Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học do Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cùng các đơn vị liên quan tổ chức sáng 25-7, tại Hà Nội. Hội thảo nhằm khẳng định giá trị của công trình khoa học này với các thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau.

Hội thảo đã thu hút được hơn 30 tham luận của các tác giả từ khắp mọi miền đất nước gửi về. Các tham luận đã ngợi ca tác giả của những bức thư, ca ngợi hành động anh hùng của các nhân vật trong những bức thư thời chiến.

Các đại biểu tại hội thảo.

Ban tổ chức cho biết: Các nội dung, đề tài của các tham luận hết sức phong phú. Một số nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn đã dày công khảo cứu đưa ra những khái niệm, nhận định, phân tích và chứng minh một cách thuyết phục: Chỉ với gần chục trang viết, nhưng PGS, TS Hà Minh Hồng (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã khái quát được lịch sử và vai trò của những lá thư thời chiến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới từ nhiều ngàn năm trước... TS, Nhà báo Ngô Vương Anh (Báo Nhân dân) khẳng định: “Những lá thư thời chiến Việt Nam" là một khối tư liệu phong phú và đặc sắc, mang những giá trị chân thực và chứa trong đó vô vàn câu chuyện cảm động”.

Cũng trong hội thảo này, BTC còn bất ngờ nhận được nhiều tham luận hết sức xúc động và thuyết phục của những “người trong cuộc”: Thiếu tướng Phan Khắc Hy (nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân; Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh) với câu chuyện tình yêu của chính mình. Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đào Trọng Hùng với “Những lá thư thời chiến của lực lượng Công an chi viện An ninh miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ”. Đặc biệt

, BTC còn nhận được 2 tham luận của 2 nhóm tác giả trẻ, là sinh viên đại học, đến từ TP Hồ Chí Minh. Điều ấy chứng minh thế hệ trẻ đã tâm huyết với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc.

Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” là một Công trình khoa học “Sưu tầm và Giới thiệu” độc đáo và mang tính nhân văn sâu sắc. Cuốn sách là kết quả của Cuộc vận động sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách “Những Lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam”, được thực hiện trong thời gian 10 năm (2005 – 2015), nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và tiến tới kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, tập hợp hơn 300 lá thư của 127 tác giả. Với Cụm công trình tác phẩm này, Nhà văn Đặng Vương Hưng vinh dự là một trong những tác giả được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải tôn vinh trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm 2017. Người viết thư thuộc đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội: nông dân, công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong… Họ giống nhau ở một điểm là đều trực tiếp đi qua chiến tranh. Đặc biệt, đa phần các tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu trong cuốn sách đều là Liệt sĩ, hoặc Thương binh và khi cuốn sách này ra đời thì hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di vật thiêng liêng, từng đặt trên bàn thờ của nhiều gia đình Việt Nam.

TS. Nhà văn Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) khẳng định: "Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” sẽ luôn mang thông điệp về cái đẹp, có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và mang tính nhân văn sâu sắc; có tác dụng lớn phục vụ phong trào và sự nghiệp Cách mạng; có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong đời sống nhân dân; đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và phát triển nhận thức xã hội; góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc".

Tác giả, Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ: “Những bức thư là kỷ vật lịch sử của một thời, cho chúng ta biết cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Cha ông ta đã sống như thế nào, đã yêu, đã hy sinh và cống hiến ra sao…? Tôi muốn góp một cách nhìn mới về chiến tranh, thông qua những tư liệu sống động và chi tiết nhất, nhằm khắc họa hình ảnh những con người với các số phận riêng biệt nhưng đã làm nên hơi thở hào hùng chung của cả thời đại. Những bi hùng, những ám ảnh trong chiến tranh, các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học văn, những người quan tâm đến lịch sử truyền thống và văn hóa dân tộc rất cần biết… Điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu thấu đáo hơn quá khứ, để tự xây dựng cho mình một lý tưởng sống, hoài bão sống đẹp hơn, có ích hơn cho đất nước và cuộc đời này”...

Tin, ảnh: DIỆU THÚY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nhung-la-thu-thoi-chien-voi-lich-su-truyen-thong-va-van-hoa-dan-toc-513331