Những lễ hội có tiếng bởi tai tiếng

Điều không thể phủ nhận nét đặc sắc của lễ hội ở nước ta được hình thành từ quá khứ, đang tiếp tục được duy trì là minh chứng cho vai trò trong đời sống văn hóa của dân tộc.

Thế nhưng trong quá trình tiếp biến văn hóa, có những lễ hội dường như không còn chỗ đứng bởi chính sự “tai tiếng” của nó đem lại.

1. Lễ hội đâm trâu Tây Nguyên

Nguồn gốc cuộc vui cộng đồng từ xưa cha ông gọi là lễ hội ấy có từ bao giờ chưa ai biết, chỉ biết trong hệ thống lễ hội nông nghiệp rải rác khép kín chu kỳ sản xuất ở Tây Nguyên, lễ hội đâm trâu có lâu đời, được xem là lễ hội lớn phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa con trâu - SapaKô - cây lúa - sự ấm no - an vui - ước vọng.

Lễ đâm trâu, có nơi còn gọi là lễ “ăn trâu”. Đây là lễ hiến sinh, là sự “thông quan” giữa con người với giàng và thần linh, là lời cảm ơn giàng (trời), cảm ơn thần linh đã cho mưa thuận gió hòa, đã giúp cho dân làng ngăn cản muông thú, chim chóc không phá hoại rẫy nương, cho mùa màng tươi tốt, dân làng sống hòa thuận, vui vẻ, không xảy ra dịch bệnh...

Ngày đầu tiên của lễ hội đâm trâu là ngày hội dựng cột nêu, cột trâu là cọc hiến tế. Những người có uy tín trong làng được giao trách nhiệm mời bà con đến dự hội, già làng làm lễ cúng cột trâu. Người tế chủ đứng bên con trâu đọc lời khấn thần và khấn trâu trước lúc đâm trâu.

Ngày thứ hai lễ đâm trâu thực sự bắt đầu. Già làng cầm nắm gạo và nước sạch vãi vào mình trâu và đọc. Người ta dùng gươm chặt vào hai khuỷu chân con trâu, lấy lời khấn trời phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, xin tế trời một con trâu, mong trời phú cho buôn làng năm sau làm ăn được mùa.

Các thanh niên đầu chít khăn đỏ, tay cầm khiên, giáo nhảy múa quanh con trâu theo nhịp cồng chiêng. Sau nghi lễ nhảy múa, những trai làng khỏe mạnh bắt đầu đâm trâu.

Ai trong số đó đâm một nhát vào tim trâu chết thì được cả làng hò reo tán thưởng. Chiếc chiêng mẹ được úp lên mặt trâu và sau đó, người ta lấy máu trâu bôi lên cây nêu, cột đâm trâu và chiếc kèn các chàng trai đang thổi.

Cuối cùng, con trâu bị đâm sẽ được xẻ thịt chia cho các gia đình. Một phần con trâu được giữ lại để uống rượu chung tại nhà rông.

2. Lễ Đâm trâu ở các lễ hội Thừa Thiên Huế

Cũng giống như Tây Nguyên, nghi lễ Đâm trâu ở huyện Nam Đông cũng không cố định về thời gian. Trong bất cứ dịp lễ hội lớn nào, nghi lễ này lại được tái hiện.

Dân làng chọn một con khỏe mạnh đưa đi tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống rồi đem buộc bằng dây mây vào một cột nêu. Lễ hội đâm trâu chính thức khai hội. Bên hũ rượu cần, trong tiếng chiêng trống rộn vang… dân làng hồ hởi chung vui trong ngày hội lớn của mình

Một vị già làng được phụ trách đâm trâu. Khi con trâu chảy những giọt máu đầu tiên, vị già làng sẽ lấy để cúng tế, thể hiện sự cảm ơn với với thần linh và xua đuổi tà ma.

