Những người 'bắt mạch' bầu trời

'Đài quan sát Hàm Rồng xin báo cáo: Tình hình hôm nay bình thường. Quân số đủ. Chế độ trực đang thực hiện nghiêm'.

Một góc của thắng cảnh Hàm Rồng - Ảnh: Trần Hiếu

Các câu ngắn gọn của Đài trưởng - trung úy Trần Đức Trung báo về chỉ huy đơn vị. Những người lính ở nơi thời tiết khắc nghiệt như núi lửa Hàm Rồng, TP.Pleiku và núi Lở ở xã Hà Bầu, H.Đăk Đoa (Gia Lai) là những người “bắt mạch” bầu trời, khi họ đang theo dõi vùng trời Tổ quốc 24/24 giờ.

Phiên gác lạnh thấu xương

Chúng tôi được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đóng ở Gia Lai cho “thâm nhập” thắng cảnh núi Hàm Rồng. Đây cũng là nơi đặt trụ sở chỉ huy của Đài quan sát Hàm Rồng, thuộc Lữ đoàn 234, Quân đoàn 3. Nằm cách TP.Pleiku khoảng chục ki lô mét, Hàm Rồng có hình dáng như chiếc nôi đưa, bao quanh là rừng thông quanh năm mướt xanh. Và từ các tuyến quốc lộ 14, 19, từ hàng chục ki lô mét, khách đã có thể thưởng lãm ngọn núi lửa đã tắt này với sự mê hoặc.

Càng đẹp hơn khi vào độ cuối năm, bao quanh núi là hàng vạn nụ dã quỳ bung hoa, khoe màu vàng sánh mật ong. Mỗi khi có cơn gió lướt qua, cả rừng hoa dại ấy như một tấm thảm dệt vàng đung đưa. Đẹp, cuốn hút là vậy, song không có nhiều người là cư dân TP.Pleiku lẫn Gia Lai có dịp được lên đến đỉnh Hàm Rồng tham quan, vì đây là nơi đóng quân của quân đội.

Các chiến sĩ ở Đài quan sát núi Lở hằng ngày phải đưa từng can nước lên núi

Hàng chục năm qua, Đài quan sát Hàm Rồng hiện diện ở đây với hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ ngày đêm tuần tra, canh gác. Trung úy Trần Đức Trung cho biết: “Nói đơn vị là nhà thật đúng. Những ai có thời gian đóng quân nơi đây chắc chẳng bao giờ quên từng phiên gác lạnh thấu xương mỗi đêm khuya, từng cơn gió khiến da nứt nẻ.

Vậy nên làn da của cán bộ chiến sĩ ở đây sạm màu. Mỗi ngày đơn vị cho người đem thực phẩm lên. Khổ nhất là nước sinh hoạt. Anh em chiến sĩ phải đi bộ hàng ki lô mét để tắm giặt. Mùa mưa còn đỡ vì có bể nước dự trữ. Mùa khô phải có xe chở nước lên núi cao để dùng. Nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh nhau khoảng 15 độ là bình thường”.

Đã 3 năm qua, trung úy Trần Đức Trung chưa một lần về quê nhà Thanh Chương, Nghệ An đón tết cùng gia đình. Tuổi 36, chàng trung úy vẫn đơn thân. “Việc cuốn người. Cơ hội để làm quen cũng ít. Cứ lần nào gọi về nhà các cụ cũng nhắc đi nhắc lại: Khi nào lấy vợ để cho bố mẹ bế cháu đây!” - Trung tâm sự.

Tăng gia sản xuất

Tây nguyên đang chớm mùa khô. Con đường lên đỉnh núi Lở, nơi đặt Đài quan sát núi Lở ở xã Hà Bầu, H.Đăk Đoa (Gia Lai) trơ khốc. Từng tảng đá nặng hàng tấn ken dày như chặn cả lối đi. Ở đây tầng đất mỏng, bên dưới là núi đá nên sự biến động về mùa khá rõ. Nóng thì như thiêu đốt vì nước rút nhanh, tầng nước ngầm lại sâu.

Trung sĩ Lê Thanh Quang, 21 tuổi, quê ở H.Hoài Nhơn (Bình Định) kể: “Tụi em sáng nào cũng phải đi từ đài quan sát xuống tới chân núi kiểm tra tình hình, sẵn quét dọn, kiểm tra mấy bậc tam cấp, thân cây nào hư là phải thay. Sang đầu năm 2018 là em xuất ngũ. Chắc sẽ nhớ nơi này với những anh em cùng đơn vị cùng ăn ở gắn bó với nhau mỗi ngày”.

