Những lo ngại từ “đạo luật mũi tên” bắn ra từ Quốc hội Hoa Kỳ

Arab Saudi và các quốc gia khác trong vùng Vịnh ngày 30-9 đã cảnh báo nguy cơ chấm dứt hợp tác kinh tế và chống khủng bố với Mỹ trong bối cảnh Quốc hội Mỹ vừa thông qua đạo luật “Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố” (gọi tắt là JASTA).

Trong tuyên bố đưa ra trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Arab Saudi cũng mạnh mẽ lên án việc Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật này vì nó cho phép gia đình và thân nhân các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 kiện Arab Saudi.

TS Anwar Gargash, Ngoại trưởng Arab Saudi nói: “Pháp luật vì dân trong trường hợp Dự luật JASTA đã chiếm ưu thế hơn là chủ nghĩa duy lý. Nhưng điều này lại tạo ra những rủi ro khác về pháp luật và đầu tư quốc tế. Hệ quả của việc này là rất nghiêm trọng và lâu dài”.

Còn Ngoại trưởng Bahran Sheikh Khaled bin Ahmed bình luận rằng, ở đây, đạo luật “là mũi tên đã được Quốc hội Mỹ bắn ra”. Nhiều quốc gia khác trong khu vực vùng Vịnh thì cho rằng, đạo luật JASTA đang “làm suy yếu quyền miễn trừ quốc gia” và tác động tiêu cực đến nhiều nước khác, trong đó có Mỹ. Điều đó tạo ra một tiền lệ xấu về sau, nguy cơ đẩy các nước rơi vào những cuộc chiến trả đũa pháp lý lẫn nhau bằng pháp luật riêng của mình.

Một số nhà ngoại giao khác trong khu vực thì bày tỏ hy vọng rằng, Quốc hội Mỹ sẽ có những “điều chỉnh hợp lý” để tránh những hậu quả nghiêm trọng ngoài ý muốn về mọi phương diện có thể xảy ra. Một quan chức của Arab Saudi khi trả lời hãng thông tấn AP cho biết, còn quá sớm để chính quyền Riyadh và các đồng minh khác trong khu vực đưa ra phản ứng trước đạo luật này.

Christian Koch, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vùng Vịnh có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) cảnh báo: “Tôi chắc rằng các quốc gia vùng Vịnh sẽ có động thái mạnh xung quanh đạo luật này. Đạo luật JASTA thực sự sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh của nước Mỹ, cũng như làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ chiến lược không chỉ giữa Mỹ với Arab Saudi, mà cả giữa Mỹ với các nước đồng minh khác trong khu vực này”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Quốc vương Arab Saudi Salman tại cung điện Erga ở Riyadh, Arab Saudi hồi tháng 4 vừa qua. Ảnh: AP.

Giới quan sát nhận định rằng, việc Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua đạo luật JASTA có thể gọi là một hành động mang tính “bốc đồng”. Nói thế là bởi lẽ chỉ vài giờ sau khi bỏ phiếu, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về hậu quả mà nước Mỹ phải đối mặt. Hơn nữa, có thể nói hành động của các nghị sĩ Mỹ chỉ là trò “trả đũa” bởi trước đó, vào hôm 24-9, Tổng thống Barack Obama đã phủ quyết JASTA.

Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell thừa nhận, các nhà lập pháp có lẽ không nhận ra hậu quả tiềm năng của JASTA. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan trong cuộc gặp gỡ báo giới tối 29-9 cũng thừa nhận cần phải có sự thay đổi nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ tại nước ngoài và tránh những rắc rối ngoại giao phát sinh.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest thì tuyên bố, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama sẵn sàng đàm phán lại với các nghị sĩ đề giảm thiểu những hậu quả mà đạo luật JASTA gây ra.

Nguồn tin từ hãng CNN cho biết, cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ diễn ra hôm 29-9 và thu được kết quả là 97 phiếu thuận, 1 phiếu chống của lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid. Tại Hạ viện, số phiếu thuận và chống là 348 và 77 phiếu. Ngay sau khi nhận được thông tin này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo, việc cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đồng loạt phủ quyết quyết định của ông đối với JASTA là “một tiền lệ nguy hiểm” và rằng “tôi không mong đợi điều này.

Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cũng lo ngại động thái của Quốc hội Mỹ sẽ để lại hậu quả khôn lường bởi trong quá khứ, Arab Saudi từng cung cấp rất nhiều thông tin tình báo giúp Mỹ chặn đứng nhiều âm mưu khủng bố. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell thì kêu gọi các quan chức chính phủ phải có biện pháp can thiệp ngay từ đầu.

Phan Hiển

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/nhung-lo-ngai-tu-dao-luat-mui-ten-ban-ra-tu-quoc-hoi-hoa-ky-410608/