Đặc biệt khi con trâu bị hạ gục làm lễ, bên cạnh những lễ vật tế Trời, vị chủ tế sẽ đọc lời khấn cầu xin hay tạ ơn thần linh đã che chở cho dân làng và mời thần linh xuống ăn thịt trâu, uống rượu cần

3. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu

Hàng năm vào ngày 16 và 17 tháng giêng âm lịch, tại xã Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc) lại tưng bừng diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống.

Bất chấp trời mưa phùn, hàng vạn khán giả vẫn đổ về sới chọi khiến cả bốn khán đài chật kín để được tận mắt xem các “ông cầu” - cách gọi sau khi trâu đã được cúng sống Thành Hoàng làng, thi tài.

Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà. Nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, sông Lô (Vĩnh Phúc) để tổ chức đánh giặc.

Sau mỗi trận thắng Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi được giết để khao quân. Khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm Thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.

Những con trâu to khỏe được người ta cho lao vào nhau bằng những cặp sừng sắc nhọn trong tiếng reo hò đầy phấn khích. Nhiều con trâu đã “tử trận” ngay trên bãi.

Thế nhưng điều khiến nhiều người sau khi xem hội không khỏi rùng mình ám ảnh bởi kể cả trâu thua trận hay thắng trận, sau khi đấu xong, các ông chủ đều dùng nguồn điện cho giật chết trâu và xẻ thịt đem bán cho khách để lấy may(?!).

4. Lễ hội “Chém lợn” ở Bắc Ninh

Theo tục lệ, cứ vào ngày mồng 6 tết hằng năm, làng Ném Thượng (xã Khắc Niệm, Tiên Du) lại tổ chức lễ hội chém heo (lợn). Tục truyền, một vị tướng cuối đời Lý tên Lý Đoàn Thượng, khi đánh trận chạy đến vùng này đồn trú đã chém heo rừng nuôi quân.

Từ đó, người dân mở hội chém heo hằng năm để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất hoang vu này. Theo tín ngưỡng dân gian của vùng quê này, máu heo trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu...

Người dân làng Ném Thượng vẫn coi đây là một tục lệ và hướng về nó một cách thành kính. Vì thế, những người tham gia rước lễ và chém heo phải có gia đình nền nếp, con cái ngoan ngoãn, trưởng thành.

Người nắm vai trò cầm trịch trong lễ hội thường phải là người thành đạt. Hai con heo tế thánh được nuôi dưỡng đặc biệt trong suốt năm đó mỗi con phải đạt trọng lượng khoảng 1,5 tạ.

Lễ hội chém heo tế Thánh thường thu hút hàng ngàn người từ khắp các vùng lân cận đổ về xem và màn chém heo là “tiết mục đinh” của lễ hội.

Hai con heo lớn trước đó còn được tôn vinh, cưng nựng bị vật nằm ngửa ra buộc dây vào 4 chân để 4 người khỏe mạnh kéo căng ra 4 phía như cảnh phanh thây thời trung cổ.

Người cầm đao chém mạnh xuống ngang ngực heo khiến lồng ngực con vật khốn nạn vỡ ra. Máu heo ộc ra xối xả và bắn tóe ra xung quanh trong tiếng reo hò vang dội của người xem lẫn tiếng hộc thảm thiết của con vật chưa chết ngay.

Thủ đao tiếp tục chém khoảng 3-4 nhát nữa thì con heo đứt lìa thành hai mảnh trông rất ghê rợn.

Ngay sau đó, đám người xem ùa vào lấy tiền lẻ quệt vào thân heo đang chảy máu hoặc vũng máu dưới tấm trải dưới đất. Nhiều người quá phấn khích vồ cả bàn tay vào vũng máu tạo ra cảnh tượng kinh hoàng.

Những đồng tiền thấm đẫm máu heo đó được người ta đem về thờ để cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt. Còn thịt heo cũng được xẻ ra để chia cho mọi người trong làng ăn lấy may.

Đây được xem là một trong những lễ hội tàn bạo nhất trên cả nước, bị không ít cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước phản đối.

