Những lý do khiến đồ thủ công mỹ nghệ Việt bị 'Trung Quốc hóa'

Một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là do chúng ta thiếu tài liệu, thiếu hiện vật, thiếu không gian gốc … để từ đó các nghệ nhân, nghệ sĩ sáng tạo nên những giá trị mới.

Như thông tin phản ánh trong bài viết Đồ thủ công mỹ nghệ Việt đang bị 'Trung Quốc hóa' , đồ thủ công mỹ nghệ gắn mác Việt nhưng không phải Việt đang khá phổ biến tại một số làng nghề truyền thống hiện nay.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức là: "Thứ nhất, tầng lớp thượng lưu của Việt Nam không có truyền thống sử dụng các sản phẩm văn hóa dân tộc. Do đó để tồn tại trong thời buổi kinh tế thị trường thì các làng nghề bắt buộc phải chuyển hướng đi sản xuất theo mẫu mã Trung Quốc.

Thứ hai là các sản phẩm mang dấu ấn Việt thường không có giá trị ứng dụng thực tiễn.

Thứ ba là chúng ta thiếu sáng tạo từ nền tảng truyền thống. Nếu giờ vẫn chỉ sản xuất những sản phẩm giống hết các cụ ngày xưa thì chẳng ai mua. Vấn đề của chúng ta là sáng tạo thế nào để vừa chứa đựng tinh thần Việt, vừa có giá trị ứng dụng thực tiễn. Đây mới là cốt lõi của vấn đề".

Đồ gỗ mỹ nghệ Việt có thuần Việt?

Đồng tình với quan điểm trên, GS – kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho hay: “Tôi cho rằng người Việt khó có thể tạo ra những sản phẩm có dấu ấn mà nhìn là người ta phát hiện ra ngay (giống như đồ Nhật, đồ Trung Quốc). Tôi nhớ một ông kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật từng nói, muốn tạo nên một nền kiến trúc có bản sắc riêng thì phải quên truyền thống đi.

Điều này cho thấy, truyền thống không phải là cái bị rập khuôn, làm nhái theo. Muốn tạo ra được những sản phẩm phù hợp với tâm thức người Việt, chúng ta phải đi lên từ vốn liếng mỹ thuật truyền thống, kết hợp với sự biến hóa, sáng tạo. Tiếc rằng do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan mà chúng ta chưa định hướng được tới vấn đề này”

Vấn đề mà GS Hoàng Đạo Kính nêu ở trên cũng được họa sĩ Cù Minh Khôi phân tích cụ thể: "Hiện nay nhiều người không phân biệt được đâu là hoa văn, họa tiết Việt, đâu là hoa văn Trung Quốc. Vì thế nhóm của chúng tôi đã thực hiện dự án Hoa văn Đại Việt, vẽ lại và số hóa khoảng 200 mẫu hoa văn, họa tiết Việt ở từng thời kỳ khác nhau, bắt đầu từ thời Lý, Trần …

Mục đích của chúng tôi là quảng bá nó tới người dân để dần dần giúp họ định hướng và nhận thức lại văn hóa truyền thống. Dự kiến trong tháng 12 tới đây chúng tôi sẽ công bố rộng rãi trên mạng".

Nội thất Việt đang bị méo mó?

Trong khi đó, nhà thiết kế nội thất Cao Lâm thì chỉ ra 4 nguyên nhân khác là: "Thứ nhất, việc đào tạo sinh viên các ngành thiết kế, mỹ thuật ... chưa có định hướng rõ ràng, chưa giúp họ hiểu được vốn liếng văn hóa truyền thống là như thế nào. Bản thân tôi học thiết kế nội thất nhưng tôi không biết trước đây cha ông ta sống ở không gian như thế nào? Sử dụng những đồ vật gì? Cách sắp xếp chúng ra sao? ...

Nguyên nhân này xuất phát từ một nguyên nhân quan trọng nhất là chúng ta thiếu tài liệu, hiện vật, thiếu những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Không biết truyền thống thì không thể sáng tạo dựa trên nền tảng truyền thống được. Và cả hai nguyên nhân trên dẫn tới một vấn đề là tâm lý thờ ơ với giá trị lịch sử và thụ động trong tìm tòi, sáng tạo từ nền tảng cái cũ.

Một ý kiến khác cũng rất đáng lưu ý của độc giả Nguyễn Văn Sơn gửi tới báo Người đưa tin tâm sự rằng: "Tôi là người con của làng nghề Đồng Kỵ. Nhiều năm tôi luôn suy nghĩ phải làm sao để đưa được văn hóa việt, tinh thần việt vào từng sản phẩm. Thế nhưng không đơn vị nào có thể mô tả đươc chi tiết yếu tố thuần việt đó. Một số nghệ nhân thì không đủ tiềm lực để tìm hiểu và cho ra đời sản phẩm việt vì chi phí của sản phẩm mỹ nghệ khá cao"

Qua một số ý kiến phân tích ở trên, chúng ta thấy rằng con đường để Việt hóa đồ thủ công mỹ nghệ vẫn còn rất nhiều vấn đề phải bàn và cố gắng. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng các làng nghề hay của những người nghiên cứu văn hóa truyền thống.

Phạm Văn

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-ly-do-khien-do-thu-cong-my-nghe-viet-bi-trung-quoc-hoa-a306473.html