Những lời ru buồn sau hôn nhân

Vợ chồng đến với nhau vì cái tình; sống với nhau còn thêm cái nghĩa và nhiều cặp chia tay nhau khi không còn duyên nợ. Lúc này, tuy không còn là gì của nhau nhưng vẫn còn đó đứa con chung của hai người. Câu chuyện thăm gặp, đưa đón con đi chơi đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa những người từng gọi nhau bằng hai tiếng thân thương “chồng- vợ”. Khi không có sự thống nhất, nhiều sự việc đã xảy ra ngoài tầm kiểm soát, đẩy đứa trẻ thêm một lần nữa phải hứng chịu nỗi đớn đau, mất mát và bất hạnh…

Ngày 30-6, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Giết người và đã tuyên phạt Phạm Xuân Linh, SN 1981, trú tại quận 10, TP HCM mức án 15 năm tù về tội danh này. Cáo trạng của VKSND TP HCM thể hiện: Linh và chị Phạm Ngọc Dung, SN 1981 trước là vợ chồng nhưng do nhiều bất đồng trong cuộc sống, hai bên đã giải quyết ly hôn dứt điểm vào năm 2012. Theo nguyện vọng của bản thân và phán quyết của tòa, chị Dung được quyền nuôi đứa con chung của hai người. Sau khi đường ai nấy đi, chị Dung đưa con gái 7 tuổi về sinh sống tại căn nhà trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8, TP HCM. Kể từ đó, Linh đến đón con về nhà mình chơi đều đặn hàng tuần. Quá trình đi lại thăm nom, đón con và gặp lại người vợ cũ, giữa hai bên đã xảy ra nhiều mâu thuẫn. Ấm ức với Linh, chị Dung tỏ ý không muốn cho Linh đến thăm con nữa và đã gây khó dễ trong việc thăm con của Linh. Đọc được ý đồ của vợ cũ, Linh rất tức tối và nghĩ cách đối phó với chị Dung.

Bị cáo Phạm Xuân Linh tại phiên sơ thẩm. Ảnh tư liệu

Sáng 10-5-2015, Linh đến đón con về nhà chơi thì xảy ra cự cãi với vợ cũ. Tức giận, anh ta về nhà thay một bộ đồ giống của nhân viên điện lực, mang theo túi xách màu đen trong có dao, băng dính và một số dụng cụ khác rồi quay lại nhà vợ cũ. Trong trang phục rất giống một nhân viên đến sửa chữa điện với mũ bảo hộ, khẩu trang kín mít, Linh đã thành công trong việc tạo tình huống giả và dễ dàng đi vào tầng 1 nhà chị Dung. Nhân lúc chị Dung không chút đề phòng, Linh lấy con dao trong túi kề vào cổ vợ cũ uy hiếp. Bị phản ứng lại, Linh và chị Dung ngã ra nền nhà khiến con dao cứa mạnh vào cổ chị Dung làm máu chảy rất nhiều. Chị Dung sợ hãi kêu la nhưng bị Linh nắm đầu đập mạnh nhiều lần xuống nền nhà. Nghe tiếng kêu cứu của chị Dung, hàng xóm đã báo cho bảo vệ dân phố đến bắt giữ Linh. Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.

Trước tòa, Linh giải thích rằng, khi đó quá giận vợ cũ vì đã làm khó mình trong việc thăm gặp con nên anh ta mới bột phát về nhà lấy dao rồi quay lại khống chế, đe dọa chị Dung. Việc chị Dung chết là nằm ngoài ý đồ của bị cáo. Theo HĐXX, hành vi của bị cáo là côn đồ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng nạn nhân cũng có phần lỗi khi ngăn cản bị cáo thăm con dẫn đến tinh thần bị ức chế... Đây là căn cứ để tòa giảm cho bị cáo một phần hình phạt và đã tuyên Phạm Xuân Linh mức án 15 năm tù.

