Những người con xứ Trầm hướng về 1000 năm Thăng Long- Hà Nộ

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội, hẳn ai mang trong mình dòng máu Việt đều hướng về Hà Nội - trái tim của Tổ quốc, hồi hộp mong chờ sự kiện này. Những người con xứ Trầm Hương – Khánh Hòa cũng đang từng ngày, từng giờ hướng về Hà Nội ngàn năm văn hiến. Bằng bàn tay, khối óc, họ đã làm nên những tác phẩm độc đáo gửi về Đại lễ để góp thêm một phần tình cảm của mình, mừng ngày vui dân tộc.

Người thầy mê thơ Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi tìm đến trường THPT Trần Hưng Đạo ( thị xã Cam Ranh) để tìm hiểu về kỳ công sưu tầm và viết cuốn họa thư “Tinh hoa Lục bát” với 110 câu thơ lục bát (mỗi câu được viết trên giấy khổ lớn 80cm x 110cm) gửi về Hà Nội nhân kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long của thầy giáo Đậu Phi Hùng. Là giáo viên dạy môn Văn, tâm hồn thầy Hùng luôn được nuôi dưỡng bằng vần thơ, áng văn nên Đại lễ là một dịp không gì bằng để thầy thể hiện tình yêu quê hương đất nước bằng chính thơ văn. Thầy Hùng bốc bạch: “Đã là người Việt ai chẳng hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long, đó là sự kiện ngàn năm có một. Bản thân tôi tự ý thức mình nên làm “cái gì đó” để góp phần nhỏ bé của mình mừng Đại lễ. Nếu những vần thơ lục bát được góp mặt trong ngày Đại lễ sẽ lần nữa khẳng định vị thế của thể thơ này và khơi dậy lòng tự hào trong mỗi người dân đất Việt về truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc. Chính điều đó đã thôi thúc tôi làm nên bộ thư họa “Tinh hoa Lục bát” này”. Để có được 110 bức thư pháp trên, thầy Hùng đã phải tuyển chọn trong nền tinh hoa thơ lục bát của dân tộc và hì hục mài bút giấy suốt 1 năm qua. Ngoài những giờ lên lớp, soạn bài, thời gian còn lại thầy đều dành hết cho thơ và viết thư pháp. Thầy Hùng tâm sự: “Để kịp cho Đại lễ tôi phải tận dụng hết thời gian rãnh để viết vẽ, số bức không ưng ý cũng nhiều nên phải viết đi viết lại. Lắm lúc mê viết đến độ quên cả đi đón đứa con nhỏ. Lúc ngẩng đầu lên thấy bà xã đã đón con về, tôi cũng biết gãi đầu, cười trừ. May mà bà xã và gia đình đều ủng hộ nên công việc cũng tiến hành thuận lợi”. Những câu thơ mà thầy sưu tầm, tuyển chọn những câu thơ tâm đắc, giàu tình cảm, tình yêu, trăn trở về nhân tình thế thái... trong kho tàng ca dao, tục ngữ hay từ các bậc thầy về thơ lục bát như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Tản Đà, Nguyễn Công Trứ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Bính… tổng cộng gần 100 tác giả . Một số câu thơ tâm đắc có thể kể đến như: “Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” (Truyện Kiều - Nguyễn Du), “Ngàn dâu xanh ngắt một màu. Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai” (Chinh phụ ngâm - Đoàn Thị Điểm), “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già. Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non” (Tản Đà)… Không phụ công thầy Hùng, hiện tập bộ thư họa “Tinh hoa lục bát” đã được đem ra Hà Nội triễn lãm tại ngày Hội thơ Lục bát Canh Dần-2010 (12/9), sau đó tác phẩm này sẽ được Hội thơ Lục bát bàn giao lại cho UBND Hà Nội để triễn lãm trong dịp Đại lễ Ngàn năm Thăng Long sắp tới. “Hoa Lư thi tập” Cùng thể hiện bằng phong cách viết chữ thư pháp, với 121 bài thơ trong tập “Hoa Lư thi tập”, nghệ sĩ Trần Quốc Ẩn (thành phố Nha Trang) người từng biết đến với tác phẩm “Câu đối dài nhất Việt Nam”, lại bày tỏ tấm lòng của người con đất xứ Trần Hương - Khánh Hòa đến những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, theo cách của riêng mình . Cuốn