Những nghi lễ kỳ lạ của người Maasai Mara ở châu Phi

Châu Phi, lục địa đen bí ẩn luôn khiến du khách tò mò muốn khám phá không chỉ là thế giới tự nhiên hoang dã mà cả những nghi lễ, tập tục kỳ lạ.

Maasai Mara, một trong những bộ lạc và là nơi thu hút khách du lịch ở Kenya có những tập tục kỳ lạ như thế. Đàn ông của bộ lạc được phép đa thê và những đứa trẻ Maasai Mara, dù là trai hay gái cũng phải trải qua những nghi lễ bắt buộc để đánh dấu sự trưởng thành. Đó là những trải nghiệm khá nghiệt ngã về thể xác lẫn tinh thần.

Trước khi xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt lần đầu tiên. Đứa bé gái của bộ lạc Maasai phải được cắt bì (âm vật). Toàn bộ quá trình phẫu thuật này sẽ được diễn ra tại nhà bằng những chiếc dao khá thô sơ.

Anh Lankas, 28 tuổi, người của bộ lạc Maasai Mara, hiện đang làm lính kiểm lâm tại khu vực biên giới giữa khu bảo tồn Maasai Mara ( thuộc Kenya) và công viên quốc gia Seregeti ( Tanzania), cho biết chính mình cũng đã thực hiện những nghi thức trưởng thành.

Người lính kiểm lâm Lankas 'khoe' hàm răng trắng muốt và kể về tập tục nhổ răng của người Maasai

Tập tục nhổ răng
Trong giai đoạn khoảng 8 - 9 tuổi, những đứa trẻ sẽ được nhổ đi một chiếc răng cửa. Sau đó chiếc răng ấy mọc lại. Và đến khoảng năm 14 tuổi, chiếc răng ấy một lần nữa lại bị nhổ đi. Người lính kiểm lâm vừa kể vừa khoe những chiếc răng trắng muốt thật đẹp và chỉ vào chổ trống của chiếc răng cửa nơi hàm dưới. Vết tích của nghi lễ trưởng thành vẫn còn đấy. Một chiếc răng của anh đã bị dùng dao nhổ đi khi nó vẫn còn trong tình trạng khá tốt.

Tập tục cắt bao qui đầu

Có lẽ đây là một trong những nghi lễ khắc nghiệt nhất. Vào một thời điểm nhất định, tất cả những đứa bé trai trong độ tuổi 14-15 sẽ được tập hợp lại làm nghi lễ trưởng thành. Trong nghi lễ này, đứa bé sẽ được một người chuyên làm công việc này dùng dao cắt bao qui đầu đứa bé mà không hề sử dụng thuốc tê. Một loại lá cây được giã nhuyễn sẽ mang đắp lên vết cắt để cầm máu. Trong quá trình thực hiện nghi thức nhổ răng cũng như cắt bao qui đầu, đứa trẻ phải thể hiện sự can trường. Đứa bé không được la khóc hay giãy giụa. Sau nghi lễ cắt bao qui đầu. Những đứa bé trai sẽ thực hiện tiếp một nghi thức khác. Những đứa trẻ sẽ phải đi vào rừng cùng nhau tự sinh sống trong khoảng 1 tháng mà không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ bất kỳ ai. Có thể nói, đây là giai đoạn rèn luyện cho đứa trẻ tất cả những kỷ năng để sinh tồn trong môi trường hoang dã. Chúng sẽ phải tự tìm kiếm lấy thức ăn, chúng phải qua đêm giữa đại ngàn với muôn loài muỗi mòng cũng như côn trùng và những loài mãnh thú. Những đau đớn của thể xác cũng như những nỗi hiểm nguy, vất vã khi đêm về sẽ là chất liệu để trui rèn thể xác lẫn tinh thần của đứa trẻ....Sau một tháng, nếu những đứa trẻ vẫn còn sống sót được, chúng sẽ quay trở về nhà. Khi ấy, chúng được toàn bộ dân làng đón chào sự trở về như những người hùng. Từ nay, chúng chính thức được xem như một người đàn ông thực thụ.

Để đánh dấu sự trưởng thành, những bé trai và gái của bộ lạc đều phải trải qua nghi lễ khắc nghiệt.

Tập tục cầu táng

Khi tham quan các ngôi làng của người Maasai Mara, chúng ta không hề thấy bất kỳ một ngôi mộ nào. Khi người thân mất đi, người Maasai Mara không đem đi chôn hay thiêu, mặc dù đất đai ở đây khá nhiều và củi thì cũng không hiếm. Hình thức chôn cất người chết của họ có thể nói đó là cẩu táng. Nghĩa là họ sẽ đem xác người chết vào để ở trong rừng, nơi có những con linh cẩu (Hyena) sinh sống. Khi đánh hơi có xác người chết. Chúng sẽ kéo đến ăn thịt xác chết. Cát bụi sẽ trở về cùng cát bụi.....
Những ngày tham quan đất nước Kenya cũng trôi qua thật nhanh. Trong tôi là một phức cảm mơ hồ trống vắng. Khó mà có thể nói rằng tôi đã hiểu hết những gì thuộc về Kenya cũng như tất cả các tập tục của bộ lạc Maasai Mara.
Chợt nhớ đến lời của một anh bạn đã nhắc cho tôi biết rằng mình đang đánh giá cuộc sống của họ bằng lăng kính thiên lệch theo cách của riêng mình. Đúng vậy, thật khó để mà có thể nói là người Maasai Mara đang sống một đời sống văn minh hay còn man dã?

Dù sống giữa tự nhiên hoang dã nhưng người Maasai không giết thú hoang dã mà chỉ ăn chính những con vật do mình nuôi

Nếu nói tục cắt bao qui đầu và việc buộc những bé trai vào rừng sinh tồn là ngu muội dã man. Liệu có đúng thế không hay đó cũng chỉ là một phương thức sàng lọc tự nhiên?
Vì bởi lẽ rừng thiêng nước độc sẽ không là chỗ dung thân cho những chàng trai có thể trạng yếu đuối và tinh thần ủy mị. Họ phải là những đấng nam nhi cường tráng với sức đề kháng mạnh mẽ cùng khả năng thích ứng cao với tự nhiên để bảo vệ và duy trì nòi giống.
Maasai Mara có lẽ là bộ lạc duy nhất còn sót lại trên thế giới này này mà họ sẽ không bao giờ giết bất kỳ một con thú hoang nào để thỏa mãn nhu cầu ăn uống. Họ chỉ ăn những con vật của chính họ nuôi lấy mà thôi. Khi thế giới loài người đang điên cuồng săn đuổi các con thú khốn khổ tội nghiệp để lấy ngà voi, sừng tê, cao hổ cốt...Thì những ngôi làng của người Maasai Mara đang sinh sống với các đồng cỏ xanh mênh mông, những thảo nguyên bát ngát ở nơi đây có lẽ là chốn ẩn náo cuối cùng còn sót lại trên cõi đời này dành cho các loài thú hoang dã. Ở nơi ấy, những con người của bộ lạc Maasai Mara- tộc người duy nhất không nhân danh “quyền con người” để ra tay tàn sát chúng.

Phải chăng, chỉ có người Maasai Mara mới có đủ tấm lòng bao dung để cho chúng một nơi chốn dung thân. Đó là nơi chúng có thể sống một cuộc đời đúng như bản chất của chúng.

Trần Văn Trường – VYC Travel

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/du-lich-c-82/nhung-nghi-le-on-lanh-cua-nguoi-maasai-mara-qua-lang-kinh-cua-mot-nguoi-viet-37484.html