Những lính thợ giỏi

Đảm trách nhiệm vụ sản xuất vũ khí, trang bị quân dụng cho quân đội và lực lượng dân quân tự vệ; bằng kiến thức, kinh nghiệm và lòng yêu nghề, những người lính thợ tại các xí nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã không ngừng lao động sáng tạo, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Đến Nhà máy Z111, mọi người sẽ nhắc nhiều về “cây sáng kiến” Nguyễn Thọ Tâm, chỉ trong 3 năm trở lại đây anh đã có 5 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất. Đặc biệt là hai sáng kiến “Móc kéo đạn RPD” và “Công nghệ dập các chi tiết dạng tròn” của anh đã góp phần tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế.

Không chỉ đam mê nghiên cứu, phát huy sáng kiến, trên cương vị là Phó Bí thư Chi đoàn phân xưởng A4, Thượng úy Nguyễn Thọ Tâm còn hỗ trợ nhiều đoàn viên trong chi đoàn tích cực nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Với sự tham mưu của anh, Ban Chấp hành Chi đoàn đã đề nghị với cấp ủy chỉ huy phân xưởng A4 tạo điều kiện cho cán bộ, đoàn viên đăng ký đề tài sáng kiến, làm việc theo nhóm cũng như phân công thợ bậc cao hướng dẫn, giúp đỡ xác định lộ trình, kế hoạch thực hiện các ý tưởng nghiên cứu. Do đó, trung bình mỗi năm, phân xưởng A4 có khoảng 10 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất.

Kỹ thuật viên Nhà máy Z111 - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng hoàn thiện những khâu cuối để chuẩn bị lắp nòng súng.

Công tác tại phân xưởng gia công cơ khí, Nhà máy Z189, đoàn viên Nguyễn Cảnh Nam đã không ngừng nỗ lực vươn lên, năm 2015 anh đoạt giải nhất thợ hàn giỏi toàn quân. Từ đầu năm 2015 đến nay, Nguyễn Cảnh Nam đã có 9 sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, làm lợi cho đơn vị hơn 100 triệu đồng.

Nguyễn Cảnh Nam cho biết: “Trực tiếp làm thợ nên tôi nghĩ để hoàn thành nhiệm vụ tự mình phải nỗ lực cố gắng. Cũng từ thực tế làm việc, tôi thấu hiểu được khó khăn mà những công nhân gặp trong điều kiện máy móc còn thiếu thốn như hiện nay. Vì vậy, tôi đang tiếp tục nghiên cứu đề tài “Cải tiến, hiện đại hóa quy trình hàn” với hy vọng sáng kiến sẽ được áp dụng rộng rãi không chỉ trong nhà máy mà còn được nhân rộng, góp phần cải thiện điều kiện làm việc của người lao động”.

So với nam giới, phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học, nhất là ở lĩnh vực vũ khí có những khó khăn, vất vả nhất định bởi ngoài bản lĩnh, tinh thần thép đòi hỏi chị em phải có tâm huyết và niềm đam mê. Nhiều chị đã thể hiện được dấu ấn bản thân qua những sáng kiến của mình. Thượng tá Bùi Thị Lộc, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm, Nhà máy X113 là một điển hình. Tên tuổi của chị đã gắn với nhiều công trình, đề tài khoa học có giá trị ứng dụng vào sản xuất và đạt hiệu quả cao: Hoàn thiện công nghệ ghép đai thanh cho đạn 112-D44, nghiên cứu sửa chữa lớn đạn cao xạ 37mm sát thương vỏ đạn thép…

Đặc biệt, đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đạn 7,62-K56 lõi hợp kim xuyên áo giáp” hoàn thành năm 2015 đã ghi dấu ấn trong cuộc đời binh nghiệp của chị bởi đề tài được cơ quan chức năng đánh giá là đề tài mới, phức tạp về kỹ thuật và công nghệ đã được xử lý thỏa đáng, đạt hiệu quả. Chị đã được Bộ Quốc phòng khen thưởng và thăng quân hàm trước niên hạn.

Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đội ngũ cán bộ, công nhân viên thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng luôn tích cực hưởng ứng. Trung tướng Khuất Việt Dũng, Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cho biết: Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn Tổng cục đã có hơn 10.000 đề tài sáng kiến làm lợi cho các cơ quan, đơn vị hàng chục tỷ đồng.

Trong đó, riêng đội ngũ thợ trẻ giỏi của Tổng cục đã có hơn 8.200 đề tài sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các đơn vị, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất quốc phòng. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật trong thời điểm hiện tại là cơ hội tốt để cán bộ, nhân viên của Tổng cục sáng tạo, cống hiến vì sự phát triển của Ngành Công nghiệp quốc phòng.

Do đó, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở các nhà máy, xí nghiệp thuộc Tổng cục rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chỉ huy các cấp để phát triển mạnh hơn nữa. Các cơ quan, đơn vị cần xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ khoa học có trình độ cao đồng thời hướng công tác nghiên cứu vào việc thiết kế, sản xuất trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại...

Hiền Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/853007/nhung-linh-tho-gioi