Những nẻo mưu sinh của phụ nữ nơi thành thị: Nỗi niềm ai hiểu?

Ở nơi thành thị, bóng dáng những người phụ nữ nông thôn mưu sinh, vẫn là nỗi niềm khôn tả và đối mặt với những rủi ro không lường trước.

Trong khi vô vàn những người phụ nữ, những người vợ, người mẹ đang tận hưởng hạnh phúc bởi những tình cảm yêu thương, nồng ấm nhất của Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10.

Trái lại, khắp các nẻo đường mưu sinh của nơi thành thị, bóng dáng những người phụ nữ tần tảo sớm hôm, bất kể công việc gì, miễn sao có việc và có thu nhập để duy trì cuộc sống… vẫn là nỗi niềm khôn tả của những phụ nữ nông thôn cất bước lên thị thành mưu sinh.

Trăm ngả…mưu sinh

Đằng sau những mảng ánh sáng của phồn hoa đô thị, trong sâu thẳm những ngôi nhà ổ chuột dưới gầm cầu Long Biên là nơi trú chân, ngả lưng của những người vô gia cư mỗi khi màn đêm buông xuống.

Đó là những căn nhà ẩm thấp, không mấy tiện nghi, chỉ dành cho những người lao động nghèo như họ với mức chi phí vài trăm ngàn/ tháng.

Từ khi còn tờ mờ sáng, bản năng sinh tồn của sự sống lại bắt đầu trên những nẻo đường mưu sinh. Những phụ nữ ấy, họ đều xuất phát từ những miền quê khác nhau, tìm về Hà Nội kiếm sống.

Phần lớn trong số những người phụ nữ ấy, hành trang của họ không gì hơn ngoài chiếc xe đạp thồ, với vài trăm ngàn…để lấy hoa quả từ các chợ đầu mối, rồi đem giao bán khắp phố phường, với hy vọng kiếm được trăm bạc mỗi ngày.

Những ngày trong tháng để họ hy vọng kiếm được nhiều hơn một chút, đó là ngày rằm, mùng Một hàng tháng. Với họ, bán hết số hàng đã lấy và lãi được hơn 100 nghìn đồng/ ngày, đã là niềm hạnh phúc không mong gì hơn...

Một người phụ nữ bán trái cây rong trên phố

Một người phụ nữ bán trái cây rong trên phố

Nhiều chị em khác lại chọn cho mình giải pháp bán hàng ăn gánh rong như: Bán bún, trứng vịt lộn, chè, khoai, bánh… Dù công việc nào, những phụ nữ như thế vẫn phải thức giấc từ rất sớm để chuẩn bị mọi thứ cho việc bán hàng rong.

Hoặc “đẳng cấp” hơn là sắm cho mình chiếc “cân đo chiều cao, cân nặng”, để phục vụ số ít khách hàng có nhu cầu.

Ở một lĩnh vực khác, nhiều phụ nữ hành trang là cuốc, xẻng, thúng, xảo, cùng chiếc xe đạp cà tàng... đến điểm được coi là “chợ người lao động”, những mong có người thuê mướn theo giờ.

Công việc này khá nặng nhọc, nhưng với công việc này, họ khá thoải mái vì sự lựa chọn này, bởi họ không quá bị phụ thuộc vào nhà chủ như đi làm “ô sin”.

Làm xong hết phần việc mà chủ giao, họ có thể có mức thu nhập từ 3- 5 trăm nghìn đồng/ gói dọn dẹp mà chủ yêu cầu. Hơn nữa, thời gian làm việc chỉ từ 4-5 tiếng/ ngày.

Tuy nhiên, công việc dọn dẹp nhà cửa, cửu vạn, dọn nội thất… như thế này, đòi hỏi tốn khá nhiều sức, yêu cầu phải có sức khỏe bền bỉ mới làm được.

Thời kỳ cao điểm, nếu ngày nào cũng có việc, mức thu nhập của họ cũng không đến nỗi tệ, từ 8- 10 triệu/ tháng. Trừ mọi chi phí, tằn tiện cũng còn để được vài ba triệu, dành dụm để lo cho con cái học hành, hay những lúc ốm đau. Thời gian còn lại trong ngày, là lúc họ cần nghỉ ngơi để lấy lại sức cho cuộc hành trình tiếp nối ngày mai.

Rủi ro luôn rình rập:

Với những phụ nữ gánh hàng rong, hay lao động chân tay… ở nơi thành thị như thế… đều phải đối mặt với những rủi ro, và phải tuân thủ những “luật làm ăn”… theo “quy định” mà ít ai thấu hiểu.

Lên Hà Nội kiếm sống chính bằng nghề bán hoa quả, chị Nguyễn Thị Hương(quê Hải Hậu, Nam Định) cho biết: “ Nghề bán rong hoa quả, chỉ không để ý một chút, đứng dưới lòng đường, hay ngồi trên vỉa hè… những khi có khách đông, có khi cũng bị công an thu hết hàng. Gặp chú công an nào tốt thì được nhắc nhở, gặp người nghiêm khắc… coi như ngày đó hết cả vốn lẫn lãi”.

Người bán hàng rong này luôn tìm cho mình các khu dân cư để chào hàng, tránh sự"can thiệp" của lực lượng trật tự đô thị.

Với những phụ nữ gánh hàng bán bún đậu ngồi vỉa hè, tranh thủ buổi trưa, hay những phụ nữ ở điểm được coi là “chợ người lao động”… gần như đều phải “nộp phí” hàng tháng cho lực lượng trật tự đô thị… mới thực sự “yên ổn” mà làm ăn.

Những phụ nữ ngồi vỉa hè mong làm "cửu vạn" luôn phải đối mặt với rủi ro tai nạn. Ảnh: Internet

Rủi ro lớn cũng đến với những phụ nữ làm nghề cửu vạn, kéo xe... Công việc nặng nhọc hàng ngày, không may bị tai nạn nghề nghiệp, có khi cũng để lại di chứng các bệnh về cột sống, xương khớp… là những bệnh họ phải đối mặt.

Nhưng vì “đồng tiền, bát gạo”, những người phụ nữ nông thôn thuần chất ấy, ngoài việc ruộng đồng ở quê, ngày ba tháng tám, họ vẫn không ngại khó, ngại khổ… để có thêm thu nhập từ sức lao động và đồng tiền chính đáng.

Bình Minh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/nhung-neo-muu-sinh-cua-phu-nu-noi-thanh-thi-noi-niem-ai-hieu-d27269.html