Những món ăn có nguyên liệu từ rừng nổi tiếng đất Đồng Nai

Đến Đồng Nai, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những món ăn tuyệt ngon, có nguyên liệu lấy từ rừng ở nơi đây.

1. Canh chua lá giang

Người ta có thể nấu món canh chua lá giang với nhiều nguyên liệu khác nhau như gà, cá diêu hồng…, nhưng nguyên liệu không thể thiếu được tất nhiên vẫn lá lá giang.

Ảnh minh họa.

Lá giang thuộc họ dây leo, mọc nhiều trong rừng cao su. Sau khi hái về, rửa sạch, để ráo nước. Lưu ý, cần phải bóp dập lá để lá tiết ra vị chua chua “đặc sản”.

Tùy việc bạn chọn nấu lá giang cùng gà hay cá mà có cách chế biến khác nhau. Tuy nhiên, món canh sau khi đun sôi đều được một lúc, bỏ lá giang vào, khuấy đều cho tới khi lá ngả màu vàng, nêm lại rồi bắc xuống.

2. Lẩu lá khổ qua rừng

Khổ qua bình thường đã rất đắng, nhưng khổ qua rừng còn đắng hơn, nhưng có hậu vị ngọt ngào, dân dã. Rau này thường chỉ mọc vào mùa mưa, nhưng do nhu cầu nên giờ người dân đã mang giống về trồng trong vườn nhà.

Ảnh minh họa.

Theo người dân địa phương, lẩu khổ qua có thể được nầy bằng cá lóc con, hoặc sườn non, tôm khô. Lá khổ qua được nhặt, rửa sạch để ráo. Khi nước lẩu sôi, chỉ cần nhúng vào một nắm lá rồi vớt ra ăn ngay khi nóng.

3. Quả ươi rừng

Ươi là loại cây có thân to, cao cả chục mét nên việc leo lên hái quả ươi cũng khá gian truân. Thông thường, mỗi cây cho từ 30-50 kg trái tươi. Trái này đem về phơi vài nắng, khô lại bằng đầu ngón tay người lớn thì cất vào nơi khô ráo, dùng dần.

Ảnh minh họa.

Cho ươi vào nước ấm để bóc vỏ và hạt cho dễ. Sau đó, có thể trộn ươi với hạt é, bỏ thêm đường để làm nước giải khát. Ngoài ra, hạt ươi đem rang, xay ra, pha với nước có thể trị nấc cụt và bệnh ỉa chảy nhanh chóng.

Vài năm gần đây, ươi được nhiều người biết đến và tìm mua nên trở nên đắt hàng, thậm chí nó còn được xuất ra Hồng Kông và Đài Loan.

4. Nấm mối Đồng Nai

Nấm mối chỉ mọc vào đầu mùa mưa và cũng chỉ mọc 1 lần trong năm. Chúng mọc nhiều ở trong rừng cao su.

Ảnh minh họa.

Làm nấm mối cần chú ý: không nên rửa nấm mà đợi khô, gọt cho sạch chân nấm cho hết đất, gọt xung quanh đỉnh nấm để tránh bị ngộ độc. Sau đó, ngâm nước muối rồi rửa sạch, để ráo nước rồi mới đem xào.

Nấm mối ngon ngọt hơn cả thịt gà, có hương vị lạ và quyến rũ.

5. Canh bồi của dân tộc Chơro

Món ăn này rất đặc trưng cho dân tộc Chơ ro xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Nó chỉ dùng trong lễ hội Sayangva để tạ thần linh cho mùa vụ bội thu, cầu xin mưa thuận gió hòa, để đãi khách quý.

Để nấu được món này, cần chuẩn bị một số loại rau rừng như đọt khổ qua rừng, đọt ớt, cải trời, lá bép…

Ảnh minh họa.

Gạo sau khi ngâm được đem ra xay chung với 1 nắm lá xanh, cho đọt mây, thị vào hầm nhừ, cho thêm một số loại rau rừng đã kể trên vào. Thế là chúng ta có món canh bồi trứ danh của dân tộc Chơ ro.

Hiền Thảo (Tổng hợp)

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/dia-phuong/nhung-mon-an-co-nguyen-lieu-tu-rung-noi-tieng-dat-dong-nai/20170612114959409p1c937.htm