Những kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn ai cũng cần biết

Sau hàng loạt các vụ cháy lớn, kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn đã được bàn tới. Việc thoát hiểm như thế nào, nên chạy tới đâu là điều nhiều người đưa ra.

Những kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn ai cũng cần biết

Bình tĩnh xử lý tình huống đã xảy ra

Điều quan trọng khi xảy ra cháy nổ tại nơi bạn đang ở là phải bình tĩnh để xử lý các tình huống xảy ra. Thông thường, khi tiếp nhận thông tin báo động, mọi người sẽ phải sẵn sàng thực hiện di tản khẩn cấp để thuận lợi cho công tác chữa cháy.

Cúi thấp người di chuyển trong đám lửa khói

Theo nhiều chuyên gia PCCC, một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra cháy là phải cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn luôn bay lên cao. Thậm chí, bạn có thể nên phải bò dưới sàn khi lượng khói tập trung nhiều để tránh bị ngạt.

Trên thực tế, trong một đám cháy, khói và khí độc làm nhiều người bị hại hơn là lửa. Bạn sẽ hít ít khói hơn nếu cơ thể bạn ở gần sát nền nhà. Theo tự nhiên, khói bay lên cao, vì thế, nếu có khói khi bạn đang trên đường thoát hiểm, ở vị trí thấp có nghĩa bạn bò dưới khói. Bạn có thể cúi sát xuống sàn nhà, và bò bằng bàn tay và đầu gối dưới đám khói.

Khói độc là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao và nhanh hơn là bị phỏng và chết cháy.

Lấy khăn thấm nước che miệng, mũi

Khi chạy thoát giữa cảnh khói lửa, bạn nên cầm khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị. Điều này giúp chống nhiễm khói hiệu quả. Ngoài ra, khi muốn thoát ra khỏi đám lửa, bạn nên phải dùng thêm chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần áo gây bỏng da.

Lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở trong đám cháy

Không được chạy khi bị lửa làm cháy quần áo

Khi tóc hoặc quần áo bị bén lửa, phải tạm dừng mọi di chuyển, sau đó nằm áp người xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn. Tuyệt đối không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không được nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

Không dùng thang máy để thoát hiểm

Khi có cháy, tuyệt đối không sử dụng thang máy làm lối thoát hiểm, vì khi vừa xảy ra cháy thang vẫn còn điện để hoạt động, nhưng khi phát hiện có cháy, nhân viên điện lực có thể sẽ cắt điện của tòa nhà, cả khu vực… để phục vụ công tác chữa cháy nên bạn có thể bị kẹt lại trong thang máy.

Tuyệt đối không dùng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn.

Không dùng nhà vệ sinh để ẩn nấp

Khi có cháy, người bị nạn tuyệt đối không chọn nhà vệ sinh và các phòng nhỏ làm nơi trốn khi xảy ra hỏa hoạn vì những nơi này được xây kín, ít không khí không có lối thoát, lại là nơi khuất rất khó cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tìm, cứu.

Nếu kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy nhớ đến tam giác sự sống. Khi xảy ra cháy, dẫn đến thay đổi áp suất trong phòng và bên ngoài dễ dẫn đến sập nhà, sập phòng. Vì vậy, cần phải nhanh chóng chọn những nơi có vị trí tam giác chính là các góc nhà, góc phòng để làm nơi ẩn nấp. Khi không may phòng sập, đây sẽ là vị trí ít bị đè bẹp nhất.

Hiện trường tan hoang sau vụ cháy xảy ra ở đường Trần Thái Tông - Hà Nội

Kiểm tra tay cầm của cánh cửa

Khi mở bất cứ cánh cửa nào để thoát hiểm phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa. Không mở cửa nếu thấy cửa ấm hoặc nóng. Nếu thấy cửa không bị tác động nhiệt thì mở cửa từ từ và đè sát người vào cửa. Nếu thấy có lửa và khói phía bên kia thì đóng lại ngay lập tức đồng thời chèn kỹ các khe hở không cho khói, lửa lan vào phòng

Clip cứu người trong đám cháy tại Trần Thái Tông

Kim Thanh (Tổng hợp/Nguồn: Báo Pháp Luật/Người đưa tin)

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/nhung-ky-nang-thoat-hiem-khi-xay-ra-hoa-hoan-ai-cung-can-biet-d102459.html