Những lời 'hứa suông' sau sự cố mất nước

Trong sự cố vỡ đường ống cấp nước sông Đà mới đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) thông báo tới khách hàng sẽ ngừng cấp nước từ 14h30 ngày 11-7-2016 đến 0h ngày 12-7-2016, nhưng thực tế đến mấy ngày sau nhiều hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông… vẫn chưa có nước sử dụng. Vậy phải chăng Viwaco chỉ "hứa suông" để trấn an khách hàng?

Người dân KTT Thuốc lá Thăng Long (quận Thanh Xuân) xếp hàng chờ lấy nước từ bể công cộng.

Khổ như mất nước

Nhận được thông báo Viwaco tạm ngừng cấp nước sạch để sửa chữa đường ống, các khách hàng của công ty đều có ý thức sử dụng nước tiết kiệm. Nhưng qua mốc thời gian thông báo, đến tận mấy ngày sau, khi lượng nước tiết kiệm đã cạn kiệt mà người dân vẫn chưa thấy nước máy chảy về. Gọi tới Đường dây nóng của Viwaco cũng không kết nối được, hoặc nếu có người nghe máy cũng chỉ trả lời chung chung tình hình nước sạch đang khó khăn, mong người dân chia sẻ, khi nước đầy ống sẽ cấp đủ đến các hộ dân ngay... Vậy nhưng chờ thêm mấy ngày nữa tình hình vẫn không cải thiện.

Chẳng biết "kêu" ai, ông Hoàng Văn Lập (P303, nhà B, khu tập thể Thuốc lá Thăng Long, ngõ 133 đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) đã gọi điện đến Đường dây nóng Báo Hànôịmới “cầu cứu”. Ngay cả ở cách khu tập thể Thuốc lá Thăng Long không xa, khu tập thể Cao su Sao vàng (đường Khương Đình) liền sát trạm bơm tăng áp của Viwaco với một bể nước lớn hàng nghìn khối cũng chịu cảnh thiếu nước sạch. Ông Lê Văn Nhân (số nhà 49, F8, khu tập thể Cao su Sao vàng) cho biết, công nhân kỹ thuật bên Viwaco cũng thường xuyên túc trực để bơm nước nhưng máy bơm bật lên chỉ 3-5 phút là tự ngắt chứng tỏ không có giọt nước nào trong bể.

Cụm tuyến phố Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Ngọc Nại (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) cũng chung cảnh thiếu nước trầm trọng mỗi khi đường ống nước sông Đà gặp sự cố. Bác Vũ Minh Châu (Chi hội trưởng Cựu chiến binh tổ 17 phường Khương Mai) cho biết, tất cả quần áo của mọi người trong nhà đều xếp đống không dám giặt giũ, nước sạch ưu tiên cho việc ăn uống và vệ sinh.

Cả tổ 17 phường Khương Mai có 256 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu thì chỉ có một số hộ ở gần khu vực Nhà công vụ Phòng không - Không quân, hay những hộ sử dụng song song 2 nguồn nước sông Đà và Phòng không - Không quân còn có nước và san sẻ cho nhau để sử dụng. Ông Bế Thành - Phó Giám đốc Ban Kỹ thuật Công ty Viwaco cho biết, những địa chỉ do Đường dây nóng Báo Hànôịmới cung cấp chỉ là số ít nằm trong khó khăn chung của toàn bộ hệ thống khách hàng dùng nước sông Đà mỗi khi có sự cố. Những địa bàn vốn bất lợi về địa hình và ở cuối nguồn cấp như các ngõ 155 đường Trường Chinh, ngõ 1 phố Phan Đình Giót, ngõ 192 phố Lê Trọng Tấn… đều được Viwaco cấp nước bằng xe stec. Tuy nhiên, do xe stec chỉ chở khoảng 4m3 nước nên diện cấp hạn chế, không phù hợp với các địa điểm đông dân như khu tập thể cao tầng.

Bao giờ mới đủ nước?

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguồn nước từ Nhà máy Nước mặt sông Đà cấp trung bình 230.000m3/ngày-đêm cho Hà Nội, trong đó cấp cho Công ty Viwaco 175.000m3/ngày-đêm; Công ty Nước sạch Hà Đông 35.000m3/ ngày-đêm; Công ty Nước sạch Hà Nội 20.000m3/ngày-đêm. Khoảng 200.000 khách hàng sử dụng nguồn nước này là hộ gia đình, tập thể, cơ quan, trường học, bệnh viện… trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông.

Theo tính toán, lượng nước cấp từ Nhà máy Nước mặt sông Đà về Hà Nội chiếm khoảng 27% tổng sản lượng nước tiêu thụ toàn thành phố nhưng chỉ có duy nhất một tuyến ống truyền dẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố không dự liệu được nên mỗi lần mất nước thì toàn bộ khách hàng dùng nguồn nước sông Đà đều bị ảnh hưởng. Vậy nên các sự cố đường ống truyền dẫn nước sông Đà được đánh giá là ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấp nước cho nhân dân, đặc biệt khu vực các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai.

Nói về nguyên nhân chậm cấp nước trở lại, ông Lê Hồng Quân - Trưởng phòng Quản lý Hạ tầng cấp thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, do trong quá trình khắc phục sự cố, Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) phát hiện thêm một điểm nguy cơ vỡ cao tại Km27+200 và phải khắc phục, xử lý vào ngày 14-7-2016. Đây là sự cố “kép”, đến 3h00 ngày 15-7-2016 mới khắc phục xong. Tuy nhiên, khi cấp nước trở lại, Viwasupco đã hạ áp lực trên tuyến ống xuống 2/3 so với trước khi xảy ra sự cố nên nhiều khu vực người dân không có nước đã phản ánh đến Báo Hànôịmới. Đến chiều ngày 17-7-2016, Viwasupco tăng dần áp lực cấp nước và các ngày sau mới cấp ổn định cho Viwaco và Công ty Nước sạch Hà Nội.

Để giảm thiểu mức ảnh hưởng đến đời sống nhân dân mỗi lần xảy sự cố tuyến ống cấp nước sông Đà, Sở Xây dựng Hà Nội đã xây dựng phương án cụ thể với từng đơn vị cấp nước. Công ty Viwasupco vận hành tối ưu nhà máy và van điều tiết bảo đảm tuyến ống truyền dẫn số 1, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị, nhân lực thực hiện khắc phục sự cố vỡ ống trong thời gian nhanh nhất, không kéo dài quá 10giờ/1 điểm vỡ. Về lâu dài, để khắc phục tình trạng nguồn cấp nước sạch thiếu hụt lớn so với nhu cầu sử dụng, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án tuyến ống truyền dẫn nước số 2 từ Nhà máy Nước mặt sông Đà về Hà Nội, dự án cấp nước mặt sông Hồng, sông Đuống... nhằm bảo đảm cung cấp nước ổn định cho nhân dân.

Thùy Ngân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/843405/nhung-loi-hua-suong-sau-su-co-mat-nuoc