Những "người hùng" thầm lặng sau giảng đường

Ngoài thầy cô ra thì ở phía sau luôn có những "người hùng" âm thầm hỗ trợ cho đám học trò ngày ngày đến trường.

Và họ chính là những:

Bác lao công thân thiện

Ở bất kì ngôi trường nào chúng ta cũng nhìn thấy hình ảnh cô lao công trong bộ quần áo màu xanh, tay cầm chiếc chổi đảm nhận việc lau dọn, giữ vệ sinh cho trường lớp. Và có lẽ các cô cũng là những người ít tiếp xúc với học trò nhất. Có thì cũng chỉ là những phút đầu giờ hoặc ít phút cuối giờ khi chúng ta ra về. Đây chính là những người đến trường sớm nhất để quét dọn phòng học sạch sẽ, và cũng chính là người về muộn nhất ở trường, chỉ để “giải quyết” bãi chiến trường của lũ học trò nghịch ngợm.

Thùy (18t) nói: “Hình ảnh cô lao công tay cầm chổi, miệng luôn mỉm cười khi gặp lũ học trò khiến mình rất quý mến. Chính vì vậy mà lớp mình các bạn thường bảo nhau không nên vứt rác bừa bãi ra lớp để các cô đỡ vất vả. Có thể các cô, các bác không phải là những người truyền đạt lại kiến thức cho bọn mình, nhưng nếu không nhờ các cô thì chúng mình cũng không có được không gian sạch sẽ, thoáng mát để học tập. Không những vậy, các cô, các bác còn để lại cho chính mình một hình ảnh về sự tận tụy, làm hết mình vì công việc.”

Bác bảo vệ “dữ dằn” nhưng vui tính

Rất nhiều bạn học sinh có kỉ niệm nhớ đời với bác bảo vệ - người mang nhiệm vụ giữ trât tự, nề nếp cho trường học. Bên cạnh đó, bác cũng là người báo hiệu giờ giấc đánh trống tập trung, trống trường vào lớp, ra chơi, rồi thì bảo vệ thiết bị nhà trường, tài sản của giáo viên và học sinh… Như vậy để ta có thể hiểu được công việc của bác quan trọng biết nhường nào. Nhưng bác cũng lại là người “bị” học trò nghĩ là vô cùng “khó tính và dữ”. ư

Nam (17t) say sưa kể về kỉ niệm với bác bảo vệ trường mình: “Mỗi lần lũ con trai bọn mình nghịch ngợm, trốn tiết đi chơi điện tử hay đi học muộn trèo tường vào bị bác bắt gặp, kiểu gì cũng bị bác quát nạt. Cả đám sợ rủ nhau chạy, bác cầm dùi trống chạy theo. Nhưng rồi sau đó bác lại ngồi nói chuyện, khuyên nhủ bọn tớ. Dần dà lại thấy bác thật gần gũi, vui tính và rất thương tụi học trò.”

Và khi đến những ngày lễ tết, kỉ niệm cho các thầy cô và học trò hào hứng trên sân trường, thì bác lại lặng lẽ đứng phía sau lắng nhìn.

Thầy giám thị nghiêm khắc mà tận tụy

Cứ nhắc đến thầy giám thị thì hầu hết bạn nào cũng đều không thích. Các bạn nghĩ ngay đến một người lúc nào cũng mang theo bên mình bộ mặt nghiêm nghị, lạnh lùng như cảnh sát hình sự, tay lăm lăm cầm chiếc thước gỗ to, cắp chiếc cặp sách đen đi lại chỉ để “tóm cổ” những học sinh vi phạm và xử lí, trừ điểm. Có lẽ thầy giám thị là người “không được ưa” nhất ở trường, là người mà mỗi học trò thấy đều “cố tình rẽ đi hướng khác”. Nhưng nếu nhìn lại, bạn sẽ thấy những mặt khác về người thầy ấy.

Nếu không có thầy thì mọi quy định của trường sẽ không được thực hiện và bị phá bỏ. Và có lẽ trường học sẽ không là “trường học” nữa, ngược lại nó sẽ là nơi để lũ học sinh thích đến lúc nào cũng được, muốn bỏ học, trốn tiết lúc nào cũng "ok". Chính nhờ công lao vất vả của thầy mà bao lứa học trò mới đi vào nề nếp, quy củ, mới thực hiện tốt những nội quy của trường, lớp, từ đó hình thành cho mình bao thói quen tốt.

“Với mình thầy giám thị là một tấm gương không chỉ riêng bản thân mà tất cả học sinh trong trường đều nên noi theo. Không chỉ về sự nghiêm túc khi thầy làm nhiệm vụ, mà còn là sự tận tâm vì học trò. Những lúc trong giờ làm việc, thầy giám thị trường mình rất khó tính và nghiêm khắc, nhưng ở ngoài đời thầy lại là một người rất tình cảm. Chính vì vậy mà đã biết bao thế hệ đi qua, Tết đến, hè sang bọn mình đều đến thăm thầy” - Hùng (18t) chia sẻ.

Mỗi người đều có một công việc riêng của mình và tính chất mỗi công việc đều khác nhau. Có việc cần phải ân cần, nhẹ nhàng những lại có những việc yêu cầu và đòi hỏi người làm nó phải khắt khe, nghiêm khắc. Có lẽ đến đây chúng ta không thể phủ nhận được công lao của những "người hùng” thầm lặng phía sau giảng đường.

Nguồn Kênh 14: http://kenh14.vn/hoc-duong/nhung-nguoi-hung-tham-lang-sau-giang-duong-2013021805446628.chn