Những năm tháng 'Sáng đạp xích lô, tối làm vua' không mờ phai trong ký ức NSƯT Phạm Bằng

Duyên số đưa đẩy đến nghiệp diễn, bị mẹ ruột phản đối, những năm tháng “sáng đạp xích lô, tối làm vua…” NSƯT Phạm Bằng đã để lại nét duyên riêng biệt trong lòng khán giả

NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931, trong một gia đình khá giả tại Hà Nội, nhưng sau khi cụ thân sinh của ông qua đời để lại người mẹ chỉ vừa 24 tuổi cùng con trai còn nhỏ, gia đình ông đã gặp nhiều biến cố và khó khăn. Khi lớn lên, vừa đi học, Phạm Bằng tìm cách đi làm, nghề diễn đến với ông như một mối duyên từ một công việc làm thêm để phụ giúp mẹ.

NSƯT Phạm Bằng thời trẻ

Phạm Bằng đỗ trường Cao đẳng Giao thông Công chính vào năm 1955, trong quá trình là sinh viên của trường ông cũng từng tham gia đóng kịch. Thế nhưng, việc học của ông từng bị gián đoạn một thời gian do công việc gia đình.

Đến năm 1959, Phạm Bằng có cơ hội tham gia đoàn kịch của nhà thơ Hoàng Cầm và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đoàn kịch định dựng vở Vũ Như Tô nhưng không thành. Cũng trong năm đó, Nhà nước tuyển sinh cho đoàn văn công Hà Nội, đồng thời, mở trường Đại học Sân khấu khóa I. NSƯT Phạm Bằng đã thi đỗ cả hai nơi.

Vợ chồng nghệ sĩ Phạm Bằng hồi trẻ, vợ là người mà ông yêu thương nhất trong suốt cuộc đời mình.

Ông đã lựa chọn vào đoàn văn công Hà Nội bởi vào đó ông có thể vừa học, vừa diễn để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Bởi thời kì đó, gia đình Phạm Bằng nghèo khổ, cùng lúc đó ông lại mới lấy vợ.

Tháng 12 năm 1959, ông chính thức tham gia vào Đoàn văn công Hà Nội. Đó là một đoàn tổng hợp các loại hình, từ ca nhạc, múa, kịch nói, cải lương đến chèo, xiếc. Năm 1964, đoàn kịch Hà Nội cùng các đoàn cải lương, đoàn chèo… được tách ra và bắt đầu hoạt động riêng. Phạm Bằng được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mời tham gia các vở diễn. Ông bắt đầu nổi tiếng với các vai phản diện.

Năm 1965, nỗ lực của nghệ sỹ Phạm Bằng bắt đầu được đền đáp. Ông bắt đầu đảm nhận các vai chính. Với gương mặt khá sắc sảo, Phạm Bằng thường được giao các vai tư sản, phản động, các vai cường hào ác bá thời phong kiến.

Vai diễn đầu tiên trong nghiệp diễn của Phạm Bằng là vai một anh công nhân trong vở kịch Giờ phút quyết định (đạo diễn Nguyễn Bắc). Nhưng vai diễn đánh dấu niềm đam mê của ông đối với sân khấu kịch là vai thiếu úy Minh trong vở kịch tình báo Đêm tháng 7 (đạo diễn Dương Linh).

Còn vai diễn ghi dấu son trong lòng khán giả của ông chính là vai Lý Trưởng trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt (của Lưu Quang Vũ) và vai Thương trong Mớ đời Thương (của Tất Đạt). Có thể nói đây là hai vai diễn để đời của ông, với một vai phản diện, một vai bi hài mà không ai có thể thay thế được.

Nói về vai diễn này, Phạm Bằng kể về một kỷ niệm đáng nhớ trong nghiệp diễn của mình. Hồi ấy, vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt diễn trong vài tháng, tuy vai Lý Trưởng chỉ có trong 2 màn diễn nhưng đó lại là vai phản diện mang lại được không ít tiếng cười cho khán giả. Một đợt, vì bị khản giọng nên vai diễn Lý Trưởng do Phạm Bằng đóng đã được thay thế bởi một diễn viên khác.

