Những món ăn khiến giới trẻ Sài Thành mê như điếu đổ năm 2016

Nếu năm 2015 là năm của buffet trái cây, thì năm 2016 là năm của mì cay. Ngoài mì cay, giới trẻ Sài Thành còn say mê xoài lắc, bánh mì nước muối ớt và gần nhất là mì bay.

Mì cay

Phong trào ăn mì cay bùng phát cuối tháng tư vừa qua và chỉ lắng dịu trong khoảng vài tháng gần đây với sự lên ngôi của mì bay.

Thực khách xếp hàng để được ăn mì cay lúc mì cay mới ra mắt.

Món mì cay là một món ăn bình dân ở xứ sở Kim Chi. Món mì cay bao gồm nước dùng có các loại hải sản, kim chi và một vài loại rau củ khác cộng với sợi mì to. Tùy vào khả năng ăn cay của thực khách để yêu cầu lượng ớt bỏ vào tô: từ mức độ 1 lên mức độ 7.

Các cửa hàng luôn nườm nượp người.

Sở dĩ, món ăn này có thể trở thành cơn sốt trong gần nửa nay là bởi khả năng kinh doanh – tiếp thị tốt của các chủ cửa hàng. Như việc sẽ miễn phí nếu khách ăn được cấp độ 7 hoặc tặng các vật kỷ niệm để công nhận thành tích đó.

Món mì cay thoạt trông khá hấp dẫn.

Và, đã có không ít tình huống “dở khóc, dở cười” với món ăn này, khi nhiều bạn trẻ không biết lượng sức mình, ăn cay quá sức chịu đựng của cơ thể, để phải vào viện. Theo những người có khẩu vị bình thường, mức độ hai đã là khá cay.

Xoài lắc

Trong khoảng thời gian mì cay đang “làm mưa, làm gió” ở Sài Gòn, thì xoài lắc ra đời và thậm chí có lúc còn vượt lên dẫn đầu xu hướng ẩm thực.

Nhiều người chen chúc mua xoài lắc.

Cận cảnh món xoài lắc "thần thánh".

Món xoài lắc được làm từ nguyên liệu chính là xoài sống già, sắp chín, còn cứng. Sau khi cắt xoài thành những miếng nhỏ, người bán sẽ lắc nó kèm với loại muối ớt được họ sáng tạo riêng. Món xoài lắc có vị vừa chua, vừa ngọt, vừa cay lại có chút mặn. Thế nên, chẳng có gì khó hiểu khi nó trở thành món ăn khoái khẩu của các nữ và nam sinh.

Bánh mì nướng muối ớt

Cũng như xoài lắc, bánh mì nướng muối ớt dù không gây được tiếng vang lớn nhu mì cay, nhưng nó lại có sức sống bền bỉ, vẫn lay lắt cho tới thời điểm này. Món ăn có xuất xứ từ An Giang, sáng tạo của người dân Khơ Me.

Món bánh mì nướng muối ớt vẫn đang sống rất ổn.

Bánh mì nướng muối ớt có 2 thành phần chính: bánh mì và muối ớt. Chủ quán sẽ quét một lớp muối ớt được làm từ ớt sa tế tôm, tương ớt, đường, tỏi băm và sốt mayonnaise lên chiếc bánh mì đã được đập dập; sau đó mang đi nướng. Có nơi, người ta còn phủ lên bánh mì nướng muối ớt thêm xúc xích, phô mai, chà bông, ruốc tép, pa tê….

Mì bay

Hiện tại, mì bay thay thế mì cay đang là bà hoàng ẩm thực của Sài Gòn. Phong trào đi ăn mì bay dù không rầm rộ như hồi mì cay mới ra mắt, nhưng cũng khá ồn ào. Mì bay là món ăn đặc biệt của nhà hàng Hana tại Singapore. Sau khi người Việt chúng ta thấy trên báo, đã học tập ý tưởng và tạo ra món mì bay Việt Nam.

Giới trẻ Sài Gòn đang hết sức hào hứng rủ nhau đi ăn mì bay.

Nếu mì bay Singapore làm từ mì Udon, thì mì bay Việt Nam, ngoài mì udon, còn nấu từ mì trứng, mì trắng, mì tôm…; tùy quán. Mì bay mới mẻ về hình thức thể hiện chứ không phải cách nấu. Nên về Việt Nam, cứ món gì có sợi dài, dựng lên không trung được, đều là mì bay.

Sở dĩ nó có tên mì bay, là vì người ta lấy sợi mì che mất cái giá dựng cắm đũa, nên trông món mì cứ như đang….bay. Ngoài tên mì bay, nó còn có tên khác là "mì ảo thuật".

Sa Mộc (Tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/nhung-mon-an-khien-gioi-tre-sai-thanh-me-nhu-dieu-do-nam-2016-97098/