Những ngân hàng đang 'ngồi trên đống lửa' với 'chúa chổm' Vinachem

Ngoài khoản nợ với Ngân hàng Eximbank Trung Quốc, công ty thua lỗ 'nghìn tỷ' này đã có quan hệ tín dụng với những ngân hàng trong nước như VDB, Vietcombank Ninh Bình, BIDV Tây Hồ, Vietinbank,...

Trong danh sách 12 dự án thua lỗ ngành Công thương có dự án Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư. Để có tiền đầu tư dự án có tổng vốn (sau khi bị đội vốn) là 667 triệu đô la Mỹ, Vinachem đã được vay 250 triệu đô la từ Ngân hàng Eximbank Trung Quốc. Số tiền vay này có nguồn gốc từ vốn vay tín dụng bên mua mà Chính phủ đi vay phía Trung Quốc về cho Vinachem vay lại toàn bộ để đầu tư dự án, không phải vốn vay ODA. Khoản vay 250 triệu đô la này có thời gian vay 15 năm, đã hoàn thành việc rút vốn năm 2012. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) là bên giải ngân số tiền cho vay lại.

Dự án Đạm Ninh Bình thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, vay nợ hơn 10.000 tỷ đồng

Theo kế hoạch, dự án có 15 năm trả nợ chia làm 20 kỳ bán niên bằng nhau (12,5 triệu đô la/kỳ). Tuy nhiên, sau 7 kỳ trả nợ gốc với số tiền 87,5 triệu đô la, Vinachem không có khả năng trả tiếp nên đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cho phép khoanh nợ gốc 5 năm (2017-2020) bằng cách đề nghị Chính phủ trả thay nợ gốc 162,5 triệu đô la trong cùng thời gian này. Đổi lại, tập đoàn sẽ tập trung trả nợ lãi và phí trong thời gian 5 năm là 125 triệu đô la (từ tháng 7-2017 đến hết tháng 1-2022). Sau đó, Vinachem sẽ tiếp tục trả nợ gốc làm 13 kỳ, kéo dài từ năm 2022 đến năm 2028.

Tuy nhiên, theo báo cáo về tình hình tài chính của Công ty Đạm Ninh Bình cho biết, tới thời điểm ngày 28/7/2016 tổng số tiền nợ là 10.257 tỷ đồng, nợ quá hạn 227,3 tỷ đồng.

Trước đó, bộ Công Thương cho biết, trường hợp China Eximbank không đồng ý, đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan cho vay lại là Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) nghiên cứu, cân đối để có nguồn trả nợ cho China Eximbank. Tiếp đó, thực hiện các nghiệp vụ cần thiết và yêu cầu chủ đầu tư phải ưu tiên thanh toán cho BIDV khi có nguồn tài chính.

Hiện, đánh giá của Vinachem cho thấy, trong 5 năm tới dòng tiền của Công ty Đạm Ninh Bình vẫn âm và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Vinachem để trả nợ. Khả năng trả nợ của Đạm Ninh Bình, theo đánh giá là hạn chế, lỗ luỹ kế lớn. Kết quả kinh doanh năm 2016 lỗ 1.132 tỷ đồng.

Ngoài vay nợ nước ngoài, dự án Đạm Ninh Bình cũng là “con nợ” của nhiều ngân hàng trong nước như Ngân hàng phát triển VDB, Vietcombank Ninh Bình, BIDV Tây Hồ, ngân hàng Vietinbank.

Trong đó, vay dài hạn là hơn 8.410 tỷ đồng, vay ngắn hạn gần 1.627 tỷ đồng. Khoản nợ quá hạn hơn 227 tỷ đồng đều là khoản vay ngắn hạn. Thời điểm ngày 1/9/2016 số tiền nợ tăng nhẹ lên mức hơn 10.384 tỷ đồng, nợ quá hạn tăng gấp gần 3 lần, lên mức hơn 610,2 tỷ đồng.

Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hiện là chủ nợ lớn nhất của VDB với tổng giá trị cho vay lên đến 10.700 tỷ đồng. Á quân chủ nợ của “chúa chổm” Vinachem thuộc về Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) với tổng giá trị cho vay 5.674 tỷ đồng. Xếp hạng thứ ba là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 5.441 tỷ đồng nợ vay.Trong đó, nợ quá hạn các khoản vay ngắn hạn của Đạm Ninh Bình tại VCB Ninh Bình và BIDV Tây Hồ tính đến ngày 28/7/2016 là 227,3 tỷ đồng và 1/9/2016 là 610,2 tỷ đồng.

Do đó, lần lượt các ngân hàng VCB Ninh Bình và BIDV Tây Hồ đã chuyển nhóm nợ của Đạm Ninh Bình sang nhóm II và nhóm III, đồng thời dừng giải ngân vốn cho công ty.

Mặc dù Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã hỗ trợ công ty trả nợ thay khoản nợ gốc và lãi vay đầu tư đến hết năm 2016 nhưng Đạm Ninh Bình vẫn không thể cân đối được dòng tiền để trả cho các khoản vay ngắn hạn.

Bên cạnh đó, thống kê các khoản nợ trên của Vinachem chưa kể đến khoản vay của Công ty Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM) – công ty con của Vinachem, do Vinachem và CSM đều không liệt kê cụ thể danh sách chủ nợ trong báo cáo tài chính.

Nhiều ngân hàng khác hiện cũng đang là chủ nợ của Vinachem nhưng số nợ không đáng kể, đều dưới 400 tỷ đồng. Có thể kể đến như HSBC (320 tỷ), VIB (190 tỷ), Agribank (179 tỷ), Shinhan (167 tỷ), MB (158 tỷ), Standard Chartered (90 tỷ), Eximbank (81 tỷ), ACB (72 tỷ), Hong Leong (57 tỷ), HDBank (37 tỷ), LienVietPostBank (26 tỷ), ANZ (25 tỷ). Thấp nhất là OCB với 4 tỷ đồng.

Mai An

Nguồn ANTT: http://antt.vn/nhung-ngan-hang-dang-ngoi-tren-dong-lua-voi-chua-chom-vinachem-209530.htm