Những lá đơn gửi gắm niềm tin

Phòng tiếp dân của Báo CAND luôn được bố trí trang trọng, ở nơi thuận lợi nhất cho người dân đến làm việc, trao đổi. Dù ở thời điểm nào, dù trụ sở tòa soạn có thay đổi thì đồng chí Tổng Biên tập Báo qua các thời kỳ cũng luôn đặc biệt quan tâm đến phòng tiếp dân, từ bàn ghế, biển bảng quy định nội quy tiếp dân cho đến nước uống…

Bởi, chính nhân dân, bạn đọc là người đồng hành không thể thiếu đối với thành công, sự phát triển của Báo CAND. Từ những cuộc gặp gỡ ban đầu ở Phòng tiếp dân ấy, nhiều vụ việc đấu tranh chống tiêu cực đã xuất hiện trên các trang Báo, nhiều bài viết sắc sảo, mang đậm tính nhân văn mà thông tin được chính người dân cung cấp đã tạo sự tin cậy trong lòng bạn đọc.

1. Vào một ngày trời đông rét buốt cách đây chừng 5 năm, anh Nguyễn Khắc Thân rụt rè bước vào phòng tiếp dân. Anh vốn là gương mặt quen thuộc với cán bộ phát hành của Báo trong mỗi buổi sớm mai, lấy báo rong ruổi bán lẻ khắp hang cùng ngõ hẻm.

Đi bán báo nhiều năm, và rồi chính anh lại phải tìm đến tòa soạn trong một vai khác, đó là người dân phải đi kiện. Cán bộ tiếp dân Đặng Thị Lan Hương lắng nghe câu chuyện của anh, nghiên cứu hồ sơ tài liệu anh cung cấp đã báo cáo lãnh đạo Ban Pháp luật - Bạn đọc (PLBĐ) để đề xuất Ban Biên tập cử phóng viên giải quyết vụ việc. Sự nhạy bén và nắm vững nghiệp vụ pháp luật của cán bộ tiếp dân đã nhận ra đây là vụ việc đặc biệt.

Từ Nghệ An lên Hà Nội kiếm sống để chữa bệnh, anh tích cóp, vay mượn mua một căn phòng tập thể hơn 10m², nhưng rồi phải dằn lòng bán nhà để chữa bệnh và nuôi con ăn học.

Bất ngờ nhiều năm sau, người chủ cũ ngôi nhà (mà anh mua lại từ người khác) kiện anh ra tòa đòi lại căn phòng. Bản án sơ thẩm buộc anh phải trả nhà cho người bán. Vợ con anh hoang mang, bản thân anh lo lắng, lấy đâu ra tiền để trả lại người bán nhà?

Phóng viên Ban PLBĐ đến gặp các cơ quan chức năng tìm hiểu vụ việc, viết bài và tham dự, đưa tin tất cả các phiên tòa xét xử vụ tranh chấp căn hộ. Trong mỗi bài viết đều thể hiện rõ ràng quan điểm và các căn cứ để bảo vệ quyền lợi cho gia đình anh Thân.

Cuối cùng thì công lý cũng đã được thực thi. Án sơ thẩm ban đầu bị hủy, rồi cuối cùng là Bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội không chấp nhận đơn khởi kiện của người chủ cũ căn hộ. Vợ chồng anh Thân mừng rơi nước mắt, tâm sự với chúng tôi rằng, anh đã không nhầm khi đặt niềm tin vào Báo CAND.

Thời điểm Báo CAND vừa sáp nhập với Báo An ninh thế giới (tháng 11-2003), Ban PLBĐ nhận lá đơn có bút phê của đồng chí Tổng Biên tập. Đó là lá đơn kêu cứu của một phụ nữ làm nghề giúp việc bị chủ nhà vay tiền, không trả nợ. Từ lá đơn, phóng viên đã gặp người phụ nữ đáng thương ấy, thu thập tài liệu, chứng cứ đúng pháp luật.

Đồng hành cùng bà trên từng bước đi của lá đơn, phóng viên tìm đến cơ quan điều tra từ khi họ bắt đầu thụ lý đơn cho đến khi vụ việc được đưa ra tòa án sơ thẩm, rồi phúc thẩm, thi hành án. Nhiều bài viết đăng trên báo giấy và Báo CAND điện tử đã thu hút được bạn đọc, gây sự chú ý cho các cơ quan chức năng, tạo dư luận tốt, bảo vệ được quyền lợi cho người dân.

Phóng viên Ban Pháp luật - Bạn đọc (Báo CAND) trực tiếp đến cơ sở tiếp nhận đơn tố cáo của người dân.

2. Không chỉ chú ý đến trường hợp cá nhân riêng lẻ, chỉ từ một cuộc điện thoại qua Đường dây nóng hoặc thư gửi qua đường bưu điện, nhận thấy nội dung có vấn đề là phóng viên Ban PLBĐ sẵn sàng “xuất kích”.

Còn nhớ, vào một đêm khuya, đồng chí Vũ Mạnh Hà, Trưởng ban Báo Điện tử CAND nhận điện thoại của một công dân ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình phản ánh bức xúc về công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến nhiều hộ dân.

