Những lãnh đạo thế giới nổi bật nhất 2012

Những lãnh đạo nổi bật nhất không có nghĩa tất cả trong số họ đều tốt, hoặc đều xấu mà là những người có ảnh hưởng nhất. Năm 2012 thật sự là một năm đáng kể cho những người làm thay đổi cuộc chơi và tạo ra tin tức mới.

1. Christine Lagarde

Lagarde là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bà không có thời gian để dàn xếp trước khi nhảy vào một cuộc chiến kéo dài là cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Tờ tạp chí Forbes của Mỹ đã xếp hạng bà trong số những người quyền lực nhất và cũng là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Giám đốc của tổ chức tài chính lớn bao gồm 188 quốc gia dự tính sẽ thu về thêm 430 tỉ USD gây quỹ từ các quốc gia G20 trong tháng Tư vừa qua, nâng khả năng cho vay của IMF lên gấp đôi.

2. Barack Obama

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa thắng cử thêm một nhiệm kỳ mới trong cuộc bầu cử được cho là gay cấn và kịch tính nhất trong lịch sử Mỹ những năm gần đây. Ông vẫn rất chắc chắn trong việc đưa ra các quyết định bất kể chiến dịch tranh cử của ứng viên Mitt Romney đã mô tả ông là một lãnh đạo sai lầm.

"Ông Obama 50 tuổi đã cho thấy kỹ năng tuyệt vời với tư cách là Tổng Tư lệnh, cử đội SEAL của Hải quân để xử vụ Osama bin Laden, và giám sát việc ra đi một cách trình tự khỏi Iraq" - Joe Klein viết trên tạp chí Time. "Nhưng trên hết, trong những thời khắc khó khăn, ông trở nên sáng láng và chắc chắn, đáng tin cậy. Các đài tưởng niệm thường không được dựng lên cho các chính trị gia chỉ đơn thuần là đáng tin cậy, nhưng họ làm vì hướng tới việc thắng cử lần hai".

Tạp chí Time mới đây một lần nữa lại bầu chọn ông Obama là "Nhân vật của năm".
3. Imran Khan

Imran Khan đã có một cú nhảy từ một người chơi cricket thành một chính trị gia - nhà hoạt động một cách trơn tru. Giờ đây ông là lãnh đạo đảng Tehrik-e-Insaf (PTI) của Pakistan. Khan trở thành gương mặt cho phong trào chống các máy bay do thám không người lái ở đất nước của ông.

Dù cho dữ liệu về các vụ thiệt mạng liên quan tới tới các máy bay do thám không người lái rất hiếm, nhưng Văn phòng Báo chí Điều tra ước tính các máy bay đã khiến khoảng 474 cho tới 884 dân thường Pakistan thiệt mạng kể từ năm 2004 tới nay, trong đó có 176 trẻ em. Các máy bay này là công cụ cho chiến lược của Mỹ trong khu vực.

Khan đã đứng lên chống lại việc sử dụng máy bay do thám không người lái tại Pakistan. Ông tiếp tục lên tiếng chống lại bạo lực, và việc thúc đẩy chống máy bay do thám là tâm điểm trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.

4. Hillary Clinton

Được coi là Ngoại trưởng phải đi công du nhiều nhất, bà Clinton đã tới ít nhất là 111 quốc gia, và đối mặt với rất nhiều cuộc khủng hoảng trên toàn cầu trong suốt những năm bà tại nhiệm.

Từ cuộc khủng hoảng đẫm máu tại Syria, cho tới vụ tấn công ngày 11/9 tại lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, cho tới xung đột 8 ngày giữa Israel và Gaza, vai trò của bà Clinton nổi lên rõ rệt trong các thách thức gai góc này.

Hillary Clinton có thể sẽ lần thứ 10 trở thành người phụ nữ đáng ngưỡng mộ nhất do Gallup bình chọn trong năm nay. Và chắc chắn, bà giành danh hiệu 'người được yêu cầu tranh cử Tổng thống Mỹ trong năm 2016 nhiều nhất'.

5. Kim Jong Un

Lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong Un, con trai của cố lãnh đạo Kim Jong Il đã có một năm nổi bật và thu hút sự chú ý của thế giới khi lên nắm quyền và điều hành đất nước.

Kim Jong Un kết hôn với Ri Sol Ju. Tiếp đó đến các vụ phóng tên lửa, và đã thành công vào tháng 12. Kim Jong Un còn dành danh hiệu "Nhân vật của năm" do độc giả tờ Time bình chọn với 5,6 triệu lượt bình chọn.
6. Aung San Suu Kyi

Aung San Suu Kyi đã giành giải Nobel Hòa bình vào năm 1991 vì các hoạt động can đảm của bà chống dưới thời lãn đạo U Ne Win. Tuy nhiên, năm nay đánh dấu một bước chuyển lớn cho bà Suu Kyi và đảng của bà là Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ: Đảng này giành đa số ghế trong kỳ bầu cử quốc hội.

7. Mohamed Morsi

Mohamed Morsi trở thành lãnh đạo đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ sau khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị lật đổ. Mặc dù ông Morsi thể hiện được ấn tượng rất lớn sau bầu cử, nhưng ông đã làm Cairo rối loạn khi ban hành một sắc lệnh gây tranh cãi, trong đó đặt ông ở vị trí có quyền lực còn cao hơn cả các quan tòa.

Tuy nhiên, Morsi lại chứng tỏ ông là một nhà trung gian hòa giải chính trị đầy kỹ năng tại Trung Đông, khi giúp hình thành nên một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Gaza sau khi hai bên có cuộc chiến chóng vánh 8 ngày.
8. Hugo Chavez

Sau khi cầm quyền gần 14 năm, Tổng thống Hugo Chavez sẽ còn tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm 6 năm nữa và trở thành một trong những chính trị gia được chú ý nhiều nhất tại Mỹ La tinh. Tuy nhiên, cuộc chiến của ông chống lại căn bệnh ung thư vẫn đang rất khốc liệt.

Tương lai của Venezuela sẽ vẫn còn phải chờ xem, nhưng rõ ràng là ông đã tạo ra dấu ấn cho đất nước này và cả thế giới.

9. Bashar al-Assad

Năm nay, Bashar al-Assad là một trong những từ khóa xuất hiện nhiều nhất trong các bản tin, đặc biệt là tại Trung Đông. Chính quyền của ông đang phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất kể từ khi ông tiếp quản quyền lực vào năm 2000, sau cái chết của cha ông.

Hơn 40.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài gần 2 năm qua. Nội chiến tại Syria đang ngày một leo thang và có thể sẽ kết thúc trong một ngày không xa, khi mà các quốc gia đang tính phương án tị nạn cho ông Assad.

Lê Thu (theo GP)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/102549/nhung-lanh-dao-the-gioi-noi-bat-nhat-2012.html