5. Lễ hội “Chạy lợn” tại Hà Nội

Xưa kia, lễ hội “Chạy lợn” ở Trại Diền (thôn Duyên Yết, Hồng Thái, Phú Xuyên, Hà Nội) là cuộc thi mổ lợn cấp tốc nhằm kịp khao đội quân lên đường cho trận Ngọc Hồi – Đống Đa do vua Quang Trung lãnh đạo.

Đến nay, lễ hội này được tổ chức hàng năm vào mồng 7 Tết âm lịch. Theo thông lệ, các “ông lợn” chỉ được giao cho các gia đình nền nếp, con cháu thành đạt, phương trưởng chăm nuôi. 10 ngày trước lễ hội, “ông lợn” chỉ ăn cháo gạo nếp và được tắm rửa bằng nước lá thơm hằng ngày.

Cuộc thi chạy lợn được diễn ra với sự tham gia của 3 xóm. Khi tiếng trống lệnh bắt đầu, các lực sĩ khiêng “ông lợn” chạy vào sân đình.

Người chặt đầu, người cạo lông, người lấy phủ tạng, chỉ chưa đầy 2 phút, chiếc thủ lợn ngậm đuôi, gầu o, vai, mông, cùng phủ tạng đã được bày lên khay chuẩn bị dâng lễ.

Và một vài suy ngẫm..

Lễ hội là nét văn hóa đặc sắc, có truyền thống lâu đời, có khả năng đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhu cầu giao tiếp, vui chơi,... của người Việt Nam.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, thì có tới 88% số lễ hội hiện nay mang tính chất lễ hội dân gian và được hình thành từ quá khứ đang tiếp tục được duy trì là minh chứng cho vai trò của lễ hội trong đời sống văn hóa của dân tộc.

Thế nhưng, không phải lễ hội nào cũng có được sự tiếp biến văn hóa để phù hợp với đời sống.

Nếu đã một lần chứng kiến cảnh người Tây Nguyên đâm tới chết con đã trâu bị cột chặt trong lễ mừng lúa mới, hay xem người ta vừa chạy vừa cầm dao chém heo thành nhiều mảnh trong lễ hội Chạy Lợn ở vùng Phú Xuyên (Hà Nội) và tận thấy cảnh giết trâu chọi ở Đồ Sơn cũng như màn chém heo ở làng Ném Thượng thì hẳn đều không khỏi hãi hùng.

Dù một số lễ hội đó đã trở thành nét riêng của một vùng đất nhưng thực chất lại là những hủ tục lạc hậu, vô minh, thậm chí dã man không còn phù hợp với lối sống văn minh thì nên loại bỏ khỏi cộng đồng. Không riêng gì nước ta, nhiều nước trên thế giới cũng đã bỏ nhiều lễ hội mang tính dã man, không phù hợp thời đại.

Thế nên dư luận cho rằng: Nên chăng có sự gạn lọc, lựa chọn và chấn chỉnh các hoạt động lễ hội để loại bỏ những yếu tốt không còn phù hợp đang trở thành hành vi làm “ô nhiễm” sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Thêm nữa, cần cảnh báo hiện tượng một số lễ hội bị dư luận lên án, vì ở đó, xu hướng thương mại hóa ngày càng rõ. Thậm chí, có lễ hội do không tìm hiểu cặn kẽ nên xuất hiện một số hoạt động xa rời ý nghĩa nguồn gốc, nghi thức trong lễ hội bị biến tướng, ở một số nơi, lễ hội trở thành hủ tục mang mầu sắc mê tín, dị đoan.

Nhất là việc cần tách bạch rõ giữa lễ hội dân gian, có từ lâu đời của người dân và các liên hoan chỉ mang tính phong trào, hay các “biến tướng” trong lễ hội.

Bởi nếu không, bản chất của lễ hội là “sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng” sẽ ngày càng bị lai tạp, tín ngưỡng văn hóa lành mạnh của cộng đồng và người dân sẽ dễ bị lợi dụng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nhung-le-hoi-co-tieng-boi-tai-tieng-733183-c.html