thư pháp “Hoa Lư thi tập” có chiều dài 109cm, rộng 70cm, dày hơn 10cm và nặng đến 54kg . Bìa cuốn sách được làm bằng gỗ gõ đỏ; các cạnh, góc, gáy sách , bản lề được khảm đồng. Viền ngoài cùng của bìa gỗ chạm trổ hoa văn, trên cùng là tên tác giả tập thơ Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh . Tiếp theo là tên tác phẩm “Hoa Lư thi tập”, dòng chữ “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” và logo Khuê Văn Các, người viết Trần Quốc Ẩn nằm dưới cùng . Điểm nhấn của bìa sách chính là vòng tròn được tạo ra bởi 5 con rồng , tượng trưng cho 5 triều đại lớn của chế độ phong kiến ở nước ta là Đinh - Lê - Lý - Trần - Nguyễn , uốn lượn bao quanh hình vẽ cố đô Hoa Lư… Cuốn thư pháp có 270 trang, thể hiện bằng thư pháp chữ Việt với 121 bài thơ về các nhân vật, di tích, sự kiện... liên quan đến cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) . Ngoài ra, còn có các tác phẩm thư họa, tranh thủy mặc được đính kèm theo mỗi bài thơ… Mỗi khi viết các bài thư pháp, gặp các chữ tâm đắc, ông Trần Quốc Ẩn l ại thể hiện một cách đặc biệt nhằm nhấn mạnh nội dung, chủ đề, n hờ vậy khi xem cuốn thư pháp này, người xem sẽ cảm thấy hấp dẫn. Nghệ sĩ Trần Quốc Ẩn tâm sự: “Đời tôi chỉ có một lần duy nhất được chứng kiến Đại lễ Ngàn năm Thăng Long. Đó là cơ hội có một không hai để làm tôi thể hiện tình yêu tổ quốc của người con xứ Trầm hướng về Thăng Long-Hà Nội, sự trân trọng truyền thống văn hóa và niềm tự hào về lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam ”. Thật tình cờ, trong một lần vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, nghệ sĩ Quốc Ẩn bắt gặp bản thảo “Hoa Lư thi tập” của Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận . Như bắt được vàng, trong vòng ba tháng ròng rã, nghệ sĩ Trần Quốc Ẩn đã dồn hết tâm huyết, tình cảm để hoàn thành tác phẩm. Tâm huyết đó còn thể hiện ở việc làm tâm linh là ông cùng vợ đích thân về cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Hà Nội, Huế để xin bậc tiền nhân chứng giám. Đầu tháng 9, cuốn thư pháp “Hoa Lư thi tập” đã được nhà thư pháp Trần Quốc Ẩn hoàn thành. Ông cho biết, trước khi trao cuốn thư pháp “Hoa Lư thi tập” cho UBND thành phố Hà Nội để chuẩn bị triển lãm Đ ại lễ Ngàn năm Thăng Long , ông đã mang cuốn thư pháp đến c ố đô Hoa Lư dâng lên đền thờ vua Đinh, vua Lê để bày tỏ lòng biết ơn của một người con miền Trung đối với những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. “Xứ Trầm Hương” hướng về Ngàn năm Thăng Long Cùng với những hoạt động cá nhân, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Khánh Hòa cũng đem ra Đại lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội bộ ảnh “Khánh Hòa - xứ Trầm Hương” do các nhiếp ảnh gia xứ Trầm thực hiện. Với 65 bức ảnh, kích thước 2m x 1,2m, bộ ảnh sẽ giới thiệu với nhân dân cả nước và du khách quốc tế những thành tựu to lớn, tiêu biểu về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, quốc phòng… mà tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong hơn 20 năm đổi mới. Qua đó, cùng với cả nước tạo dựng hình ảnh tổng quát về nước Việt Nam ổn định về chính trị, phát triển kinh tế, đa dạng trong văn hóa, rộng mở trong hội nhập. Ngoài ra, tại thành phố Nha Trang, vào ngày 31/9, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức một chương trình liên hoan ca múa nhạc với chủ đề hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long để toàn thể nhân dân tiếp tục hưởng ứng, hướng về ngày Đại lễ của dân tộc (10/10/2010)./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=425340&co_id=30071