Những mong mỏi tha thiết của học sinh và phụ huynh trong năm học 2017-2018

Các thầy cô giáo hãy luôn thực hiện đúng quy định của ngành, của nhà nước, là tấm gương đẹp, đáng quý về nhân cách và đạo đức trong lòng những thế hệ học trò.

LTS: Phản ánh những nỗi niềm mong mỏi, tha thiết của rất nhiều bậc phụ huynh và các em học sinh trước thềm năm học mới sắp diễn ra, tác giả Thiên Ấn đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về vấn đề này.

Qua đó, tác giả cho rằng, chính bản thân các thầy cô cần phải nâng cao hoạt động dạy và học, bồi dưỡng đạo đức, tác phong nghề giáo, giảm thiểu những hệ lụy không đáng có, từ đó làm trong sạch thêm cho môi trường giáo dục phổ thông.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong năm học mới này, nhiều bậc phụ huynh và các em học sinh đã mong mỏi, gởi gắm nhiều điều đến nhà trường cũng như các thầy cô giáo.

Hãy để mỗi ngày đến trường đối với các em học sinh là một ngày vui (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

1. Biết kiềm chế nóng giận, hết lòng yêu thương học sinh

Năm học 2016 - 2017 vừa qua, ngành giáo dục đã để xảy ra rất nhiều vụ việc đáng tiếc, một số thầy cô vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo hành đối với chính học trò của mình, gây ra bức xúc trong dư luận xã hội. Ngày 23/10/2016, một số phụ huynh ở thôn Bến Ván, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) đã gửi đơn thư tố cáo về việc con em của họ bị thầy giáo chủ nhiệm dùng thước đánh bầm tím bắp đùi chỉ vì 6 em học sinh lớp 7 làm gãy ghế ở phòng học. Trước đó mấy ngày, cô O giáo viên tại Thành phố Đà Nẵng đã có hành vi đánh học trò và bị Thanh tra Sở Giáo dục Đào tạo Đà Nẵng xử phạt hành chính 5 triệu đồng và đình chỉ công tác 1 tháng.

Ai sẽ bấm nút đánh giá Bộ giáo dục?

Cũng trong tháng 10, thầy Trần Văn Bình (giáo viên chủ nhiệm lớp 4B, Trường tiểu học Kim Lân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đánh học sinh ngay trên bục giảng. Sự việc bắt nguồn từ ngày 7/10, học sinh Lo Vi Đăng, lớp 4B trong tiết học của thầy Bình do lên bảng không viết được bài nên đã bị thầy Bình đánh.

Một cô giáo mầm non tại tỉnh Trà Vinh cũng đã bị đình chỉ công tác để xác minh, làm rõ vụ việc tát vào mặt trẻ trên lớp. Sự việc khiến nhiều người phẫn nộ khi clip quay cảnh cô giáo này tát liên tục vào mặt trẻ được đăng tải trên mạng xã hội, ngay sau đó đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng với 200.000 lượt theo dõi và gần 4.000 lượt chia sẻ. Trước thực trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cấp quản lý giáo dục, nhà trường, thầy cô giáo nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo an toàn môi trường giáo dục, không vi phạm đạo đức nhà giáo… Từ vô số bài học, hậu quả, hệ lụy khôn lường do lỗi đánh học trò gây nên, cùng những lời cảnh báo, nhắc nhở sâu sắc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chắc chắn nhiều thầy cô giáo đã biết, đã thấm thía. Trước thềm năm học mới này, các bậc phụ huynh cùng tất cả học sinh rất mong mỏi các thầy, cô giáo cả nước luôn làm chủ được mình, kiềm chế nóng giận, xử lý tốt những tình huống sư phạm, có khả năng cảm hóa, thuyết phục được nhiều em học sinh cá biệt, ngỗ ngược, lười biếng trong mọi hoàn cảnh. 2. Mong muốn các khoản thu đầu năm, các khoản thu tự nguyện, được đúng quy định, công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích Trong bài viết "Ma trận tiền trường đã hoàn thành, đang chờ phụ huynh nhập cuộc” trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 31/7, cô giáo Đỗ Quyên phản ánh rất đúng thực trạng hiện nay:

