Những ngân hàng nào liên đới đến 'đại án' Phạm Công Danh

Sau thông tin ông Trầm Bê bị bắt, danh sách những ngân hàng liên đới đến đại án Phạm Công Danh đã dài thêm, trong đó có BIDV, TPBank, Sacombank.

Chiều 1/8, cực lãnh đạo Ngân hàng Sacombank - ông Trầm Bê bị bắt vì có liên quan đến vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại 4 ngân hàng: Tiên Phong Bank, Sacombank, BIDV và Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Ông Trầm Bê bị bắt vì có liên quan đến vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại 4 ngân hàng. Ảnh: Kinh tế & Tiêu dùng.

Cùng với đại gia Trầm Bê, ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) cũng bị bắt tạm giam để phục vụ quá trình điều tra vụ án. Theo điều tra ban đầu, hành vi của ông Trầm Bê, Phan Huy Khang và các đồng phạm đã gây thiệt hại 6.600 tỉ đồng. Một phần tài sản trên được nêu trong kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh.

Sacombank cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có

Tháng 4/2013, ông Danh trực tiếp gặp ông Trầm Bê (lúc đó là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) đề nghị cho vay 1.800 tỷ đồng. Tại đây, ông Trầm Bê dẫn ông Danh sang phòng ông Phan Huy Khang và chỉ đạo ông Khang cho ông Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi tại VNCB.

Mời độc giả xem video khởi tố, bắt tạm giam ông Trầm Bê (nguồn VTC1): 

Đại gia Trầm Bê. Ảnh: Plo.

Sau đó, Phạm Công Danh chỉ đạo lập khống 6 hồ sơ để vay 1.800 tỷ đồng. Theo kết luận điều tra, các công ty của Phạm Công Danh không hề phát sinh giao dịch kể từ thời điểm thành lập cho đến lúc làm hồ sơ vay.

Liên quan đến các khoản vay này, cơ quan chức năng xác định Sacombank vi phạm quy định về cho vay như không thẩm định nguồn vốn, thẩm định nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi.

BIDV, TPBank vi phạm pháp luật khi thẩm định và ký duyệt hồ sơ cho vay

Tháng 9/2013, Phạm Công Danh chủ động đến gặp lãnh đạo ngân hàng BIDV xin vay 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty. Ông Danh lấy lý do VNCB đang tái cơ cấu chưa được tăng trưởng tín dụng nên không có khả năng cho vay. Để bảo đảm, ông Danh sẽ dùng tài sản của VNCB thế chấp.

BIDV đã thống nhất chủ trương về việc xem xét cho vay và giao 4 chi nhánh gồm chi nhánh Bến Tre, chi nhánh Gia Định, chi nhánh Nam Sài Gòn, chi nhánh Sở Giao dịch 2 thực hiện cho vay, thu nợ.

Sau khi giải ngân, BIDV yêu cầu 12 công ty cung cấp bổ sung, hồ sơ, hóa đơn chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hóa..., nhưng các Công ty không cung cấp với lý do chưa tiến hành giao nhận hàng hóa.

Đối với việc cho của BIDV, cơ quan điều tra đã làm rõ các sai phạm tại BIDV, gồm không tiến hành kiểm tra, thẩm định đối với khách hàng, không kiểm tra thẩm định đối với các công ty dẫn đến việc Phạm Công Danh sử dụng tiền giải ngân vào mục đích riêng, không kinh doanh như mục đích trong hồ sơ vay.

Tương tự, để hợp thức hóa việc rút tiền của VNCB, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay 1.666 tỷ đồng của TPBank. Sau khi được TPBank giải ngân, ông Danh rút ra để trả nợ... Số tiền này không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng.

Như vậy, cơ quan điều tra cho rằng, các cán bộ của TPBank, BIDV, Sacombank đã vi phạm pháp luật trong quá trình thẩm định và ký duyệt các hồ sơ cho vay nhưng chưa gây thiệt hại cho nhà băng. Tuy nhiên, Bộ công an chỉ rõ ông Trầm Bê, Phan Huy Khang và một số người khác là cựu cán bộ các ngân hàng TPBank, BIDV liên đới trong việc Phạm Công Danh gây thất thoát tiền của VNCB.

Hoàng Minh (TH)

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/mua-sam-huong-thu/nhung-ngan-hang-nao-lien-doi-den-dai-an-pham-cong-danh-757463.html