Những làn điệu dân ca miền Tây Quảng Ngãi

Dọc trên con đường đèo dốc liên huyện miền núi Sơn Hà - Sơn Tây (Quảng Ngãi), vượt qua cầu Rinh, qua những đồi cau, cánh đồng lúa xanh non, gập ghềnh sỏi đá để vào thôn Tả Pa (xã Sơn Thượng, Sơn Hà) - nơi mỗi ngày vẫn ngân lên những làn điệu dân ca da diết từ cây sáo Tà-vỗ, đàn Ra -ngói, Tà lía, K’râu, B’rooc hay những làn điệu dân ca như Hmon (hát kể), Taoi (cúng Giàng)... gửi gắm tấm lòng và tình yêu của đồng bào dân tộc Hrê.

Những nhạc cụ truyền đời của người Hrê Trên trảng cỏ mướt dọc con sông Rinh hiền hòa, đàn trâu thong thả gặm cỏ trong ánh chiều nhạt nắng. Đang mải ngắm bức tranh làng quê yên bình của miền sơn cước, bỗng tiếng nhạc lúc du dương, trầm bổng như lời của gió hát giữa núi rừng, lúc réo rắt như tiếng suối luồn qua khe đá, lúc nỉ non, da diết, khi vút cao như tiếng hót của con chim núi, chim rừng gọi bạn khiến chúng tôi reo lên thú vị... Tà-vỗ là một nhạc cụ mang của người Hrê. Tà-vỗ là loại nhạc cụ được làm bằng đất sét dưới chân ruộng, trộn với nước nguồn rồi đem phơi thật đượm để thêm sức sống của vũ trụ bao la. Tà-vỗ to khoảng 3 ngón tay, thân có 5 lỗ, hình thon, tròn. Đất và trời kết tinh lại với nhau tạo thành tiếng sáo nhẹ nhàng, trong trẻo, ngân nga da diết. “Tà-vỗ được trẻ em Hrê dùng để gọi nhau đi chăn trâu, nhắc nhở nhau không để trâu ăn lúa, ăn ngô của người khác. Còn thanh niên thì qua thanh âm réo rắt, mời gọi của Tà-vỗ để bày tỏ tình cảm lứa đôi. Khi làm đồng, trai tráng thổi Tà-vỗ để xua tan mệt nhọc. Còn với người già, thổi Tà-vỗ là để cùng nhau hàn huyên, ôn lại quá khứ, nhắc nhở con cháu về truyền thống dân tộc...” - ông Đinh Mang, một trong những người lớn tuổi nhất thôn Tả Pa cho biết. Tiếng sáo Tà-vỗ đã nuôi lớn bao thế hệ trẻ em người Hrê, nó gắn bó với người Hrê từ lúc sinh ra cho đến khi về với tổ tiên ông bà. Với bàn tay tài hoa và trí sáng tạo tuyệt vời của các nghệ nhân dân gian, hòn đất đã cất lời tình bạn, tình yêu,... trải qua bao thế hệ người dân tộc Hrê. Nơi miền tây Quảng Ngãi, người dân tộc Hrê còn có một loại nhạc cụ dân gian đặc biệt đó là đàn Ra-ngói (đàn Môi), hay còn gọi là đàn giao duyên. Vào những buổi chiều sắp tắt nắng, hay trong những đêm trăng sáng vằng vặc, khắp núi rừng tiếng đàn Ra-ngói phát ra du dương, réo rắt... Đó là những lời yêu thương của những chàng trai, cô gái Hrê dành tặng cho nhau. Về cấu tạo, hình dáng đàn Ra-ngói của người Hrê cũng giống như đàn Môi của nhiều cộng đồng dân tộc khác. Đàn Ra-ngói được làm bằng thanh gỗ, hình dáng, kích thước như chiếc ghim đan lưới của bà con vùng biển, ở giữa có thanh thép dẹt. Khi chơi loại nhạc cụ này, người chơi đưa đàn lên môi, một tay giữ, một tay gảy thanh thép, kết hợp với sự điều khiển của đầu lưỡi và đôi môi, tạo nên thứ âm thanh trầm, ấm, chuyển tải rất hiệu quả tình cảm yêu thương của con người. Hình thức giao duyên khá độc đáo này đã trở thành nét đẹp trong đời sống cộng đồng người Hrê được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nghệ nhân giữ tinh hoa dân