Những người lính thợ giỏi làm kinh tế gia đình

ND - Cùng với tổ chức sản xuất phục vụ tốt nhiệm vụ quốc phòng, Đảng ủy, chỉ huy, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể từ Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đến 28 đơn vị cơ sở, quan tâm tạo điều kiện cho gần 9.000 gia đình triển khai các mô hình phát triển kinh tế phù hợp và hiệu quả, góp phần nâng cao một bước cơ bản chất lượng toàn diện cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27 về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) đến năm 2010, sản xuất quốc phòng tăng cả về số lượng và chủng loại. Hầu hết các đơn vị trong Tổng cục CNQP luôn bảo đảm việc làm, thu nhập ngày càng tăng cho cán bộ, công nhân viên. Song, với sự nhạy bén, chịu thương chịu khó, hầu hết các gia đình có quỹ đất vườn đã tích cực chăn nuôi, tăng gia để có thực phẩm sạch, an toàn cho bữa ăn gia đình. Phát huy khả năng tay nghề, nghiệp vụ, bằng nguồn vốn tự có, huy động nhiều nguồn vốn vay, với tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó, làm giàu chính đáng, nhiều cán bộ, công nhân đã đầu tư thiết bị, kỹ thuật, tận dụng những lao động nhàn rỗi để tạo dựng những mô hình phát triển kinh tế gia đình phù hợp, hiệu quả. Từ các mô hình kinh tế, hằng năm có gần 300 gia đình làm kinh tế giỏi, là những tấm gương người tốt, việc tốt được đơn vị tuyên dương. Đó là gia đình chị Trần Thị Lan, công nhân phân xưởng A6, Nhà máy Z11. Mặc dù chồng bị bệnh tâm thần đã nhiều năm, phải nuôi hai con học đại học, cuộc sống gia đình khó khăn, chị vẫn luôn hoàn thành xuất sắc công việc chuyên môn. Được Hội Phụ nữ cho vay vốn, lại khéo léo sắp xếp, chịu khó học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, tận dụng lợi thế địa lý vùng rừng, động viên chồng con cùng tham gia, chị đã nuôi ong lấy mật, hằng năm thu lãi hơn chục triệu đồng. Từ một gia đình đơn vị phải thường xuyên trợ cấp, gia đình chị Lan đã vươn lên ổn định cuộc sống và có phần khá giả. Gia đình anh chị Hà Thị Vân và Nguyễn Văn Hồng, chị là nhân viên kiểm nghiệm, Chi hội trưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ, anh là công nhân phân xưởng sản xuất vật liệu xây dựng, thuộc Nhà máy Z21, anh chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, chị Vân bảy năm liền là chiến sĩ thi đua. Từ năm 1995, tranh thủ ngoài giờ chuyên môn, anh chị nhận lắp ráp một số dụng cụ gia đình như xô, chậu, ròng rọc... đến chào hàng ở các đại lý. Được hỗ trợ thêm vốn từ nhóm hùn vốn không thu lãi, vốn của Hội Phụ nữ, mạnh dạn vay vốn ngân hàng, anh chị mua sắm các thiết bị, tuyển chọn thợ tay nghề cao, mở xưởng cơ khí, đến nay lãi hằng năm hơn 80 triệu đồng. Hai con gái của anh chị chăm ngoan, tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, phụ giúp thêm bố mẹ quản lý xưởng. Gia đình anh Nguyễn Văn Bình, công nhân phân xưởng mạ và chị Nguyễn Thị Nhạ, nhân viên KCS, thuộc Nhà máy Z29. Từ những năm 2000, khi nhà máy gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thu nhập của gia đình thấp và chưa ổn định. Với quyết tâm tạo thêm việc làm, ổn định cuộc sống, anh đã học thêm nghề mộc, chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người có tay nghề. Ban đầu, anh làm thủ công, nhận sửa chữa nhỏ các đồ gia dụng, giường, tủ, cửa. Khi tay nghề vững vàng, anh vay vốn ngân hàng, vốn do xây dựng tổ hùn vốn không thu lãi của đơn vị để mở rộng sản xuất, mua thêm máy móc, thiết bị. Đến nay, xưởng mộc của anh Bình đã tạo việc làm cho một số lao động, đóng được những vật dụng cao cấp và thu lãi từ 30 đến 40 triệu đồng/năm. Anh chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, hằng năm đều đạt danh hiệu lao động giỏi; hai con học giỏi, chăm ngoan. Anh Nguyễn Quốc Thuấn, tổ trưởng tổ hàn, thuộc Nhà máy Z89, luôn gương mẫu đi đầu trong lao động sản xuất, nhiều năm được bầu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua. Do hoàn cảnh vợ không có việc làm ổn định, anh chủ động mở cửa hàng dịch vụ, giúp vợ tìm nguồn hàng, mở rộng tiêu thụ, hằng năm thu lãi từ 30 đến 40 triệu đồng. Hai con của anh chị ngoan ngoãn và là học sinh giỏi nhiều năm liền. Chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân phân xưởng A4, Nhà máy Z27. Chồng nghỉ mất sức, thu nhập chủ yếu vào đồng lương của chị. Để giải quyết khó khăn