Những loại quả đầu mùa đắt xắt ra miếng ở miền Bắc

Mới đầu mùa nhưng những loại quả này vẫn hấp dẫn người mua mặc dù giá đắt đỏ hơn cả chục lần chính vụ.

Mận

Năm nay, sản lượng mận giảm, nhưng quả to đều và ngon

Mận vốn được biết đến là loại hoa quả có giá bình dân, chỉ 15.000 – 20.000 đồng là sẽ có 1 túi mận đầy ụ để nhâm nhi mỗi khi chị em ngồi tán gẫu, buôn chuyện. Thế nhưng, với giá mận tam hoa lại khác, giá bán hiện tại trên thị trường dao động từ 50.000 – 100.000 đồng/kg, trung bình 20 quả/kg, tính ra mỗi quả mận có giá đến 5.000 đồng.

Trên thị trường hoa quả Hà Nội loại hoa quả này được đặc biệt yêu thích và khá khan hàng. Chia sẻ trên Dân Trí, chị Ngọc – tiểu thương bán hoa quả tại chợ Quang: “Đầu mùa giá mận tam hoa cao chót vót tới 100.000 – 120.000/kg, mà nhiều khi khách hỏi còn không có hàng bán. Bây giờ vào mùa giá còn giảm bớt, mận tam hoa loại 1 giá bán 90.000 đồng/kg, mận tam hoa loại 2 giá bán 50.000 đồng/kg, nếu không chọn quả thì rẻ hơn 10.000 đồng”.

Giá thành của loại mận này không chỉ năm nay mới cao, mà năm ngoái mận tam hoa cũng có giá ngót nghét gần trăm nghìn khi vào vụ, đến cuối vụ giá còn bị độn lên đến 120.000 – 150.000 đồng/kg.

Với giá thành khá cao, nhưng mận tam hoa vẫn được lòng người mua hơn so với các loại mận khác trên thị trường như: mận hậu, mận cơm,…

Theo khảo sát, giá mận hậu chỉ khoảng từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, giá mận cơm rơi vào khoảng 20.000 đồng/kg, như vậy giá mận tam hoa cao gấp 3 đến 4 lần so với các loại mận khác.

Vải

Vải u đầu mùa giá cao

Từ cuối tuần qua, tại các cửa hàng hoa quả, gánh hàng rong ở Hà Nội lác đác bắt đầu bán vải - loại quả vốn được người tiêu dùng ưa thích trong những dịp đầu hè.

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Hương, chủ cửa hàng hoa quả tại khu đô thị Linh Đàm (Q.Hoàng Mai) cho biết, loại vải chị bán có xuất xứ từ Thanh Hà (Hải Dương), do mới vào mùa nên giá biến động từng ngày.

“Cuối tuần vừa rồi, tôi bán 80.000 đồng/kg. Mỗi ngày hạ thêm 1 giá, thời điểm này, giá bán là 60.000 đồng/kg. Giá vải năm nay cao, ít người mua, bảo quản khó, chúng tôi không dám lấy nhiều, mỗi ngày cửa hàng chỉ lấy 20 kg về bán", chị Hương nói.

Còn tại một cửa hàng thực phẩm sạch trên phố Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng), vải đang có giá 106.000 đồng/kg. Theo nhân viên bán hàng, đây là loại vải được tuyển chọn từ các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn Vietgap hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng ngon và thời gian bảo quản lâu hơn, nên giá cao so với vải đang bán trên thị trường.

Trong khi đó, trên các tuyến phố của Hà Nội, hàng xe thồ, gánh hàng rong đang quảng cáo bán vải thiều với giá “mềm” hơn 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Sấu

Sấu đầu mùa có giá khá đắt khoảng 100.000 đồng/kg.

Khoảng chục ngày gần đây, tại các khu chợ ở Hà Nội như: Đồng Xuân, Phùng Khoang, Nghĩa Tân, Cầu Giấy… sấu non được bày bán khá nhiều. Hiện giá sấu dao động từ 50 – 100 nghìn/kg, đắt gấp 2 – 3 lần so với mức thông thường.

Tại chợ Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội ) giá sấu đầu mùa được bán tại đây là 100.000 đồng/kg. Đây là những trái sấu non được thu hái từ những vùng quê ngoại thành Hà Nội như Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức.

Tại chợ Vồ (Hà Đông) trái sấu đầu mùa được bán với giá mềm hơn một chút là 85.000 đồng/kg. Theo tiết lộ của chị Nguyễn Thị Trà My với PV Viet Q, một người bán sấu tại đây thì nhờ buôn, bán sấu mà mỗi mùa sấu chị cũng lãi chừng 20 - 30 triệu đồng. Thâm chí, có những năm được giá còn mang về tiền lãi cao hơn.

Cũng theo chị My, ngoài việc hái sấu bán dần tại các chợ thì chị My còn hái nhập cho các thương lái chuyển vào khu vực Nam Bộ tiêu thụ. Giá sấu tùy thuộc vào biến động chung của thị trường. Thường giá đầu mùa đắt gấp 5 lần và sau đó thì giảm nhiệt dần. Chị My dự báo , do năm nay được mùa nên giá sấu có thể sẽ rẻ hơn những năm trước khi chính vụ.

Với thời tiết Hà Nội khi vào hè thường nắng nóng vậy nên món canh sấu, sấu dầm chua ngọt chua rất thích hợp cho bữa cơm gia đình. Vậy nên dù sấu đầu mùa có giá đắt nhưng vẫn thu hút rất nhiều các bà nội trợ.

Lily (t/h)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thi-truong/nhung-loai-qua-dau-mua-dat-xat-ra-mieng-o-mien-bac-20170525171408603.htm