tộc Một trong những người tâm huyết luôn gìn giữ những tinh hoa của dân tộc Hrê ở miền tây Quảng Ngãi đó là nghệ nhân Đinh Ngọc Su (67 tuổi, dân tộc Hrê, trú thôn Tả Pa, xã Sơn Thượng, Sơn Hà, Quảng Ngãi). “Mỗi khi mùa xuân về, khi mùa màng đã rỗi, lúa thóc đã về nhà, người Hrê sẽ tắm mình trong lễ hội. Khắp buôn làng rộn vang tiếng cồng chiêng, tiếng kèn và những làn điệu dân ca truyền thống. Khắp nơi thơm lừng rượu cần, rượu k’ro, mọi người ngất ngây trong men rượu và tình yêu thương, gắn bó đoàn kết. Những cô gái Hrê khoe quần áo mới, môi cười tươi với màu son hoa gạo...” - dứt lời, nghệ nhân Đinh Ngọc Su bước vào trong nhà mang những nhạc cụ của người Hrê ra như để chứng minh lời ông vừa nói. Ông thổi một làn điệu Ca lêu: “Anh có thấy mùa xuân đang đến/ Hoa T’liêng đua nở khắp nơi/ Mùa lúa chín đàn chim tìm tổ ấm/ Em nhìn lên núi cao, núi như cha/ Núi là muôn thuở/ Em nhìn xuống sông, sông là nguồn sữa mẹ hiền/ Sông là vĩnh hằng”. Ông say sưa thổi đàn Ra- ngói, sáo Tà-vỗ, Tà-lía, K’râu, B’rooc... Là người học từ nhỏ có năng khiếu chơi các nhạc cụ dân tộc và hát các làn điệu dân ca, lớn lên ông mê mải học cách chế tác những nhạc cụ của người Hrê từ cha và anh trai. Đến nay ông Đinh Ngọc Su là nghệ nhân tài hoa nhất thôn Tả Pa. Bởi, ông không những chơi hay các làn điệu cổ truyền của người Hrê mà còn chế tác được hầu hết các nhạc cụ. Ông kể, tham gia bộ đội chống Mỹ, và trở về khi đất nước hòa bình. Thấy lũ trẻ làng ngày càng lãng quên các làn điệu dân ca của dân tộc mình nên ông rất lo ngại. Ông quyết phải lưu giữ những tinh hoa của dân tộc mình, trước tiên ông làm sáo Tà-vỗ và đàn Ra-ngói cũng như các nhạc cụ khác thổi cho trẻ con nghe. Thấy bọn trẻ thích, ông càng phấn khởi chỉ bày cho chúng. Bọn trẻ mang sáo và đàn đến lớp thổi. Điều mà ông không ngờ là khi nghe tiếng sáo, tiếng đàn có làn, có điệu, các thầy cô giáo ở xã Sơn Thượng liền báo với Phòng Văn hóa-Thông tin Sơn Hà. Sau thời gian bỏ công nghiên cứu, tìm hiểu, Sở Văn hóa-Thông tin đã đề nghị địa phương có kế hoạch bảo tồn các làn điệu dân ca, các nhạc cụ dân tộc. Và từ đó đến nay, ông không ngừng truyền lại cho các thế hệ sau kinh nghiệm, kỹ thuật chế tác, cách thức sử dụng nhạc khí và cách thể hiện các làn điệu dân ca Hrê. Ngoài việc chế tác, truyền tinh hoa của dân tộc cho thế hệ trẻ, ông còn là người thường tổ chức biểu diễn âm nhạc tại các làng, khu dân cư, trong và ngoài tỉnh, năm 2008, ông đại diện cho tỉnh Quảng Ngãi tham gia Liên hoan dân ca toàn quốc, đoạt giải nhất. Đặc biệt, trong tháng 9 và tháng 11/2009, ông được tỉnh xét chọn đi Hàn Quốc và Thụy Điển tham gia giao lưu, biểu diễn, quảng bá hình ảnh, âm nhạc của dân tộc Hrê với bạn bè quốc tế. “Nghệ nhân Đinh Ngọc Su là người có công lớn và có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần của cộng đồng Hrê Quảng Ngãi, được con cháu và nhân dân Quảng Ngãi quý trọng”, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi nhận xét.

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=2505&itemid=9694