Không ngờ, có một khán giả, vì mê lối diễn xuất của Phạm Bằng, đã mời một số người thân đi xem đúng hôm không phải Phạm Bằng đóng. Vị khán giả ấy nhận ra và sau khi hết màn diễn, đã lên phía sau cánh gà sân khấu "khiếu nại", làm ầm ĩ cả khán phòng. Và rồi, người của đoàn kịch đã phải gọi Phạm Bằng đến nơi để chứng minh "Lý Trưởng thật" đã… mất giọng và đang phải nghỉ ốm.

"Đó là thành công ngoài mong đợi của một diễn viên không được học qua bất cứ trường lớp nào như tôi, nhưng cũng là niềm khích lệ lớn lao để tôi chuyên tâm đi với nghiệp diễn này suốt cả cuộc đời."- Nghệ sĩ chia sẻ.

Clip: Vai diễn đáng nhớ của NSƯT Phạm Bằng trong Gặp nhau cuối tuần.

Sau năm 1975, cái tên Phạm Bằng trở thành quen thuộc với khán giả khắp các sân khấu lớn nhỏ phía Bắc. Thỏa mãn đam mê với nghiệp diễn, nhưng cát xê chẳng thấm vào đâu của thời khốn khó ấy khiến NSƯT Phạm Bằng phải làm thêm đủ nghề để có thêm thu nhập, ông vẫn nói vui "sáng đạp xích lô, tối làm vua"...

Tới những năm 90, NSƯT Phạm Bằng trở thành một trong những gương mặt đặt nền móng cho chương trình Gặp nhau cuối tuần, một show hài kinh điển trên truyền hình mà tới giờ nhiều người vẫn nhớ. Khi ấy, ông có duyên với những vai diễn sếp lớn nhưng sợ vợ. Những nghệ sĩ nữ hay đóng cùng NSƯT Phạm Bằng có Vân Dung, Thu Hương, Thu Hằng, Kim Oanh…

Các mối quan hệ trong những vở hài của nghệ sĩ xoay quanh chuyện ghen tuông, nhõng nhẽo của mấy cô vợ trẻ hay chuyện hối lộ, nịnh bợ nơi công sở giữa nhân viên với giám đốc. Những tiểu phẩm đã mang đến nhiều tiếng cười sảng khoái và cả những bài học quý cho khán giả.

Nam diễn viên từng chia sẻ: "Đóng cặp không phải tranh nhau diễn, tranh nhau nói, hay "càng lấn át bạn diễn càng tốt". Đóng cặp là phải biết nhường nhau, biết tung hứng cùng nhau, biết nâng mình lên lúc nào, và biết hạ mình xuống để nhường đất cho bạn diễn lúc nào..."

Có lẽ, chính vì vậy mà dù tuổi đã cao, NSƯT Phạm Bằng vẫn luôn là bạn diễn lý tưởng với nhiều nữ diễn viên trẻ và là gương mặt diễn viên hài được rất nhiều khán giả yêu quý.

Ở tuổi 84, nghệ sĩ Phạm Bằng vẫn miệt mài với nghệ thuật. Ông liên tiếp nhận được lời mời trong các bộ phim truyền hình, tiểu phẩm hài. Chỉ cần sức khỏe cho phép, là ông lại đi khắp trong Nam ngoài Bắc để ghi hình, để hóa thân vào các nhân vật, đúng như mong ước cả đời của người "trai phố cổ" năm nào, được tận hiến với nghề.

Những ngày cuối đời, NSƯT Phạm Bằng giấu bệnh tình với tất cả mọi người, kể cả những đồng nghiệp thân thiết. Ai cũng nghĩ, chắc "bố Bằng" đang nghiên cứu kịch bản hài Tết. Có lẽ, sống trong suy nghĩ của tất cả những người ở lại theo cách như vậy, là điều khiến NSƯT Phạm Bằng thanh thản nhất. Bởi cuộc đời ông, từ khi còn là chàng thanh niên tuổi đôi mươi, tới khi nhắm mắt xuôi tay, gia tài để lại là những vai diễn ghi dấu sâu đậm trong lòng khán giả. Như ông từng nói, "Khi nào đầu óc vẫn còn nhớ được kịch bản và đôi chân vẫn đủ sức bước lên sân khấu, tôi sẽ còn diễn. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến khi nào sẽ ngừng diễn."

Theo Chu Nguyên (VTC News)

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/giai-tri/nhung-nam-thang-sang-dap-xich-lo-toi-lam-vua-khong-mo-phai-trong-ky-uc-nsut-pham-bang-131533