Thông tin được chuyển lại cho Ban PLBĐ và cũng ngay trong đêm đó, đồng chí Cao Hồng, Phó trưởng Ban PLBĐ đã nói chuyện qua điện thoại rất lâu với người dân này. Cuộc trò chuyện giúp anh tin tưởng, và thật bất ngờ, ngay sáng sớm hôm sau, từ khi trời còn chưa sáng rõ, CBCS Báo còn chưa đến trụ sở làm việc thì người đàn ông đó đã gọi điện thông báo anh đang có mặt trước cổng cơ quan.

Khi tiếp xúc, anh tâm sự, ngay trong đêm đó anh tập hợp bà con, 2 giờ sáng xuất phát từ Thái Bình lên Hà Nội để phản ánh với Báo sự việc tại địa phương. Hai phóng viên của Ban PLBĐ được cử về huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình điều tra.

Loạt bài viết về những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở huyện Thái Thụy đã tạo được dư luận tốt, từ buổi làm việc với phóng viên Báo CAND và nội dung phản ánh trên Báo, các cơ quan chức năng đã thận trọng xem xét quá trình giải quyết và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ở mỗi thời điểm khác nhau nhưng chuyên trang “Bạn đọc với CAND – CAND với bạn đọc” những vấn đề nóng của xã hội cũng được phản ánh đầy đủ trên trang báo. Cách đây 11 năm, dư luận bất bình với sự phát triển của tệ nạn xã hội. Hiểu được bức xúc của nhân dân, một nhóm phóng viên của Ban PLBĐ thâm nhập điều tra về các tệ nạn xã hội một cách công phu, có chiều sâu. Loạt bài “Đấu tranh với tệ nạn ở Hà Nội” của nhóm tác giả Nguyễn Hưng, An Bình, Cao Hồng, Trần Hằng đã đoạt giải C Giải Báo chí quốc gia thể loại phóng sự điều tra năm 2005.

3. Mỗi tháng, Ban PLBĐ tiếp nhận hàng trăm đơn thư từ khắp cả nước gửi về tòa soạn. Nội dung đơn thư phản ánh những vấn đề mà xã hội bức xúc, từ tín dụng đen, tranh chấp đất đai, tham nhũng, đấu tranh chống tiêu cực, vi phạm trong giải quyết chế độ chính sách cho người có công, phản ánh nạn khai thác than thổ phỉ, khai thác cát trái phép, lấn chiếm đất công…

Từ nguồn đơn thư đó, hàng loạt bài báo được lên trang, tới tay bạn đọc, nóng hổi hơi thở cuộc sống và truyền tải tâm tư, nguyện vọng của người dân tới các cơ quan chức năng. Rất nhiều lá thư cảm ơn, bày tỏ lòng cảm kích với CBCS Báo CAND, đó là nguồn động viên tinh thần to lớn để CBCS Ban PLBĐ không quản ngại khó khăn, kiên trì điều tra, phản ánh và đấu tranh cho sự thật, vì quyền lợi của nhân dân.

Trong xã hội hiện tại với nhiều phức tạp, những cám dỗ vật chất, những ảnh hưởng vô hình có thể tác động tới hướng đi của từng bài viết. Nhưng, CBCS Ban PLBĐ có quyền tự hào với những gì mình đã làm. Cũng chỉ mới đây thôi, một bạn đọc vốn là đại biểu HĐND của một quận ở Hà Nội gửi thư tới Báo CAND phản ánh vấn đề tiêu cực của lãnh đạo địa phương.

Ông cân nhắc rất nhiều và cuối cùng đã lựa chọn Báo CAND để phản ánh. Thế nhưng, ban đầu ông cung cấp thông tin cho chúng tôi rất dè dặt. Sau khi phóng viên tiến hành điều tra, thông tin tiêu cực được đưa ra công khai, lúc đó ông mới tâm sự:

“Có một số nơi, thông tin tiêu cực bị ỉm đi hoặc bị sử dụng để làm một số việc khác”. Bởi vậy, ông phải nghe ngóng tình hình, xem chúng tôi “làm ăn” ra sao.

Sau đó, độc giả này đã cung cấp cho phóng viên Ban PLBĐ rất nhiều thông tin, tài liệu quý giá để tiếp tục có những bài viết sắc bén, đấu tranh chống tiêu cực, củng cố lòng tin cho nhân dân. Sự tin tưởng của bạn đọc - đó là món quà quý giá cho CBCS Ban PLBĐ Báo CAND tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong năm 2016, Ban Pháp luật Bạn đọc Báo CAND đã tiếp nhận và xử lý gần 1.000 đơn thư tố cáo, khiếu nại, kiến nghị trực tiếp tại tòa soạn và qua đường bưu điện. Trong đó, đã chuyển 492 đơn thư đến các cơ quan chức năng và các địa phương giải quyết theo thẩm quyền. Trong quá trình tiếp nhận, xử lý đơn thư, Ban Pháp luật Bạn đọc đã sàng lọc, phát hiện nhiều thông tin, vụ việc có giá trị, từ cơ sở đó đề xuất Ban Biên tập cử phóng viên điều tra, đưa tin kịp thời trên các số Báo.

Việt Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-an/nhung-la-don-gui-gam-niem-tin-414681/