Ma trận tiền trường đã hoàn thành, đang chờ phụ huynh nhập cuộc

“Ngoài một số khoản tiền phục vụ nhu cầu chính đáng của học sinh như tiền ấn phẩm, tiền học phí theo quy định ở hai bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, tiền học buổi 2 của học sinh tiểu học thì nhiều trường lại bao đồng khi “bao sô” mọi khoản tiền khác như tiền đồng phục, sách vở, đồ dùng học tập, nước uống, tiền ủng hộ bạn nghèo, mua tăm, bút viết cho người khuyết tật... Có trường lại “đẻ” thêm nhiều khoản tiền vô lý khác như: tiền trang trí phòng học, tiền bảo dưỡng máy tính, tiền quỹ lớp, quỹ đội, hỗ trợ lớp bán trú, tiền trực trưa, tiền bảo vệ, tiền xây tường rào và mua giường, tiền bồi thường đất xây dựng trường, tiền xây dựng nhà vệ sinh dành cho cha mẹ học sinh, quỹ khuyến học, hỗ trợ cơ sở vật chất, tiền điện, tiền công tác tình nghĩa với giáo viên… Vì sự “bao đồng” và nhiều khoản tiền phi lý như thế nên có trường đã thu đến vài triệu đồng/học sinh. Làm sao để gánh nặng tài chính khi con vào năm học mới bớt oằn trên đôi vai những bậc cha mẹ, nhất là những gia đình điều kiện kinh tế còn khó khăn”. Phụ huynh các địa phương đều có chung một đề nghị: “Trước khi tiến hành các khoản thu tự nguyện để mua sắm, sửa chữa cái nọ, cái kia thì nhà trường nên công khai mục đích sử dụng, kế hoạch, phương án công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt như thế nào và mức thu không được “bao đồng”, cần xuất phát từ tính tự nguyện và điều kiện sống, khả năng kinh tế của từng phụ huynh”. Các khoản tiền để mua đồng phục, nước uống, sách vở, đồ dùng học tập… nên có sự phối hợp, thống nhất, công khai giữa đại diện ban cha mẹ học sinh và nhà trường về giá cả, số lượng, khối lượng, kích thước, màu sắc…. Có ý kiến cho rằng: “Các nội dung trên nên giao về cho từng phụ huynh tự lo liệu, sắp xếp…”. Suy nghĩ kỹ thì nhận thấy, nếu làm như vậy rất khó cho nhà trường, chuyện đồng phục, chuyện uống nước… trở nên nhếch nhác, không đồng bộ, có phụ huynh, học sinh nào muốn thế. 3. Dạy và học thêm đi vào nền nếp, quy củ, thầy cô giáo thực hiện đúng quy định Việc dạy và học thêm tràn lan, trái phép đang trở thành vấn nạn nhức nhối nhất trong ngành giáo dục hiện nay. Nhiều cơ sở, thầy cô giáo dạy “chui” ở các thành phố lớn liên tục bị cấp quản lý, phụ huynh học sinh và báo chí phát hiện và xử lý theo luật định. Các văn bản quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo và các địa phương cũng gần như “bất lực”, không có nghĩa lý gì trước những khát vọng, “làn sóng” dạy thêm vô cùng mạnh mẽ, dữ dội của nhiều thầy cô giáo (kể cả thầy cô giáo bậc tiểu học vốn không được tổ chức dạy học thêm ở bất kỳ hình thức nào). Các nhà trường, trung tâm, thầy cô giáo đủ mọi điều kiện được cấp trên cấp phép.

Thư thỉnh cầu 9 điểm gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Các thầy cô có năng lực chuyên môn tốt, tổ chức dạy học thêm xuất phát từ nhu cầu, mong muốn, tính thiết thực của học sinh và phụ huynh thì ai mà không ủng hộ, hoan nghênh. Nhưng đằng này, nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn hạn chế, dạy học không thu hút, không dễ hiểu đối mà vẫn ngang nhiên tổ chức dạy thêm trái phép trong năm học và trong hè. Các em chẳng muốn học, phụ huynh không có nhu cầu thì dùng đủ “chiêu trò”, “uy quyền” của người giáo viên hù dọa, chiếu tướng, khống chế…về điểm số, kết quả học tập. Vì “sợ” giáo viên “chơi không đẹp” nên nhiều phụ huynh đành phải “bất đắc dĩ” cho con em mình đi học thêm các thầy cô đó. Có phụ huynh không thể chịu nổi tình trạng chèn ép quá đáng của một số giáo viên nên buộc lòng phải viết đơn kiện, cầu cứu đến các cấp quản lý. “Các cấp quản lý giáo dục, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở, giáo viên tổ chức dạy học thêm trái phép. Bản thân từng thầy cô nên bớt đi chuyện tiền bạc, thu nhập từ việc dạy thêm, không được chèn ép học sinh dưới bất cứ hình thức nào, nâng cao phẩm chất, đạo đức nhà giáo, thực hiện đúng quy định của ngành, của nhà nước và luôn là hình ảnh, tấm gương đẹp, đáng quý về nhân cách, đạo đức về người thầy, người cô trong lòng những thế hệ học trò”. Đó là kỳ vọng tha thiết của hầu hết học sinh và các bậc phụ huynh trong năm học 2017 – 2018. Từ đó, giúp cho hoạt động dạy học được đi vào nền nếp, quy củ, giảm thiểu và tiến tới không còn những hệ lụy, tiêu cực trong môi trường giáo dục phổ thông.

THIÊN ẤN

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhung-mong-moi-tha-thiet-cua-hoc-sinh-va-phu-huynh-trong-nam-hoc-20172018-post178638.gd