Đầu tháng 10-2015, tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An cũng xảy ra vụ án Giết người với nguyên nhân là người chồng cho rằng mình bị vợ cũ ngăn cản trong việc thăm nom con cái. Thủ phạm trong vụ án này tên Huỳnh Trung Tú, SN 1989, trú xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An và nạn nhân là vợ Tú- chị Tăng Thị Hiền.

Tại thời điểm xảy ra vụ án, giữa Tú và chị Hiền vẫn chưa dứt nghĩa phu thê vì đơn ly hôn của hai bên đang được tòa án thụ lý. Sau khi gửi đơn lên tòa, chị Hiền ôm đứa con trai 9 tháng tuổi về nhà bố mẹ đẻ sinh sống. Tối 7-10-2015, Tú gọi điện bảo chị Hiền mang con về nhà chơi một chút trước lúc Tú đi làm ăn xa nhưng chị Hiền không làm theo. Đợi mãi không thấy chị Hiền mang con về nhà, Tú giận dữ lấy xe máy chạy qua nhà bố mẹ vợ gặp chị Hiền nói chuyện. Nhìn thấy vợ đang ngồi, Tú và chị Hiền lại nảy sinh cãi vã. Giữa lúc đó, Tú vớ lấy con dao bầu kề vào cổ khống chế vợ mình. Dù được bố mẹ vợ phát hiện, can ngăn nhưng cơn cuồng nộ khiến Tú mất hết lý trí, đã đâm liên tiếp vào người chị Hiền. Thấy vợ gục tại chỗ, Tú cũng tự đâm vào người mình tự tử tuy nhiên hắn ta đã được cứu sống còn chị Hiền thì tử vong do vết thương quá nặng. Trong phiên xét xử diễn ra ngày 8-1-2016, với hành vi đã gây nên, Tú bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt mức án 12 năm tù về tội Giết người. Riêng đứa trẻ là con chung của Tú và chị Hiền, tạm thời giao cho gia đình bên ngoại chăm sóc trong thời gian Tú đi thụ án.

Sau “chiếc ô chia đôi” của hôn nhân, không hiếm gặp những tiếng ru buồn. Nếu việc phân chia tài sản tại các phiên tòa xử ly hôn đã là khó thì việc “phân chia” con còn phức tạp hơn nhiều bởi bố mẹ cạn nghĩa, cạn tình nhưng con cái vẫn vẹn nguyên tình yêu và mong muốn có sự gắn kết giữa bậc sinh thành ra mình. Theo phán quyết của tòa án, việc thăm gặp và nghĩa vụ tài chính trong việc chăm sóc, nuôi dạy con đã được quy định rõ ràng nhưng vì nhiều lý do, mâu thuẫn liên quan đến vấn đề này vẫn xảy ra.

Ở những cuộc cãi vã như vậy, vai trò của các tổ hòa giải cơ sở là rất quan trọng và thực tế đã phát huy tốt hiệu quả, ngăn ngừa nhiều vụ cãi vã, xô xát vì hai bên không thống nhất cho phía bên kia thăm nom hoặc đón con đi chơi. Trong những tình huống này, dù giận hay chẳng còn ưa đối phương nữa nhưng người trực tiếp nuôi con cần tạo điều kiện cho bố/mẹ của con mình được thực hiện quyền gặp gỡ, thăm con. Không nên vì mâu thuân hay nghĩ đến những sai lầm của nhau trong quá khứ mà có thái độ, lời nói, hành vi cấm cản đối phương đến với con cái vì chẳng những để lại nỗi muộn phiền, bực bội cho người trong cuộc mà còn khiến con cái khó xử, mang nặng nỗi mặc cảm. Và như hai vụ án đã nêu, hậu quả của việc không tạo điều kiện cho chồng cũ thăm gặp con cái còn là bi kịch, nước mắt cũng như nỗi đau đớn không thể nguôi ngoai….

Linh Anh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/phap-luat/nhung-loi-ru-buon-sau-hon-nhan-113834