Nơi đóng quân của Đài quan sát núi Lở lô nhô những đá với đá. Từ đây nhìn về phía nam và đông nam là đô thị sầm uất Pleiku. Phóng tầm mắt về phía tây là rặng núi Chư Đăng Ya tựa như nhát dao rạch ngang bầu trời. Binh nhất Đặng Văn Cảnh quê H.Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) hào hứng: “Ở đây buổi tối nhìn về Pleiku thích lắm anh. Mỗi đêm trăng sáng, trời quang mây tạnh thì đẹp khỏi phải nói! Khó khăn ở đây cũng nhiều nhưng người lính mà, bất cứ gian khó nào cũng phải cố gắng vượt lên để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng em còn tự tăng gia sản xuất như nuôi heo, trồng rau xanh”.

Tốt nghiệp Trường cao đẳng Giao thông vận tải 2, TP.HCM, đi làm được hai năm thì Cảnh có lệnh nhập ngũ. Cảnh nói luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với đất nước rồi sau đó sẽ trở lại TP.HCM tìm việc phù hợp với ngành nghề đã học. Đời lính là một trải nghiệm không thể quên vì có nhiều ký ức đẹp về đồng đội và mảnh đất cao nguyên này.

Ấm áp bên đồng đội

Các chiến sĩ của Đài quan sát núi Lở luôn thực hiện nhiệm vụ 24/24

Những cán bộ chiến sĩ của Đài quan sát Hàm Rồng kể rằng ở đây ngán nhất là thời tiết khắc nghiệt. Cứ mùa mưa đến, độ 4 giờ chiều là mây mù giăng khắp. Sương giăng như một tấm màn trắng phủ quanh núi Hàm Rồng, trườn xuống sườn núi.

Cho đến sáng hôm sau làn sương này đã lan ra cả chục ki lô mét. Nhiều hôm mùa mưa, đến mãi hơn 8 giờ, sương mờ cả phố thị Pleiku và các vùng lân cận. Ai có dịp được thưởng lãm quả là thích song đối với cán bộ chiến sĩ ở đây thì đó là sự buốt giá mà họ phải đối mặt. Nhiệt độ chênh nhau giữa ngày và đêm nhiều lúc lên đến 15 độ cũng là một thử thách không nhỏ.

Binh nhất Võ Sơn, 23 tuổi, quê H.Bắc Trà My (Quảng Nam) kể: “Áo quần ở đây mùa mưa phơi rất khó khô. Sương vào tận trong nhà thì áo quần nào khô được. Nó cứ bốc mùi khó chịu. Anh em ai đến phiên trực gác đều phải mặc áo quần ấm dày và mặc thêm một cái áo mưa nữa để bớt lạnh. Mùa khô thì lông sâu theo gió bay vào người rất ngứa. Ở đây anh em ai cũng bị ngứa, gãi đến phồng rộp cả da”.

Còn ở Đài quan sát núi Lở vào mùa khô cũng quá gian khổ. Từng cơn gió mạnh cứ thông thốc thổi khiến cán bộ chiến sĩ nơi đây ai cũng khô bỏng cả da. Môi nứt nẻ rất khó chịu. Mỗi ngày, các chiến sĩ phải đi khá xa mới đến được điểm lấy nước, gùi từng can nước leo lên núi để dùng. Nước rửa rau xong thì tận dụng tưới cho những luống rau tăng gia.

Những chiến sĩ ở đây thường thay phiên nhau mỗi tiểu đội trực một tháng hoặc vài ba tháng. Nhiều chiến sĩ kể rằng họ chưa một lần về thăm nhà từ lúc nhập ngũ (2016) đến nay. Những ngày tết với họ là nhiệm vụ canh gác thường trực, quan sát vùng trời để kịp thời xử lý những thông tin bất ổn... Dù được cấp trên rất quan tâm động viên tinh thần lẫn vật chất trong những dịp lễ, tết nhưng nỗi nhớ nhà vẫn hiện hữu trong tâm mỗi người.

Trần Hiếu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nhung-nguoi-bat-mach-bau-troi-795143.html