về kinh tế, được Hội Phụ nữ cho vay vốn, chị đã mở rộng chăn nuôi lợn và xây hầm bi-ô-ga tại gia đình, vừa tăng thêm thu nhập, vừa tiết kiệm chất đốt, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hằng năm thu được hơn mười tấn lợn, lãi từ 50 đến 60 triệu đồng. Mặc dù làm kinh tế gia đình giỏi nhưng chị vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người công nhân. Noi gương người mẹ, các con của chị Hằng luôn phấn đấu học giỏi và đều thi đỗ đại học. Gia đình anh Lê Đình Giới và vợ là Phan Thị Thu - những công nhân tích cực của Nhà máy Z76, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Chị Thu bị mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2004, vay vốn ngân hàng và được sự hỗ trợ vốn của Hội Phụ nữ, anh chị mua máy may công nghiệp, gia công các mặt hàng may của nhà máy. Mặc dù bản thân mang trọng bệnh nhưng chị không nản lòng, vẫn cùng chồng, con lao động, phát triển kinh tế, tạo việc làm thêm cho từ năm đến sáu lao động là người thân trong gia đình, hiệu quả thu được từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Chị Hoàng Thị Hảo, công nhân tiện phân xưởng A4, Nhà máy Z83. Chồng là công nhân cùng nhà máy, do sức khỏe nên đã nghỉ chế độ, thu nhập của gia đình trông vào đồng lương của chị, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chị quyết định xây dựng trang trại nuôi lợn, kết hợp mô hình VAC - trồng rừng và làm bi-ô-ga. Đến năm 2007, chị vay vốn của Hội Phụ nữ được mười triệu đồng, cùng với vốn vay ngân hàng, chị mua giống nuôi lợn thịt, lợn nái và xây dựng chuồng trại, tận dụng chất thải làm bi-ô-ga và mở rộng trồng rừng quế, keo lá tràm... Là công nhân luôn đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chị không quản ngại làm ca, kíp. Các con của anh chị chịu thương, chịu khó, ngoài giờ học phụ giúp thêm việc gia đình và là những học sinh giỏi nhiều năm liền. Chị Lương Thị Nữ, công nhân Nhà máy Z95. Chồng không có việc làm, cả gia đình có một suất lương của chị, vừa nuôi mẹ già ốm đau, vừa lo cho các con nhỏ ăn học. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bàn bạc, chị quyết định vay vốn của Hội Phụ nữ, của người thân, với lợi thế đất vườn rộng, anh chị xây trang trại nuôi lợn nái, trồng thêm cây ăn quả. Không chỉ phát triển chăn nuôi, chị còn thức khuya, dậy sớm làm hàng bán đồ ăn sáng cho công nhân trong đơn vị, tận dụng thức ăn thừa cho chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Hằng năm, thu lãi từ 20 đến 30 triệu đồng. Gia đình chị Lê Thị Liên, ở trong khu tập thể công nhân Công ty xi-măng X18. Tận dụng thức ăn thừa của các gia đình, được Hội Phụ nữ cho vay vốn, chị quyết định xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt. Từ nguồn vốn ban đầu có được do chăn nuôi lợn, chị đã phát triển thêm nuôi gà, vịt và đặc biệt là nuôi nhím, có giá trị kinh tế cao. Cách làm của chị đã mở ra một hướng đi mới cho phát triển kinh tế gia đình ở Công ty xi-măng X18, mỗi năm lãi từ 50 đến 60 triệu đồng. Hiện nay, đã có nhiều gia đình tại đây đầu tư chuồng trại nuôi nhím thịt, không cần diện tích đất rộng, hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ. Gia đình chị Nguyễn Thị Xoa, công nhân phân xưởng mộc, sơn thuộc Công ty Hồng Hà. Chị đã cùng chồng về quê học nghề mộc truyền thống của gia đình. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, anh chị chỉ làm những mặt hàng đơn giản, mẫu mã chưa đẹp, chưa đa dạng, chưa phù hợp thị hiếu, cho nên công việc rất khó khăn, hàng ứ đọng, thua lỗ. Được sự quan tâm vay vốn của các tổ chức công đoàn, phụ nữ và anh em đồng nghiệp, anh chị dần đổi mới cách làm, tìm giải pháp, công nghệ mới để làm ra những sản phẩm đẹp về hình thức, đa dạng mẫu mã, thu hút thêm các thợ giỏi, làm ra các sản phẩm chất lượng cao. Sau năm năm tích lũy kinh nghiệm, anh chị đã có thu nhập từ 50 đến 80 triệu đồng/năm. Hai con trai của anh chị luôn phấn đấu cùng bố mẹ, chăm ngoan học hành, giờ đây đã có công việc ổn định và cùng bố mẹ phát triển thêm nghề truyền thống của gia đình. Tổng cục CNQP đã tổ chức biểu dương, khen thưởng và lập kế hoạch nhân rộng những điển hình lính thợ phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, sử dụng vốn vay đúng mục đích. Duy Phục

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=158404&sub=130&top=37