh niên phục vụ bộ đội học tập, sinh hoạt hàng ngày. Bàn tay, khối óc, sức sáng tạo của những người lính trẻ đã làm nên nhiều công trình thanh niên, tạo cho cảnh quan, môi trường đơn vị xanh, sạch, đẹp…

Lê Tường Hiếu

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/nhung-nguoi-linh-thoi-hon-cho-don-vi-d29402.html